Lập "hồ sơ tâm lý học sinh"

Đây là một "công cụ" hữu ích giúp cô làm công tác chủ nhiệm hiệu quả.

Với cô Nga, việc lập hồ sơ tâm lý học sinh nhằm hiểu cặn kẽ từng hoàn cảnh, tâm lý,… là điều cần được chú trọng trong các nhà trường ngay từ khi các con bắt đầu nhập học.

{keywords}

Thông qua hồ sơ tâm lý, giáo viên có thể nắm rõ hoàn cảnh gia đình, sở trường, sở đoản của từng học sinh hay những năng lực đặc biệt của học sinh ở bậc tiểu học.

Sau đó, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) sẽ phân loại hồ sơ theo từng nhóm đối tượng. Từ việc này, giáo viên sẽ có sự định hướng, hỗ trợ và điều chỉnh hành vi phù hợp hơn.

Thông qua hồ sơ tâm lý, giáo viên có thể nhận biết được hoàn cảnh gia đình. Ví dụ, có những học sinh bố mẹ chia tay; mẹ có mối quan hệ riêng tư khác. Đứa trẻ cảm thấy mình bị bỏ rơi và rất cô đơn trong ngôi nhà. Thay vì chơi với bạn bè, con thu mình lại và luôn làm những việc khác biệt như chơi điện tử thâu đêm hay thích là nghỉ học. Lúc này, vai trò của giáo viên phải tìm hiểu, gần gũi và bù đắp cho con bằng những tình cảm yêu thương chân thành”.

Đây được coi là phương pháp giáo dục cá thể hoá, chăm lo tới từng học sinh.

Để thực hiện phương pháp này, thầy cô phải không ngừng thay đổi, chấp nhận sự khác biệt sáng tạo để học sinh mỗi ngày đều tiến bộ hơn so với chính mình.

Có 19 năm giảng dạy tại trường, cô Nga cho biết, phương pháp này rất hiệu quả, đặc biệt đối với những học sinh được xem là ngỗ nghịch.

Cậu học trò bị cha mẹ xem là "đồ hư hỏng"

Cô Nga khẳng định, giáo viên muốn dạy trẻ cần phải thực sự hiểu các em. Nhưng để hiểu về trẻ không phải dễ dàng. Ngoài nắm bắt thông tin cá nhân từng em, còn phải có kiến thức về tâm sinh lý giáo dục thấu đáo.

Thậm chí, không phải phụ huynh nào cũng thực sự hiểu con cái mình và đồng thuận với cách giáo dục của nhà trường.

{keywords}
Hồ sơ tâm lý của học sinh mà cô Nga đã soạn

Trong khối lớp 7 cô chủ nhiệm, có một cậu học sinh nhu cầu sinh lý rất lớn. Phụ huynh luôn cho rằng con mình là "đồ hư hỏng, đồ bỏ đi". Không chỉ vậy, em luôn nhận được những lời chửi bới, mắng nhiếc từ cha mẹ.

Tiếp cận vấn đề ở góc độ tâm lý, cô Nga nhìn nhận học sinh này đang rơi vào trạng thái không giải tỏa được tâm sinh lý. Cô đã phải kết nối với phụ huynh cùng tìm ra hướng giải quyết như cho con tập thể thao, nói chuyện về vấn đề giới tính, không cấm đoán con chia sẻ điều ấy với bạn bè.

Phải rất mất thời gian thuyết phục, phụ huynh mới có thể đồng cảm với cô giáo. Nếu phụ huynh không quan tâm, giáo viên cũng không sát sao, học sinh rất khó đi theo con đường tích cực”, cô Nga nói.

Theo cô, ở giai đoạn THCS, học sinh đang bước vào thời điểm tâm sinh lý thay đổi mạnh mẽ. Sẽ có những trẻ mạnh bạo, muốn thể hiện bản thân; phần khác lại thu mình do hoàn cảnh hay cá tính.

Nhắc tới câu chuyện nữ sinh bị bạn đánh hội đồng ở Hưng Yên những ngày qua, cô phân tích:

"Trong số 6 em, nạn nhân hay thủ phạm, có những em thiếu vắng sự quan tâm của gia đình. Điều này có thể đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách và thói quen. Như vậy, vai trò của cô chủ nhiệm là bù đắp yêu thương và định hướng học sinh tới những điều tốt. Chẳng hạn, trong số 5 em đánh bạn, rất có thể mang thiên hướng làm thủ lĩnh; GVCN hướng các em tới những hoạt động tích cực như cho làm trưởng nhóm bảo vệ môi trường hoặc giao nhiệm vụ hỗ trợ một bạn nào đó. "Rất có thể điều ấy sẽ hướng các con đi theo con đường tích cực hơn".

Còn đối với học sinh bị các bạn bắt nạt, ngay khi nắm bắt được hoàn cảnh của học trò, GVCN nên chủ động chia sẻ. Với tính cách nhút nhát, cô giáo nên cùng các bạn trong lớp hỗ trợ, gần gũi động viên và đồng cảm giúp con thêm cởi mở”.

