{keywords}

 - Một tháng sau cơn lũ dữ, nhiều gia đình nằm trên bản Vàng Ngần bắt đầu gượng dậy dựng lại những mái nhà tạm bợ. Cùng lúc đó, các thầy cô của Trường TH&THCS Suối Quyền (Văn Chấn, Yên Bái) đã tỏa đi các bản để kéo học sinh đến trường.

Bà Lai không biết rõ trận lũ kinh hoàng vừa qua làm thiệt hại đến thôn bản của mình thế nào. Bà chỉ biết, rạng sáng ngày 20/7, trong cơn mưa tầm tã, nước lũ ào ạt ùa về khiến nhiều nhà trong thôn bị sập trôi hoàn toàn. Cây cầu nối giữa các thôn bản cũng bị vùi ngập dưới lớp đất đá. Bản Vàng Ngần cô lập hoàn toàn trong mưa lũ.

Nhà của bà Lai may mắn không bị cơn lũ quét qua. Thế nhưng toàn bộ đồi quế – nguồn thu nhập duy nhất của cả gia đình – đã bị cuốn bỏ. Bà Lai sợ không dám trồng lại nữa. “Quế non chưa chắc sống được trong thời tiết thế này”. Bà lo nợ nần biết lấy đâu để trả.

{keywords}

Bà Lai có 5 người cháu đang học bán trú tại trường. Để có điều kiện chăm sóc cháu, bà xung phong làm cấp dưỡng. Nhị là đứa trẻ may mắn khi có bà ở bên. Ảnh: Thúy Nga

Thôn Vàng Ngần sau cơn lũ vẫn còn ngổn ngang. Điểm trường Tiểu học Vàng Ngần nơi con bé Nhị cháu bà sắp theo học cũng đã bị xóa sổ hoàn toàn. Mới đây, chính quyền xã vừa đến tận nhà vận động gia đình cho Nhị được đến lớp. Nhưng lớp học của Nhị giờ đã không còn nữa.

Sau 2 năm thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp, toàn huyện Văn Chấn đã giảm 11 trường, 24 điểm lẻ, đưa 1217 học sinh về điểm trường chính. Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT Văn Chấn, do cơ sở vật chất chưa đáp ứng được các điều kiện để thực hiện sáp nhập nên trong năm học 2018-2019 này, toàn huyện sẽ xóa 17 điểm lẻ.

Theo đúng lộ trình, phải đến năm học sau trường của Nhị mới nhập về điểm trường chính. Nhưng sau trận lũ, ngôi trường đã không còn. Nhị cùng 34 bạn khác được chuyển tới trường TH&THCS Suối Quyền. Ngôi trường hai tầng này vốn là trường trung tâm xã. Năm nay, cô bé được đưa xuống trường theo diện hưởng chế độ bán trú.

Vì thương cháu, bà Lai bất đắc dĩ đến trường xin làm cấp dưỡng. Năm nay, bà có 3 cháu nội và 2 cháu ngoại theo học tại ngôi trường này. Ban ngày, bà nấu cơm cho học sinh ở nội trú. Ban đêm, bà coi sóc cho bọn trẻ ngủ.

Nhị có lẽ là đứa trẻ may mắn nhất khu nội trú vì có bà nội ở bên cạnh. Chỉ mấy hôm trước, thằng bé Triệu Tòn Liều khóc rưng rức cả đêm vì nhớ nhà. Hôm được bố dẫn đến trường, nó giữ khư khư cái túi quyết không cho bố về.

{keywords}

Cậu bé Triệu Tòn Liều đã biết tự múc bát mì trong nồi thầy cô giáo nấu cho, tự lấy phần cơm của mình và rửa thìa sau bữa ăn. Ảnh: Thúy Nga

Thằng bé người Dao 6 tuổi tiếng Kinh còn chưa sõi. Liều cũng chưa hiểu lắm những gì thầy cô nói. Vì vậy cô giáo Khuyên phải cưng nựng, dỗ dành mãi nó mới thôi khóc. Liều được xếp ngủ cùng một anh lớp 5 để tiện thông báo đến thầy cô khi thằng bé khóc nhớ nhà.

Ngôi trường trên đỉnh núi năm nay ngoài Liều và Nhị còn đón thêm hai chị em Giàng A Sơn và Giàng Thị Vân. Đây là hai đứa trẻ người Mông duy nhất được thầy Hương – hiệu trưởng nhà trường đón về. Cả hai đứa trẻ đều chưa từng đi học mẫu giáo. Bố mẹ chúng cũng không thiết tha lắm cho con đi học. Nhưng vì thầy giáo đến thuyết phục dăm lần, bảy lượt, anh Giàng A Lâu đành phải gật đầu đồng ý.

Ngày các thầy đón bọn trẻ đến trường làm quen môi trường mới, anh Lâu cũng chỉ gửi nhờ hàng xóm đưa giúp con đến đầu khe suối. Các thầy lại lấy xe máy chở bọn trẻ từ khe suối đến điểm trường.

