- Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam, dự kiến có 36 quyển và khoảng 2.000 nhà khoa học tham gia vào các Ban biên soạn chuyển ngành.

Tại lễ ra mắt Hội đồng chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (BKTTVN) ngày 18/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo biên soạn - khẳng định Việt Nam cần, có thể và phải sớm biên soạn một bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam tổng hợp cỡ lớn cho nước mình, nhằm mục đích giới thiệu một cách toàn diện, có hệ thống, chuẩn xác những tri thức cơ bản nhất về đất nước, con người, lịch sử xã hội, văn hóa khoa học công nghệ của Việt Nam và thế giới xưa và nay….

Được biết, các nước châu Âu thực hiện BKTT sớm nhất, tính đến bây giờ là gần 300 năm từ các nước như Anh, Pháp, Đức... Nước Nga cũng đã có BKTT từ trên 100 năm nay. Ở châu Á, có sớm là Nhật Bản với khoảng 50 năm. Trung Quốc cũng đã có BKTT trên 20 năm nay.

{keywords}

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam,

Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam

Ông Đam thú thực “Khi nhận công việc tôi rất lo, mà không phải lo như các công việc bình thường”.

“Đây là công việc khó khăn và chắc chắn chúng ta làm được. Nếu chúng ta làm đúng và làm tốt, thì đây là vinh dự vô cùng lớn đối với tất cả tham gia vào việc biên soạn. Nhưng nếu chúng ta làm không đúng và không tốt thì trách nhiệm không chỉ với con cháu, lịch sử, mà ngay cả bản thân mình nữa cũng sẽ vô cùng nặng nề”.

Ông Đam chia sẻ khi phê duyệt quyết định, ông đã suy nghĩ rất nhiều và “còn nhớ như in 4 cái gạch đầu dòng”, với “Gạch đầu dòng thứ nhất là làm sao bộ BKTT này phải là tri thức cơ bản về VN.

Gạch đầu dòng thứ tư là phải đúng quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Còn hai gạch đầu dòng ở giữa là 5 tiêu chí, với gạch đầu dòng thứ hai là ba tiêu chí dân tộc, khoa học, hiện đại; gạch đầu dòng thứ ba là hai tiêu chí hệ thống và chuẩn mực”.

“Tôi liên tưởng tới Bác Hồ khi nói về ngành y tế. Bác có dặn xây dựng ngành y tế Việt Nam theo ba chữ: dân tộc, khoa học và đại chúng. 5 tiêu chí đã nêu trên, quy lại thì cũng tương đồng với ba tiêu chí này”.

Ông Đam lưu ý “Trong tác phẩm này của mình, tính dân tộc không chỉ thể hiện ở những tri thức về đất nước và dân tộc Việt Nam mà từ hình thức, cách thức thể hiện phải đúng với con người Việt Nam, giá trị, ý nghĩa Việt Nam…”. Và tính đại chúng của BKTT thể hiện ở chỗ “Mình không chỉ làm cho các nhà khoa học, mà làm cho toàn dân với những tri thức cơ bản, nhưng cũng không được để các nhà khoa học chuyên sâu không hài lòng”.

Trong phần phát biểu của mình, ông Đam đặc biệt nhắc tới một vấn đề “Tất cả chúng ta chỉ cần vào mạng, đánh chữ Wikipedia – từ điển bách khoa mở. Hiện nay đã có 1.133.644 bài viết và 445.638 thành viên tham gia làm từ điển mở bằng tiếng Việt”.

Ông Đam nêu một sự so sánh: “Bộ Từ điển Bách khoa trước đây chúng ta làm trong 15 năm ra được 4 tập với 40 nghìn mục từ. Với BKTT lần này, chúng ta định làm 36 tập, cứ gọi là 1.000 trang một tập giống như Từ điển bách khoa, nhân ra số mục từ dù có được bao nhiêu chắc chắn vẫn nhỏ hơn hơn số bài trên Wikipedia. Chúng ta có huy động 2.000 nhà khoa học cho BKTT thì cũng sẽ ít hơn số lượng nửa triệu thành viên tự nguyện tham gia bộ Từ điển Bách khoa mở hiện nay của Việt Nam”.

