Khoảng cách về tỷ lệ học đại học giữa những người giàu nhất và nghèo nhất nước Mỹ ở tuổi 24 đã tăng gấp đôi trong 4 thập kỷ - một báo cáo mới công bố cho hay.

{keywords}

Tỷ lệ sinh viên tới từ các gia đình có thu nhập thấp nhất (34.160 USD/ năm trở xuống) có bằng đại học chỉ tăng được 3% - từ 6% vào năm 1970 lên 9% vào năm 2013.

Trong khi đó, tỷ lệ sinh viên tới từ những gia đình giàu nhất có bằng đại học thì tăng đột biến – từ 44% lên 77%.

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh đang có nhiều tranh cãi về việc Tổng thống Barack Obama đề xuất sẽ miễn học phí 2 năm học đại học trong thời gian tới. Nếu đề xuất này được thực hiện ở tất cả các bang, mỗi năm sẽ có khoảng 9 triệu sinh viên trên toàn nước Mỹ hưởng lợi từ nó. Đồng nghĩa, những người nộp thuế sẽ phải chi khoảng 60 tỷ USD trong vòng 10 năm – một con số mà Quốc hội Mỹ, cơ quan được kiểm soát chủ yếu bởi Đảng Cộng hòa – đang do dự thông qua.

Một thông tin khác cũng từ báo cáo này: tỷ lệ sinh viên ở tất cả các tầng lớp giàu nghèo nộp đơn xin học đại học đã tăng lên. Nếu như khoảng cách nộp đơn xin học giữa 2 nhóm giàu nghèo vào năm 1970 là 46% thì vào năm 2012 là 36%.

Tuy nhiên, khoảng cách hoàn thành đại học lại tăng: trong khi 99% sinh viên giàu (thu nhập của gia đình từ 108.650 USD/ năm trở lên) tốt nghiệp đại học ở tuổi 24 thì chỉ có 21% sinh viên nghèo tốt nghiệp ở độ tuổi này.

Bà Laura Perna – giảng viên ĐH Pennsylvania kiêm giám đốc điều hành Hiệp hội Giáo Dục Đại Học và Dân Chủ, một trong hai tổ chức thực hiện báo cáo – cho rằng có một số yếu tố ảnh hưởng tới những khoảng cách này, như: khả năng tiếp cận thông tin và những hỗ trợ cần thiết để vào đại học và tốt nghiệp, tinh thần sẵn sàng học đại học, điều kiện đáp ứng của giáo dục đại học với những trường hợp như sinh viên đã có gia đình, gặp khó khăn về giao thông hay đang làm việc toàn thời gian.

Bà cũng lưu ý rằng khả năng hoàn thành đại học còn phụ thuộc nhiều vào loại hình cơ sở đại học. Sinh viên nghèo thường học ở những trường công với thời gian học 2 năm – những trường có tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn, trong khi sinh viên giàu thường chọn các trường đào tạo tới bậc Tiến sĩ.

Michael Kramer, 29 tuổi là người đầu tiên trong gia đình được học đại học. Là con trai của một nhân viên giám sát bảo trì câu lạc bộ và một công nhân nhà máy, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh tìm ngay một công việc trong lĩnh vực bán lẻ và sửa ống nước. Cuối cùng anh đăng ký vào một trường cao đẳng cộng đồng trong khi vẫn đang làm việc toàn thời gian. Hiện tại, anh đang phải vay tiền để hoàn thành nốt bằng cử nhân của ĐH California, Los Angeles.

“Chúng ta đang sống trong một đất nước luôn miệng nói rằng ai cũng nên học đại học, và bây giờ, để kiếm được một công việc ổn định, bạn cần có một tấm bằng cử nhân” – Kramer nói.

Thế nhưng, Kramer nói rằng, với những sinh viên thu nhập thấp như anh thì học đại học đồng nghĩa với việc đưa ra một lựa chọn khó khăn giữa nhu cầu thực phẩm, chỗ ở hằng ngày với việc có bằng đại học. “Đó là một vòng quay luẩn quẩn mà chúng tôi bị mắc phải” – anh nói.

  • Nguyễn Thảo (Theo AP)