- Theo quan điểm của độc giả Nguyễn Cao, để có một sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) thời công nghệ thông tin không phải quá khó. Cần loại bỏ những "nồi lẩu thập cẩm" và kỉ luật nghiêm với người “đạo văn”.... Nếu không, nên bỏ SKKN để tránh phiền toái cho ngành?

Dưới đây là những phân tích từ góc nhìn riêng của tác giả về những bất cập trong thực hiện SKKN ở ngành giáo dục.

Để thực hiện một SKKN hay, đúng, có giá trị thực tiễn, đề xuất được những phương pháp cải tiến mới, đòi hỏi người thực hiện phải trải qua nhiều năm công tác, đã đúc kết được kinh nghiệm giảng dạy của mình, muốn chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp để thúc đẩy chất lượng giáo dục đi lên.

  {keywords}

Ngoài kinh nghiệm thực tế, tìm ra phương pháp mới thì khi thực hiện một SKKN đòi hỏi người viết phải biết trình bày đề tài một cách chặt chẽ, lôgic, lời văn trong sáng và theo một trình tự khoa học. Người được phân công đánh giá, chấm SKKN phải là người tâm huyết, giỏi chuyên môn, không tư lợi hay chịu tác động từ một mối quan hệ nào, chữ công-tư phải rạch ròi. Tuy nhiên, qua tìm hiểu và thực tế cho thấy cả người thực hiện và người chấm hiện nay có nhiều bất cập. Chấm và công bố giải song rồi SKKN đi về đâu không ai biết, chỉ tốn tiền bạc của nhà nước và để lại nhiều điều tiếng buồn cho dư luận.

Nhiều ý kiến cho rằng: chúng ta có cần thiết phải duy trì viết sáng SKKN nữa hay không khi mà thật giả đan cài, những giả dối đang làm xói mòn đạo đức của bao người thầy. Tính thực dụng đặt lên hàng đầu, nhiều người đã đánh mất đi lòng tự trọng của bản thân và nhân cách của chính mình.

Theo qui định và hướng dẫn xét thi đua hàng năm của ngành giáo dục thì SKKN là tiêu chí hàng đầu cho ưu tiên xét các danh hiệu thi đua. Muốn là chiến sĩ thi đua cơ sở phải có SKNN đạt giải cấp huyện, muốn là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh phải có SKKN đạt giải cấp tỉnh. Tổ tiên tiến phải có thành viên trong tổ đạt giải SKKN từ cấp huyện trở lên, Trường muốn đạt danh hiệu Trường tiên tiến xuất sắc phải có giáo viên đạt SKNN cấp tỉnh.

Nếu như tiêu chí này mà giáo viên, tập thể phấn đấu, cố gắng thực hiện SKKN bằng thực tế và khả năng của mình thì không có gì để nói nhưng nhiều giáo viên cả đời không biết gì về một đề tài khoa học nhưng vì muốn có danh hiệu thi đua cũng tìm mọi cách để có thể “sáng tác” ra một sáng kiến kinh nghiệm.

Để có một SKKN thời công nghệ thông tin không phải là quá khó. Nhiều người nhờ mối quan hệ quen biết thì xin của bạn bè, người thân đã đạt giải năm trước ở một địa phương khác; Người thì lên mạng coppy đề tài này vài đoạn, cắt của người kia vài ý, chỉnh sửa sơ sơ là thành của mình, hoặc viết vài ý tưởng rồi nhờ người khác có kinh nghiệm viết thêm, hay chỉnh sửa lại cho mình.

Những SKKN như vậy cứ như là một nồi “lẩu thập cẩm” vụng về, què cụt về câu chữ, không theo một trình tự khoa học nào. Chỉ tiếc người chấm không phải bao giờ cũng là người tinh ý, chịu khó đọc và tham khảo trên internet nên đọc qua loa rồi công nhận giải và cả làng cùng vui.