Vì vậy, ông Đam mong muốn hội đồng biên soạn BKTT có thể huy động, kết nối với những người hiện nay đang tình nguyện biên soạn từ điển trên mạng, “mà trong đó cũng có rất nhiều người là nhà khoa học, nhà quản lý”.

“Người trong cuộc” nêu khó

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng chỉ đạo biên soạn, thì “chúng tôi cũng tiên liệu rằng đây là một công việc vô cùng khó khăn, vất vả”.

{keywords}
Hội đồng họp phiên thứ nhất ngay sau lễ ra mắt

Điều quan trọng đầu tiên, theo ông Thắng, là phải phân biệt Từ điển Bách khoa với Bách khoa toàn thư. “Đã gọi là từ điển thì tính giải nghĩa rất lớn. Còn  BKTT là tri thức, văn hóa, văn hiến, là sự sống trường tồn của dân tộc. Vì vậy, đưa những nội dung nào, tri thức gì vừa đảm bảo tính khoa học, vừa đảm bảo tính chuẩn mực, lại vừa hiện đại, vừa đại chúng là việc không hề đơn giản”.

Viện đã thử nghiệm xây dựng khung mẫu cho một cuốn có tính chất thí điểm, làm rõ nguyên tắc, làm rõ nội dung, cách thức biên tập của một mục từ... và đã thấy ngổn ngang rất nhiều vấn đề.

“Kể cả ở những người được coi là đã có kinh nghiệm trong việc biên soạn có sự nhầm lẫn lớn giữa từ điển với bách khoa thư. Nhiều mục từ được nêu thực ra chỉ có ý nghĩa giải nghĩa, chứ không thể hiện được lịch sử của vấn đề, không thể hiện được tác giả nào, cái này bắt đầu từ đâu và sẽ phát triển ra sao, được biến thể trong lịch sử phát triển có những nội dung nào. Và cũng không nhìn thấy rõ được đặc trưng, bản sắc, nét độc đáo của những tư tưởng trong đó…” – ông Thắng nêu ví dụ.

Một vấn đề lớn khác nữa, theo ông Thắng là “BKTT của Việt Nam thì phải là tri thức, văn hóa, trí tuệ, tư tưởng của Việt Nam. Nhưng khi nêu từ mục của cuốn mẫu thì phần mục từ thế giới nhiều gấp ba lần mục từ của Việt Nam…”.

35 tập BKTT sẽ phủ tất cả các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật, xã hội và nhân văn, đối ngoại, quốc phòng, an ninh… Giả định một cuốn 1.000 trang, thì số lượng 2.000 nhà khoa học tham gia biên soạn như con số đưa ra ban đầu được ông Thắng khẳng định là không đủ, mà đây mới là nhóm hạt nhân.

“Hội đồng biên soạn sẽ họp phân công trách nhiệm rất rõ của mỗi người đảm nhận từng lĩnh vực. Và đấy chính là cơ sở để quy tụ các nhà khoa học khác nữa theo các nhóm vấn đề và các chuyên ngành khoa học.

Mỗi nhà khoa học có thể đảm nhận một vài mục từ thôi, để đảm bảo tính chất cơ bản, cốt lõi, sâu sắc của những điều được nêu ở trong BKTT, chứ  không phải là viết một cách dàn trải mà không đọng lại một cái gì”.

Một vấn đề quan trọng nữa mà ông Thắng đặc biệt nhấn mạnh là việc biên tập có tính chất tổng thể sau khi các quyển chuyên ngành đã hoàn thành.

Về tiến độ thực hiện, ông Thắng cho biết trong những phiên họp tới đây, những hội đồng khoa học từng chuyên ngành sẽ phải xây dựng một nhóm các nhà khoa học hạt nhân có uy tín, có kinh nghiệm trong lĩnh vực biên soạn bách khoa thư, sẽ phải thảo luận rất kỹ trên cuốn khung mẫu. “Từ bây giờ đến cuối năm làm xong việc đó thì tới năm 2016 mới có thể bắt tay vào khởi động ở những nội dung đầu tiên của từng quyển”.

Ngày 28/7/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1262/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam được phê duyệt gồm 36 quyển, trong đó Quyển 36 là Quyển Index được beien soạn vào giai đoạn 2 khi xuất bản trộn quyển theo vần ABC.

Ngày 15/2/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 238/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm 16 thành viên, với Chủ tịch hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Ngân Anh