Khi được hỏi chia sẻ được kinh nghiệm gì trong công tác GVCN, cô Nga nói: “Trong các nhà trường nên có những buổi để học sinh nói về học sinh. Khi được chia sẻ về bản thân mình, nói ra những mong muốn và điều còn thiếu hụt, học sinh khác sẽ có thấu hiểu và đồng cảm hơn, về chính mình và bạn bè".

Cô Nga quan niệm kết quả của học sinh cần phải được đo bằng hai chỉ số là sự hạnh phúc và sự tiến bộ của mỗi học trò chứ không phải lấy thành tích làm thước đo chất lượng giáo dục của một nhà trường.

Nếu muốn đứa trẻ hạnh phúc, thì tâm lý phải ổn.

"Tôi cho rằng, cả 5 học sinh bắt nạt bạn có lẽ cũng không hạnh phúc khi sống trong môi trường thiếu hụt tình cảm, không được chia sẻ, giãi bày từ gia đình và nhà trường. Nếu kịp thời bù đắp, có lẽ các con cũng khó mà nổi loạn như thế”.

Cảm hoá cậu học trò "than đá"

Cô Nga nhớ về một cậu học trò có hoàn cảnh đặc biệt. Bố mất khi em mới 4 tuổi do bị lao phổi. Một năm sau, mẹ cũng mất vì bạo bệnh. Em được ông bà ngoại và các dì nuôi cho ăn học.

Nhưng em nghiện chơi game đến quên ăn, quên ngủ, quên giờ về nhà. Có những ngày dành 16-17 tiếng chơi game, hết khoảng 60-70 nghìn. Để có tiền chơi điện tử, em nhiều lần đã lấy cắp tiền của dì, của bà nội, của chú thím. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến em thường xuyên đi học muộn, nghỉ học tự do, học kém.

“Đó là một đứa trẻ ngỗ ngược, luôn phá phách thầy cô, trêu chọc bạn bè. Kết quả học tập và ý thức kỉ luật tệ hại biến con trở thành “điểm đen” trên mọi “cung đường”. Mọi người ví con như than đá, tránh xa con vì “chạm vào thì bẩn tay, không may còn rách tay chảy máu”.

Chính sự thiếu cảm thông, thấu hiểu của gia đình và nhà trường đã đẩy cậu bé vào sự nổi loạn. Năm lớp 8 là khoảng thời gian cậu học trò này tụt dốc nhanh nhất khi tìm đến các chất kích thích để quên đi chính mình. Thậm chí, khi ấy đã có những sáng thức dậy, em chỉ muốn được thiếp ngủ vĩnh viễn.

Thương cho hoàn cảnh của cậu bé mồ côi, cô Nga quyết phải làm điều gì đó giúp học trò, đó là “cảm hóa”. Cô chủ động tìm hiểu các mối quan hệ của trò, lắng nghe tâm tư nguyện vọng. Những giờ ăn bán trú, cô trực tiếp là người chia cơm, múc từng muôi canh.

Cô cũng gặp các thầy cô giáo bộ môn để chia sẻ hoàn cảnh và nhờ các thầy cô quan tâm, giúp đỡ; xếp con chuyển sang ngồi cạnh những bạn học tốt nhất lớp.

Không đưa ra quá nhiều yêu cầu cùng một lúc, cô tỉ mỉ hướng dẫn học sinh từng việc và có cơ hội sẽ khen học trò trước lớp.

Ngoài ra, cô còn cử học trò tham gia các hoạt động thiện để em cảm nhận được rằng cuộc đời này còn nhiều người bất hạnh hơn mà họ vẫn vươn lên, sống tốt.

Trong các buổi sinh hoạt lớp, cô thường kể những câu chuyện truyền cảm hứng và ánh mắt bao giờ cũng hướng về phía học trò để em cảm nhận được tình yêu thương.

“Từng ngày, tôi thấy con đi học đúng giờ, đồng phục đầu tóc hẳn hoi, đặc biệt con không còn nghỉ học tự do, các thầy cô bộ môn không còn phàn nàn về ý thức học tập của con. Thi giữa kỳ, rồi cuối kỳ, kết quả của con cứ thế tiến bộ dần lên. Thi thoảng được điểm tốt, con nhắn tin khoe tôi. Học kỳ 1 con đạt danh hiệu học sinh Tiến tiến bằng chính lực của mình.

Trong giờ sinh hoạt lớp với chủ đề “Chúng con đã thay đổi” lần đầu em nói về hoàn cảnh của mình.

Em đã nói: "Nếu ai đó có hỏi con: Hạnh phúc là gì? con xin trả lời: Hạnh phúc vì con được ở một nơi có các thầy cô, bạn bè, nơi con đã đổi thay để được là mình ngày hôm nay”.

Cô Nga cho rằng, hành trình dạy học sinh làm người là hành trình từ trái tim đến với trái tim, bởi chỉ yêu thương từ trái tim mới có hạnh phúc đích thực.

Thuý Nga