- GS Nguyễn Minh Thuyết nói rằng tích hợp là xu thế chung của thế giới. Tôi đồng ý như vậy. Thế nhưng, tích hợp 3 môn truyền thống thành 1 môn mà vẫn phải 3 chương trình riêng rẽ, 3 giáo viên dạy. Rồi 2 môn chẳng có gì chồng chéo, giao thoa cũng tích thành 1 môn… Không hiểu tích hợp kiểu đó sẽ giải quyết được những vấn đề gì?

Có giảm số môn học?

Vấn đề tích hợp và giảm số môn trong chương trình tổng thể khiến không ít người tưởng rằng giảm môn thì số môn học ít đi và người ta còn nói với nhau rằng học sinh THCS sau này chỉ học có 10 môn thôi. Thực chất vấn đề không phải như vậy.

Chẳng hạn, các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học được chương trình mới gộp lại thành 1 môn chung là “Khoa học tự nhiên”. Việc gộp 3 môn thành 1 môn nhưng không trộn đều kiến thức được mà vẫn phải 3 chương trình riêng rẽ, 3 giáo viên dạy. Như thế sao nói là giảm môn học được.

Tương tự, ở Tiểu học, 2 môn Âm nhạc và Mĩ thuật được gộp lại thành môn Nghệ thuật. Và đương nhiên, vẫn phải có giáo viên âm nhạc, giáo viên mĩ thuật chứ 1 cô sao dạy được cả vẽ và hát. Như vậy, về thực chất số môn học không giảm.

3 sách giáo khoa hay 1 sách giáo khoa?

Vì đã trở thành 1 môn nên vấn đề sách giáo khoa sẽ xảy ra 2 tình huống: 

1 cuốn sách giáo khoa in mỗi phân môn một phần (3 phần hoặc 2 phần) ; 3 cuốn sách giáo khoa cho 3 phân môn.

Nếu in 1 cuốn sách giáo khoa thì cuốn sách sẽ dày và nặng cho giáo viên sử dụng. Khi đó, cô dạy Vật lí cứ phải bưng cuốn sách có cả nội dung Hóa học và Sinh học. Mỗi khi lên lớp lại phải mang cuốn sách nặng trĩu đó thật là bất cập.

Nếu tách ra 3 cuốn sách khác nhau thì gọn nhẹ cho giáo viên thì vấn đề tích hợp chẳng ý nghĩa gì vì vẫn 3 môn, 3 sách, 3 thầy. Khi đó phần kiến thức chung của các môn sẽ nằm ở đâu?

3 bài kiểm tra hay 1 bài kiểm tra?

Đã là tích hợp thành 1 môn thì về nguyên lí, 1 môn chỉ có 1 bài kiểm tra. Môn Lịch sử-Địa lí thì có thể tiến hành 1 đề bài có 50% câu hỏi cho Lịch sử và 50% câu hỏi cho Địa lí và chấm bài theo đáp án. 

Hơn nữa, 1 giáo viên có thể chấm được cả Lịch sử và Địa lí. Nhưng môn Khoa học tự nhiên mà làm vậy thì có thể đề bài sẽ dài và thời gian làm bài cho thí sinh sẽ tăng lên vì nó gồm 3 phân môn. 

Điều đó không sao nhưng bất cập ở vấn đề chấm bài. Chắc chắn 1 giáo viên không thể chấm cả 3 phần Vật lí, Hóa học và Sinh học. Không lẽ lúc đó lại giải quyết bằng cách 3 thầy cùng chấm trên 1 tờ giấy kiểm tra.

Nếu 1 đề kiểm tra không giải quyết được 3 phân môn thì lại phân môn nào kiểm tra riêng phân môn ấy. Vậy thì tích hợp để làm gì?

Âm nhạc và Mĩ thuật thì điều gì hỗ trợ và soi sáng cho nhau?

2 môn Âm nhạc và Mĩ thuật được gọi chung là môn Nghệ thuật. Đây là 2 môn học với các nội dung hoàn toàn không liên quan tới nhau. Một môn dạy hát và tìm hiểu nhạc, một môn dạy vẽ, nặn và xem tranh, tượng. Và đương nhiên, rất khó đào tạo được 1 giáo viên dạy cả 2 môn học này vì đây là vấn đề năng khiếu. 

Hiện nay, các trường sư phạm đang đào tạo giáo viên chuyên nhạc và chuyên mĩ thuật chứ chưa đào tạo được giáo viên kiêm cả nhạc, họa.

Theo GS chủ biên chương trình tổng thể, các môn học tích hợp lại để hỗ trợ và soi sáng cho nhau. Vậy thì Âm nhạc và Mĩ thuật soi sáng cho nhau ở chỗ nào?

Nói cách khác, Âm nhạc và Mĩ thuật chẳng có gì giao thoa, chồng chéo nhau, vẫn mỗi thầy một môn, mỗi môn 1 sổ điểm (sổ nhận xét), thế thì thích hợp làm gì?

Sao đã có Khoa học tự nhiên mà không có Khoa học xã hội?

Trong các môn học bắt buộc của Trung học cơ sở, chương trình tổng thể mới có tất cả 10 môn nhưng rất mâu thuẫn về tên gọi các môn học. 

Thể hiện ở chỗ có môn Khoa học tự nhiên nhưng lại không có môn Khoa học xã hội. Không hiểu vì sao các nhà biên soạn chương trình vẫn để tên gọi là môn Lịch sử-Địa lí bên cạnh môn Khoa học tự nhiên. 

Phải chăng, các soạn giả của chương trình chiều lòng theo một số người có quan điểm gộp Lịch sử và môn Tự nhiên xã hội sẽ mất môn Lịch sử?

Đúng ra mà nói, chính 2 môn Lịch sử và Địa lí mới có nhiều điểm hỗ trợ, soi sáng nhau. Thế mà các nhà biên soạn lại không dám gọi tên chung là Khoa học xã hội mà vẫn cứ gọi tên là Lịch sử-Địa lí để làm cho các tên môn trong chương trình mất sự thống nhất với nhau.

Đến nay, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được công bố. 

Chương trình được biên soạn bởi các giáo sư đầu ngành khiến các thầy cô giáo và nhân dân rất tin tưởng. 

Tuy nhiên, những vấn đề nêu trên cũng là những bất cập trong việc tích hợp liên môn các môn học trong chương trình. 

Rất mong những người làm chương trình tổng thể làm rõ hơn nữa những vấn đề nêu trên để các thầy cô yên tâm với chương trình mới.

  • Nhà giáo Tùng Sơn