- Vài câu chuyện về học tập ở các trường quốc tế tại Việt Nam khiến tôi suy nghĩ liệu giáo dục Việt Nam có dám làm như thế không? Ai là người đủ tầm chuyên môn, đủ quyền để phất cờ cho đổi mới?


{keywords}

Phòng học ngôn ngữ Việt Nam tại trường quốc tế Liên hợp quốc. Ảnh: Lê Anh Dũng


Dạy văn ở trường liên hợp quốc

Cách đây chừng vài năm, tại cuộc hội thảo của Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường Quốc tế Liên hợp quốc Hà Nội, một cô giáo (người Việt Nam) chia sẻ việc dạy văn ở trường đó như sau:

Chương trình dạy có khoảng 7 (có thể tôi nhớ không chính xác con số này) tác phẩm văn học, nhưng giáo viên không nhất thiết phải dạy đủ tất cả, điều này phụ thuộc vào tiến độ học tập của học sinh. Nguyên tắc là chỉ khi nào học sinh đạt được mục tiêu rồi thì mới chuyển sang dạy học tác phẩm khác. Vậy thì có tác phẩm có lớp học trong vòng 1 tuần, có lớp 2 tuần mới xong...

Khi bình nội dung tác phẩm, học sinh có quyền nói ý kiến của mình mà không bị áp đặt, không theo khuôn mẫu, tức là, chỉ có ý kiến đa dạng, không có ý kiến sai. 

Cô giáo lấy ví dụ: Khi học "Tấm Cám", với câu hỏi "Em thích nhân vật nào nhất? Vì sao", có em nói: "Em thích cụ già nhất vì cụ biết bảo vệ môi trường, không trèo cây thị mà đứng hứng quả thị". Hay, "Nếu là Tấm, em sẽ làm gì?" thì có em trả lời "Em sẽ nuôi dưỡng cụ già suốt đời"...

Để tổ chức được quá trình dạy học như vậy, quản lý giáo dục cần tạo điều kiện cho giáo viên dạy theo tiến độ học tập của học sinh mà không áp đặt "cứng" nội dung và thời gian, cho phép học sinh được tự do nói ý kiến, chính kiến, quan niệm riêng của mình không theo khuôn mẫu...

"Tích hợp" về dòng sông

Bạn tôi có con trai đang học lớp 5 trường quốc tế Anh tại Royal City (Hà Nội) kể: Chương trình học tập của học sinh ở trường này chủ yếu theo chủ đề.

Hiện (lúc kể) cháu đang học chủ đề "sông". Học sinh phải tự mình chọn một dòng sông và tìm hiểu nó qua các kênh thông tin khác nhau như sách, báo, internet..., sau một thời gian thì viết thành bài luận và báo cáo kết quả trước lớp. 

Ngoài ra, các em phải học các bài thơ, bài hát, truyện kể về sông (tự tìm hiểu là chính), phải nghiên cứu sự hình thành sông, vai trò và lợi ích của các con sông, phương tiện đi lại trên sông... 

Các em còn làm các mô hình thủ công về thuyền, ca-nô, bè..., rồi tổ chức triển lãm... học sinh thì học tập một cách sôi nổi, hào hứng, thoải mái, không có chút áp lực.

Đây chính là dạy học tích hợp theo chủ đề.

Để tổ chức dạy học tích hợp, giáo dục Việt Nam cần có chương trình giáo dục được xây dựng một cách khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn cuộc sống học sinh, vừa sức với các em. Bên cạnh đó, giáo viên cần phải có trình độ, năng lực sư phạm cao, được tạo điều kiện để sáng tạo...

Sự thay đổi như vậy sẽ là một thách thức không nhỏ cho mô hình dạy học truyền thống, bởi khi đó, hình thức lớp - bài với sự ấn định cứng nhắc về nội dung và thời gian tương ứng không còn như hiện tại nữa, quản lý giáo dục sẽ gặp khó khăn trong việc "quản" giáo viên thực hiện chương trình, "giải quyết" những giáo viên có năng lực chuyên môn yếu, vận dụng phương pháp mới cho những lớp học sinh có sĩ số quá đông, những vùng miền điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn mọi mặt...

Liệu giáo dục Việt Nam có dám làm như thế không? Ai là người đủ tầm chuyên môn, đủ quyền để phất cờ cho sự đổi mới như vậy?

Mọi "bài toán" đều có lời giải. Vấn đề là, cần chuẩn bị "thao trường" như thế nào để khi ra "chiến trường", giáo dục chắc thắng với "tổn thất" tối thiểu.

  • Nguyễn Hữu Hợp (Hà Nội)

"Điểm dự án quan trọng hơn cả điểm thi"

Hiện nay, sách giáo khoa của Việt Nam còn nhiều điểm chưa phù hợp. SGK ở Mỹ có sự cập nhật liên tục những vấn đề thời sự, các nhân vật nổi tiếng, gần gũi với học sinh. Có thể đưa các nhân vật nổi tiếng, các thần tượng của giới trẻ ngay trong các bài đọc. Dưới mỗi bài đọc có thể bổ sung thêm danh mục các sách có thể tham khảo. Bên cạnh đó, trong sách cũng cần có những nội dung thực hành tương ứng.

Thầy cô nên hạn chế giao bài tập chỉ yêu cầu phần học thuộc lòng. Thay vào đó là các mô hình dự án để học sinh làm việc theo nhóm. Ở Mỹ, điểm dự án quan trọng nhất, thậm chí hơn cả điểm thi. Việc học kết hợp với thực hành đã được áp dụng ở nhiều nước phương Tây.

(Đỗ Nhật Nam - du học sinh Mỹ)