Trao đổi với VietNamNet, GS Nguyễn Ngọc Châu, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết ông nhận thêm email tố cáo 21 ứng viên GS, PGS ngành Y không đạt tiêu chuẩn (trong số này có 3 ứng viên được nêu ở dạng nghi ngờ) đã được Hội đồng GS ngành Y học thông qua và đề nghị Hội đồng GS Nhà nước công nhận đạt chuẩn.

GS Châu đã xem hồ sơ của 21 ứng viên. Tuy nhiên, vì không có thời gian thẩm định nên ông gửi toàn bộ danh sách cho Hội đồng GS Nhà nước.

Ngoài ra GS Châu cũng nhận được email tố cáo một trường hợp đã được công nhận đạt chuẩn chức danh PGS năm ngoái. GS Châu xem hồ sơ trường hợp này và nhận thấy người bị tố cáo khai có 5 bài báo đăng trên tạp chí có uy tín nhưng ở thời điểm làm đơn xét công nhận PGS thì không có bài nào đạt. Ông đã đề nghị người tố cáo gửi đơn lên Hội đồng GS Nhà nước và bản thân ông cũng chuyển tiếp thông tin này cho Hội đồng GS Nhà nước.

Trước đó, GS Nguyễn Ngọc Châu đã nhận được 11 thư tố cáo 16 ứng viên GS, PGS ngành Y và ngành Dược có vấn đề về các bài báo khoa học, không đủ tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. 

Là người từng có 3 nhiệm kỳ là thành viên Hội đồng Khoa học sự sống, Hội đồng Sinh học – Nông nghiệp, có kinh nghiệm thẩm định các công bố trong lĩnh vực khoa học sự sống (Sinh học, Y-Dược học), GS Châu đã tự thẩm định lại tất cả các công bố của các ứng viên có thư tố cáo.

Theo thẩm định của ông với hồ sơ của 16 ứng viên, thì 12/16 ứng viên không đạt yêu cầu về công bố do không đủ bài theo yêu cầu. Hầu hết bài báo của các ứng viên này đều đăng trên các tạp chí Open Access (OA). Đây là các tạp chí mở, thường mất phí để đăng tải.

36/50 ứng viên bị tố cáo

Năm nay, ngành Y học có 45 ứng viên được hội đồng GS Cơ sở đề nghị xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS. Tuy nhiên, chỉ có 40 ứng viên được Hội đồng GS ngành thông qua. Trong đó, có 9 ứng viên GS, 31 ứng viên PGS.

Trong khi đó, ngành Dược có 11 ứng viên được Hội đồng GS Cơ sở đề nghị xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS nhưng chỉ có 10 ứng viên được Hội đồng GS ngành thông qua. Trong đó, có 2 ứng viên GS, 8 ứng viên PGS.

Như vậy, có tới 37 ứng viên GS, PGS ngành Y và Dược bị tố cáo. Trong đó, có tới 36/50 ứng viên (hơn 70%) đã được Hội đồng GS ngành thông qua (6 ứng viên GS, PGS ngành Dược; 30 ứng viên GS, PGS ngành Y) 

Nói về nguyên nhân khiến ứng viên ngành Y và Dược bị tố cáo, GS Nguyễn Ngọc Châu cho rằng có thể là do đặc thù của ngành Y và Dược, nếu đạt chuẩn GS, PGS là khác hẳn ngành khác.

“Họ sẽ có rất nhiều điều “VIP” mà không cần đương chức, đương quyền mới được hưởng. Đơn cử như chỉ cần PGS, GS thì bảng giá khám bệnh khác: GS khám là 500.000 đồng, PGS là 400.000 đồng, tiến sĩ thì 300.000 đồng… Bảng giá này chẳng có ai quy định nhưng hiện nay đã có những bệnh viện công khai điều này”- GS Châu nói.

Ngoài ra, bắt đầu từ năm ngoái, việc xét GS, PGS theo Nghị định 37 của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu phải công khai minh bạch. Do đó ứng viên hoặc vô tình hoặc không biết rằng khi hồ sơ của mình được công khai trên mạng thì hàng nghìn nhà khoa học, hoặc là đồng nghiệp sẽ có thể thẩm định và phát hiện ra nếu có thiếu sót.

“Chính các nhà khoa học hay đồng nghiệp sẽ thẩm định tạp chí nào không được, tạp chí nào bị loại ra khỏi danh sách ISI/Scopus nên mới xuất hiện thêm 21 ứng viên bị tố sau này”- GS Châu nói.

Lê Huyền

Thời gian công nhận chức danh GS, PGS có thể sẽ phải lùi lại

Thời gian công nhận chức danh GS, PGS có thể sẽ phải lùi lại

16 ứng viên GS, PGS ngành Y và ngành Dược năm 2020 bị tố có vấn đề về các bài đăng báo quốc tế. Khả năng, thời gian công nhận chức danh GS, PGS năm nay sẽ phải lùi lại, muộn hơn so với mọi năm.