Chấm SKKN chỉ vì thù lao cao...

Ngoài những bất cập đối với người viết thì người chấm SKKN cũng cho thấy nhiều dư vị buồn. Người có chuyên môn và đúng chuyên thì không phải là giám khảo chấm mà người chấm thì toàn là cán bộ quản lí? Ở cấp trường thì chỉ có BGH chấm, đối với cấp huyện thì chủ yếu là cán bộ Phòng giáo dục và nếu nhiều quá thì đưa về cho một số Hiệu trưởng, hiệu phó ở cơ sở chấm tiếp. Trong khi những cán bộ quản lí đã bỏ chuyên môn quá lâu, nhiều cán bộ quản lí chưa một lần thực hiện viết SKKN, vậy mà ngồi ghế ban giám khảo!

Dù cho người quản lí ấy có giỏi đến mức nào thì cũng chỉ hiểu được một chuyên ngành đào tạo. Thử hỏi một ông chuyên môn văn đi chấm toán, lí, hóa thì hiểu gì về định luật, định nghĩa, về khái niệm, công thức, khối lượng nguyên tử hay những kí hiệu hóa học?

Một ông môn toán thì làm sao thẩm thấu được những đề tài về Văn học, Sử học, Địa lý? Biết gì mà thẩm thấu tác phẩm Văn học, về tiến trình phát triển Lịch sử cổ đại, trung đại…trong nước, thế giới. Biết gì về nguyên nhân, diễn biến, kết quả hay ý nghĩa của lịch sử? Làm sao biết được những nguồn lực phát triển kinh tế, vùng này có con gì, cây gì, khoáng sản gì, thế nào là chuyên canh, thâm canh, thế nào là bản đồ, lược đồ, tỉ lệ phần trăm phát triển qua từng thời kì, từng năm... Vì đó là những thuật ngữ khoa học mà người có chuyên môn mới nắm và thẩm thấu hết được.

Nhưng sao họ được chấm, bởi một lẽ rất đơn giản là chấm SKKN thì được chi trả thù lao tương đối cao. Trong khi các tổ chuyên môn, Hội đồng bộ môn đúng chuyên ngành, hiểu chuyên môn, hiểu những phương pháp và cập nhật được cái mới, cái hay thì đứng ngoài cuộc.

Chính vì cách chấm như vậy mà nhiều SKKN kiểu “trời ơi” thì đạt giải còn nhiều người viết bằng tâm huyết thì rớt vì giữa người chấm và người viết không có mối quan hệ quen thân nào. Nhiều ban giám hiệu chấm để chọn SKKN nộp về phòng GD mà đề tài của giáo viên thực hiện hơn 20 trang chỉ sửa được 2 lỗi đánh máy, vậy mà cũng ngồi ghế…giám khảo!

Nên bỏ thi sáng kiến kinh nghiệm?

Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành giáo dục cần phải có những thay đổi toàn diện trong việc phát động và phân công người chấm SKKN, chúng ta đừng làm theo kiểu tù mù và tiêu cực như lâu nay đã và đang làm. Sự cần thiết là xác định rõ mục tiêu của việc làm SKKN, khi người thực hiện xong cần tổ chức bảo vệ đề tài như một đề tài khoa học để giám khảo và người thực hiện phản biện cùng nhau, để tranh luận và tìm tính thực tiễn, những phương pháp hay mới mà áp dụng trong ngành.

Cần loại bỏ những nồi lẩu thập cẩm và kỉ luật nghiêm với người “đạo văn”, xin xỏ của người khác, tránh tình trạng nhìn mặt, nhìn tên để chấm. Nếu không, nên bỏ SKKN để tránh phiền toái cho ngành là điều nên làm để giảm bớt những tiêu cực không cần thiết.

Bạn có cùng quan điểm với độc giả Nguyễn Cao hoặc ý kiến khác xin gửi về địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn. Trân trọng cảm ơn!
  • Nguyễn Cao