Mùa khai giảng này lẽ ra Giàng A Vân sẽ lên lớp 2. Nhưng con bé không được bố mẹ đưa đi học đầy đủ nên tiếng Việt vẫn chưa thông thạo. Thầy Hương phân vân không biết nên cho con bé lên lớp 2 hay ở lại lớp 1. “Người Mông không muốn con cái học lâu”, thầy Hương nói. Vì thế thầy cứ trăn trở mãi.

Những đứa trẻ ngày đầu đến khu nội trú vẫn rụt rè khi thấy người lạ hỏi. Đến giờ, cả Liều, Vân và Sơn đã biết tự múc bát mì trong nồi thầy cô giáo nấu cho, tự lấy phần cơm của mình và rửa thìa sau bữa ăn. Chúng ăn ngon lành mà không cần đến người thúc ép như những đứa trẻ vùng xuôi.

Năm học 2018-2019 này, lần đầu tiên 35 đứa trẻ của thôn Vàng Ngần được đón khai giảng đúng nghĩa.

{keywords}

Ngôi trường của Liều nằm trên đỉnh núi. Năm nay, nhà bán trú có phần chật chội hơn vì phải đón thêm 35 đứa trẻ sáp nhập từ điểm trường lẻ. “Để giải quyết bài toán này trong thời gian ngắn là điều khó” – Thầy Hương trăn trở.

Thầy Hương vẫn cố duy trì việc sinh hoạt trong khu nội trú của bọn trẻ bằng cách ghép những chiếc giường sát vào nhau. Cứ một đứa trẻ lớn “kẹp” thêm một đứa trẻ bé. Bài toán về chỗ ngủ nghỉ tạm thời được giải quyết.

“Nhưng đó chỉ là một hình thức tạm bợ”.

{keywords}

Giàng A Sơn và Giàng Thị Vân là hai đứa trẻ người Mông được thầy Hương đưa về. Cả hai chị em chưa từng được đi học mẫu giáo. Vì thế các thầy cô phải dành thời gian 1 buổi/ tuần để bổ túc thêm tiếng Việt. Ảnh: Thúy Nga

Năm nay cả Trường TH&THCS Suối Quyền đón 189 học sinh cấp tiểu học và 155 học sinh trung học cơ sở. Số lượng học sinh bán trú của cả hai cấp là 155 em. Thầy Hương vẫn trông ngóng một ngôi trường mới rộng rãi và một căn nhà nội trú khang trang cho bọn trẻ.

“Điều kiện học tập tốt mới có thể giữ học sinh ở lại trường”, thầy Hương nói. Nhưng lấy đất đâu để xây trường?

Thế là các thầy cùng cán bộ xã lại đi đến nhà từng hộ gia đình gần trường vận động hiến đất. Kết quả, có hai hộ dân thôn Suối Bắc tình nguyện hiến 550 m2 đất cho trường để xây dựng khu nội trú và khu trồng rau phục vụ học sinh.

{keywords}
 

Thầy Hương mừng lắm! Thầy xin chính quyền cho đẩy nhanh tiến độ. Chi phí xây dựng nhẩm tính cũng là một bài toán khó mà theo thầy Hương, nhà trường vẫn đang nỗ lực huy động từ nhiều nguồn khác nhau.

Nhưng dù thế nào, một ngôi trường với khu nội trú rộng rãi vẫn phải dựng lên. Đó là cách duy nhất để thu hút bọn trẻ đi học.

Do không phải loại hình trường Phổ thông dân tộc bán trú nhưng lại có lưu lượng học sinh bán trú đông, các thầy cô phải tự cắt cử nhau coi sóc học sinh đêm ngày. Những em thuộc diện bán trú của nhà trường theo chế độ sẽ được hưởng 520.000 đồng/ tháng và 15 kg gạo.

Thầy cô lại phải căn cơ để nuôi các cháu thêm ngày thứ 7, Chủ nhật. “Trẻ gần cách trường cả chục cây, xa cách hơn bốn chục cây số. Với đặc thù như năm nay, 100% các cháu phải ở lại trường cả ngày nghỉ vì đường xá đi lại nguy hiểm và dễ sạt lở” – thầy Hương nói.

{keywords}

Đến giờ, thầy Hương vẫn day dứt mãi chuyện năm ngoái, toàn trường chỉ có một em học sinh học lực tốt nhưng không thể tiếp tục đến trường vì “trót” thuộc diện không được ở bán trú. Vì thế năm nay nhà trường quyết tâm phải tạo điều kiện tốt nhất cho những “mầm hi vọng” của xã nhà. Em nào học giỏi sẽ được ở lại trường nội trú để tiện cho việc học tập. Toàn bộ chi phí ăn ở sẽ được nhà trường chi trả.

