Mấy ngày gần đây, khi đang bận rộn chuẩn bị cho dự án “Tiết học đồng cảm”, một hoạt động để phụ huynh học sinh “hóa thân” vào vai trò của giáo viên để thấu hiểu và chia sẻ hơn những vất vả của thầy cô, thì tôi bất ngờ nhận được một tin nhắn của học trò cũ: “Cô ơi, 20/11 năm nay, em và các bạn không có cách nào về thăm cô được, cô cho bọn em vài phút chào cô qua màn hình trực tuyến, cô nhé”.

Tin nhắn khiến tôi rất xúc động và chợt nhận ra bất kể cản ngăn nào trong đời, 20/11 vẫn là một dịp đặc biệt để mỗi người bày tỏ lòng tri ân và biết ơn sâu sắc đến thầy cô.

{keywords}
Học trò chúc mừng cô giáo qua màn hình trực tuyến. Ảnh minh họa

Cá nhân tôi và các anh chị đồng nghiệp trong ngành giáo dục năm học này, hẳn cũng sẽ có một buổi lễ 20/11 đặc biệt nhất trong đời, khi chỉ cần chào nhau qua màn hình trực tuyến, cũng đủ cảm nhận được biết bao sự đồng cảm và thấu hiểu. Đó cũng là dịp để mỗi nhà giáo chúng ta nhận thức hơn vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân trong sự nghiệp “trồng người”.

Bất chấp những biến đổi và thử thách của thời đại, tôi luôn tin tưởng rằng những “chuyến đò tri thức” của ngành giáo dục sẽ không ngừng cập bến, mang theo biết bao tin tưởng và hoài vọng của cả thầy và trò.

Có thể thấy rằng chưa bao giờ, ngành giáo dục phải đối mặt với nhiều thử thách và gian nan như thời điểm này, khi việc học chủ yếu chỉ diễn ra thông qua mạng internet. Bản thân tôi trong khoảng thời gian đầu đã gần như kiệt sức khi phải học cách làm làm quen với các phần mềm giảng dạy trực tuyến như zoom, google meet…, phải dành thời gian gần như gấp đôi, gấp ba để soạn thảo các file giáo án ppt, tìm kiếm hình ảnh, clip phục vụ giờ dạy. Thậm chí, không chỉ phải hoàn thành công việc của bản thân, mỗi giáo viên còn đồng thời phải là “cầu nối” giữa nhà trường và phụ huynh, “chuyên viên kỹ thuật” giải đáp thắc mắc, “tổng đài tư vấn” hỗ trợ từ A đến Z mọi việc trong học tập đến tâm lý cho các con.

Nhiều anh chị, bạn bè đồng nghiệp của tôi, thi thoảng vẫn hay đùa nhau: “Sau thời gian dạy học online, giáo viên mình ai cũng trở nên đa năng hết”. Đùa vui như thế, nhưng mỗi người chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc và biết ơn vì bản thân vẫn còn được tiếp tục làm việc, tham gia giảng dạy và hỗ trợ các em học sinh. 

Cũng bởi, chúng tôi hiểu rằng khoảng thời gian học tập trực tuyến này thật sự là một gian nan với các em học sinh, khi phải tập tành làm quen với công nghệ, tự lập trong mỗi giờ học, không thể nhanh chóng được sự tư vấn của thầy cô và bè bạn như giai đoạn còn tham gia học tập trực tiếp tại lớp. Bên cạnh đó, áp lực của việc học online và những căng thẳng sau khoảng thời gian giãn cách do dịch bệnh, đã khiến tinh thần của một số em học sinh “xuống dốc”, thường xuyên mỏi mệt, trầm cảm. Ở độ tuổi đang hình thành và phát triển tâm sinh lý, các em học sinh rất cần chỗ dựa là sự kết nối và san sẻ yêu thương với thầy cô, gia đình và bạn bè. 

Chính vì điều đó, mà trong những tiết học online, tôi luôn chú trọng việc dạy học vừa sức, thích tạo sự tương tác cho học sinh phát biểu, lắng nghe tâm tình của các em. Đó là cách tôi gắn kết hơn để tạo nguồn cảm hứng do chính bản thân mình và các em học sinh. Thú thực, dạy online đôi khi rất mệt mỏi và dễ chán, nên chính giáo viên cũng cần lắm nguồn cảm hứng để tăng cường tinh thần dạy trong suốt các tiết học. Về phía học sinh, ngoài những áp lực tinh thần, việc học trực tuyến cũng mang đến nhiều bất lợi như dễ chán, thiếu tập trung, hay mỏi mắt, đau lưng, không cảm nhận được trực tiếp tình cảm của thầy cô và bạn bè… nên tôi đã chủ động giảm nhẹ áp lực, chủ yếu cân bằng được tâm lý và kỹ năng của người học. Thấm thía một nguyên tắc của giáo dục là tính vừa sức, vừa phải, không yêu cầu cao ở người học, nên tôi luôn cố gắng giúp học sinh cảm thấy thật sự thoải mái, cảm thấy bản thân thu hoạch được gì đó từ buổi học, nhận thấy bản thân được quan tâm, san sẻ. Đấy là điều quan trọng hơn cả khối lượng tri thức ào ạt được truyền tải nhưng không mang đến hiệu quả thiết thực với học sinh.

20/11 năm nay, trường tôi tổ chức một dự án ngoại khóa rất thú vị, mang tên “Tiết học đồng cảm”. Ý nghĩa của hoạt động này là nhằm giúp phụ huynh, học sinh gắn kết và thấu hiểu hơn những khó khăn và áp lực mà mỗi giáo viên phải trải qua trong những giờ đứng lớp. Đó cũng là cơ sở để tạo nên thiện cảm và những sẻ chia từ phụ huynh, học sinh đến giáo viên, góp phần tạo nên môi trường học đường thấu hiểu, yêu thương. Trong quá trình thực hiện dự án, nhiều anh chị phụ huynh và các em học sinh thường xuyên nhắn tin cho thầy cô, để bày tỏ nỗi lòng như “Thầy cô vất vả quá, thật đồng cảm với giáo viên” hay “Em mơ ước được làm giáo viên như thầy ạ”…

Cá nhân tôi xem đây là một nguồn động lực rất lớn, cỗ vũ tinh thần cho mỗi thầy cô trên bục giảng.

20/11 hay bất kỳ một thời điểm nào trong đời, nếu vẫn còn một trái tim đầy ắp yêu thương và nhiệt tình giảng dạy, đều có thể trở thành ngày lễ đặc biệt với mỗi người cầm phấn. Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, dù thầy cô và học sinh chỉ được gặp nhau qua màn hình, nhưng cầu chúc cho mỗi người thật nhiều niềm tin yêu và lạc quan cho hành trình phía trước.

Dương Lê Diệu Hiền

'Người Việt còn trân trọng tri thức, vị thế người thầy vẫn được đề cao'

'Người Việt còn trân trọng tri thức, vị thế người thầy vẫn được đề cao'

Tôi lại tự nhận rằng nghề của mình là nghề may mắn, khi đối tượng của mình là học sinh – những con người trẻ trung, năng động và đầy sức sống. 

Mong ước của nữ giáo viên 11 năm cắm bản

Mong ước của nữ giáo viên 11 năm cắm bản

Dạy học tại một ngôi trường 11 năm qua, cô Nhân đã cống hiến cả tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình cho vùng đất khó khăn bậc nhất Nghệ An. Mong mỏi của cô là được về dạy học tại khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ.