Phải hoàn thành công nhận hội đồng trường trước khi kết thúc năm học

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, Luật số 34 và Nghị định 99 là một bước tiến lớn về hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục đại học, trong đó nội dung cốt lõi là tự chủ đại học.

Một trong những điều kiện để các trường thực hiện quyền tự chủ đó là phải thành lập, kiện toàn hội đồng trường.

“Đó không chỉ là yêu cầu tuân thủ pháp luật mà còn là sự đổi mới cần thiết về mặt nhận thức và tư duy trong quản trị đại học theo mô hình tiên tiến”, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đến ngày 27/11 vẫn còn 50% cơ sở giáo dục đại học công lập chưa hoàn thành việc thành lập hoặc kiện toàn hội đồng trường theo luật mới.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

Trước thực tế đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục đại học phải khẩn trương thực hiện các bước thành lập và kiện toàn hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật, hoàn thành công nhận trước khi kết thúc năm học 2020 - 2021.

Bên cạnh đó, các trường phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy chế nội bộ, tăng cường phân cấp, phân quyền và công khai, minh bạch để thực hiện hiệu quả mô hình quản trị theo cơ chế tự chủ.

Việt Nam phải là quốc gia tiên phong trong chuyển đổi số giáo dục

Về việc chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học, ông Sơn đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tuyển sinh và đào tạo, trong đổi mới phương pháp dạy và trong quản trị nhà trường.

“Đại dịch Covid-19 vừa qua đã tạo ra một cú hích lớn, đồng thời cũng là một dịp để hệ thống giáo dục đại học thể hiện năng lực sử dụng công nghệ trong dạy và học. Các cơ sở giáo dục đại học không chỉ ứng phó với tình hình dịch bệnh mà đã có những định hướng chiến lược và các đầu tư, chuẩn bị mạnh mẽ cho chuyển đổi số, phát triển đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa”, ông Sơn nói.

Trong giai đoạn tới, ông Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT xác định chuyển đổi số là một chiến lược đột phá, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong chuyển đổi số giáo dục và đào tạo, ngay trong năm 2021, toàn ngành cần đẩy mạnh triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia và thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục đào tạo.

“Chuyển đổi số phải trở thành một nhiệm vụ chiến lược của mỗi cơ sở giáo dục đại học, được triển khai nhanh chóng và hiệu quả trong quản trị nhà trường, trong tuyển sinh và đào tạo, trong đổi mới dạy và học", ông Sơn nhấn mạnh.

Tuyển sinh giữ ổn định, có một số cải tiến về mặt kỹ thuật

Về công tác tuyển sinh, Thứ trưởng cho biết, trong 5 năm qua, công tác tuyển sinh đã được đổi mới thành công theo một lộ trình ổn định, giảm áp lực và chi phí cho toàn xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho thí sinh và các trường.

Trên cơ sở đó, công tác tuyển sinh trong năm 2021 đến năm 2025 cơ bản giữ ổn định với một số cải tiến về mặt kỹ thuật; đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các trường.

Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD-ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thi độc lập.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung với các phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nguyện vọng theo nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời giảm tỉ lệ ảo cho các trường khi sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.

Tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Theo ông Sơn, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã nhận được sự quan tâm và cả sự nỗ lực của toàn hệ thống, hình thành và phát triển văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học.

"Kết quả kiểm định cho thấy, các trường đã quan tâm và hướng tới các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế. Các trung tâm kiểm định trong nước đã từng bước phát triển, khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học nước ta".

Vì thế, trong năm 2021 và những năm tới, theo ông Sơn, khi tự chủ đại học được mở rộng, công tác kiểm định chất lượng giáo dục cần được quan tâm đặc biệt.

"Các cơ sở giáo dục đại học cần tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng nội bộ, coi công tác đánh giá và kiểm định là các hoạt động thường xuyên nhằm liên tục cải tiến chất lượng, mang lại niềm tin và lợi ích cho người học và cả xã hội", ông Sơn nói.

Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu

Về việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT đã bước đầu xây dựng và hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu cho giáo dục đại học phục vụ thống kê ngành và tuyển sinh đại học; các cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện cập nhật dữ liệu trên hệ thống.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học cũng là một thành phần cốt lõi trong khung chuyển đổi số, đóng vai trò quan trọng công tác quản trị nhà trường, góp phần công khai minh bạch thông tin, giúp các cơ sở giáo dục đại học thực hiện trách nhiệm giải trình; đồng thời phục vụ công tác phân tích, dự báo, giám sát, thanh tra trong chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

"Trong năm 2021, nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học cần được cơ bản hoàn thiện trong khuôn khổ dự án SAHEP. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục đại học phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ GD-ĐT để triển khai, cập nhật dữ liệu, đảm bảo đầy đủ, kịp thời và chính xác", ông Sơn nhấn mạnh.

Thúy Nga

Trường đại học càng 'tự chủ', xếp hạng thế giới càng cao

Trường đại học càng 'tự chủ', xếp hạng thế giới càng cao

Theo ông Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM thì: “Trường đại học càng có vị trí cao trên các bảng xếp hạng thì có nhiều quyền tự chủ hơn về quản trị và tổ chức bộ máy, về tài chính và về học thuật”.