Rồi thầy Hương lại trăn trở bao giờ mới tìm đủ nguồn lực để học sinh có thể tiếp cận bình đẳng với môi trường giáo dục dưới xuôi.

“Đứng ở điểm trường vào ngày nắng đẹp, đánh tầm mắt ra xa sẽ thấy thị xã Nghĩa Lộ. Nhưng sự chênh lệch giữa hai nơi vẫn là một khoảng cách khá xa” – thầy Hương so sánh.

Thầy kỳ vọng lứa học sinh lớp 9 năm nay sẽ có nhiều nhân tố khá giỏi.

Toàn trường TH&THCS Suối Quyền năm nay có tất cả 37 em học sinh lớp 9. So với năm học 2017-2018 có 10/42 học sinh theo học cấp 3, thầy Hương kỳ vọng con số năm nay sẽ tăng lên 15 em.

“Nhưng đó là cả sự quyết tâm mà học sinh và nhà trường đặt ra ngay từ đầu năm học”.

Lo sợ học sinh nghỉ học giữa chừng, ngay sau khi tìm ra những nhân tố tiêu biểu, thầy Hương cùng với Phó chủ tịch UBND xã đã đến gặp riêng từng phụ huynh và học sinh để động viên gia đình cho con em mình tiếp tục theo học.

Nhiều gia đình chỉ đồng ý cho con đi học đến mùa thu hoạch. Sau đó, bọn trẻ phải nghỉ ở nhà để chăn bò. Số khác cũng chỉ đồng ý cho con học hết lớp 9. Thầy Hương phải thương lượng rằng: “Con bé học lực tốt. Gia đình nên tạo điều kiện cho cháu đi học hết cấp 3 để có cơ hội thi vào một trường đại học trên thành phố”.

Nhưng gia đình nhất quyết không đồng ý vì “nó còn phải lấy chồng. Học xong thầy có lấy được nó không?”

{keywords}
 

Thầy Hương cũng đành bất lực. Trong suốt 6 năm công tác tại trường, thầy chưa có học trò nào theo tiếp đến bậc cao đẳng, đại học.

Vì thế, những học trò học nghề lại trở thành những cựu học sinh tiêu biểu của trường. “Các em ra ngoài xã hội, sau đó quay trở về địa phương lập nghiệp. Tất cả đều có công ăn việc làm ổn định”.

Năm ngoái, thầy Hương đặt kỳ vọng vào một học trò cũng là con gái của cán bộ tư pháp xã. Con bé học ở mức khá và có khả năng đỗ vào một trường đại học tầm trung. “Nhưng cuối cùng cháu lại xin đi làm ở Samsung” – thầy Hương tiếc nuối.

“Mức học đối với học sinh trên này nếu nói giỏi thì là nói dối. Để có nhân tố giỏi không phải là chuyện đơn giản”.

{keywords}

2 năm qua, huyện Văn Chấn đã thực hiện sắp xếp đối với 304 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên (trong đó bao gồm 35 hiệu trưởng, 49 hiệu phó, 79 giáo viên, còn lại là nhân viên). Tuy nhiên, tại trường TH&THCS Suối Quyền sau khi sáp nhập hiện đang dôi dư giáo viên cấp tiểu học.

Thầy Hương tính năm học này sẽ chuyển một cô giáo về vùng thuận lợi theo chế độ chính sách 135.

{keywords}

Thầy Hương vẫn mơ về một ngôi trường rộng rãi, khang trang. Ảnh: Thúy Nga

Đầu năm học mới thầy chỉ đau đáu một điều làm sao để người học được hưởng chất lượng dạy tốt nhất. Thế nhưng tại cấp THCS của trường đang gặp khó vì thiếu giáo viên dạy Ngữ văn. Cả trường có một cô giáo dạy Văn nên giáo viên dạy Giáo dục công dân đành phải “khoác” thêm cả Văn và Sử.

“Học sinh đã như vậy. Giờ thầy lại dạy chéo dạy trái thì chất lượng không thể ổn thỏa” – thầy Hương lo lắng.

Vào năm học mới, thầy Hương lo lắng nhất là làm sao để trẻ bắt kịp với nhịp dưới xuôi. Thầy khuyến khích giáo viên tích cực khai thác hệ thống trường học kết nối để tự nghiên cứu tư liệu. Tất cả đều dựa trên tinh thần đổi mới dạy và học nhằm phù hợp với việc thay đổi sách giáo khoa.

Thầy còn mang theo máy tính xách tay của mình đưa cho giáo viên để dạy học sinh trên máy chiếu.

Thầy kỳ vọng ngôi trường sẽ là điểm khởi đầu cho những đứa trẻ vươn xa hơn ra ngoài thôn bản. Chúng sẽ là mầm non tạo nên sức mạnh cho vùng cao bắt đầu tiến xa.

Thúy Nga