- Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ trao cho TSKH Trần Đình Phong (Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Và PGS.TS Phạm Văn Hùng (Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TPHCM).

Ngày 18/5, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018. Đây là một trong các sự kiện quan trọng chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

{keywords}
Buổi lễ có sự tham gia của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện nhiều cơ quan của Chính phủ, Quốc hội.  

GS Nguyễn Đức Chiến, đại diện hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 đánh giá, số lượng hồ sơ đề xuất năm nay khá lớn (54) chứng tỏ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam ngày càng có chất lượng hơn, công bố ở các tạp chí quốc tế được xếp hạng cao hơn trong từng lĩnh vực. Mặt khác, điều đó cũng cho thấy các nhà khoa học, đặc biệt các nhà khoa học trẻ, rất quan tâm đến giải thưởng Tạ Quang Bửu.

{keywords}
Sự kiện có sự tham gia của nhiều đại diện Bộ, ngành. Trong ảnh là 2 Thứ trưởng của Bộ GD-ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

{keywords}
...và có sự hiện diện của đại diện gia đình cố GS Tạ Quang Bửu.

Ban tổ chức quyết định trao giải thưởng cho 2 tác giả của công trình khoa học xuất sắc là: TSKH Trần Đình Phong (37 tuổi, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và PGS.TS Phạm Văn Hùng (44 tuổi, Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TPHCM).

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 cho 2 cá nhân có những công trình xuất sắc. 

TSKH Trần Đình Phong là tác giả chính của công trình lĩnh vực Vật lý: “Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình”. 

Công trình sản xuất nhiên liệu hydro từ nước với giá thành rẻ so với bằng vật liệu truyền thống. Vật liệu truyền thống để làm việc này là bạch kim (Pt), là vật liệu hiếm và đắt tiền. Để thay thế Pt, các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu chế tạo những vật liệu rẻ tiền, dễ kiếm, có trữ lượng lớn trên trái đất.

TS Trần Đình Phong và nhóm đã tổng hợp được chất xúc tác molybdenum sulfide vô định hình bằng nhiều phương pháp khác nhau với khối lượng lớn.

{keywords}
 

Công trình này xác định được cơ chế hoạt động xúc tác của vật liệu này một cách đầy đủ và từ đó đề xuất phương pháp thiết kế một thiết bị sản xuất tách hydro từ nước bằng năng lượng mặt trời có thể đạt hiệu suất chuẩn của cơ quan năng lượng Mỹ.

Công trình được công bố trong Nature Materials là một tạp chí khoa học hàng đầu thế giới, được SCIMAGO xếp hạng 2/1983 trong Khoa học vật liệu, 2/863 trong Hoá học và 3/4363 trong Kỹ thuật.

PGS.TS Phạm Văn Hùng là tác giả chính của công trình khoa học trong lĩnh vực Sinh học Nông nghiệp: “Khả năng tiêu hóa in vitro và sinh đường in vivo của các loại tinh bột gạo có hàm lượng amylose khác nhau và tinh bột gạo biến đổi bằng phương pháp vật lý. 

{keywords}
 

Công trình của PGS.TS Phạm Văn Hùng nghiên cứu sự thay đổi cấu trúc và chỉ số đường huyết của các loại tinh bột gạo ở Việt Nam khi tiến hành xử lý nhiệt-ẩm và ẩm-nhiệt. Bằng các phương pháp xử lý trong công trình này, nhóm nghiên cứu đã tạo ra được các loại tinh bột có chỉ số đường huyết trung bình và thấp. Đây là tiền đề cho các nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng ở Việt Nam để phòng chống các bệnh mãn tính của con người và đặc biệt dùng cho các bệnh nhân tiểu đường và béo phì.

Công trình được công bố trong Food Chemistry là một tạp chí khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Nông nghiệp và Sinh học, được SCIMAGO xếp hạng 9/273 trong Công nghệ thực phẩm.

2 nhà khoa học này được nhận bằng chứng nhận giải thưởng của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và tiền thưởng 200 triệu đồng.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ Chu Ngọc Anh tặng hoa cho 3 nhà khoa học.

Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao giải thưởng nhà khoa học trẻ cho TS Đỗ Quốc Tuấn (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) là tác giả công trình khoa học trong lĩnh vực Vật lý: “Lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng”. Công trình được công bố trong Physical Review D, tạp chí khoa học uy tín hàng đầu trong lĩnh vực Vật lý. Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ là 50 triệu đồng.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng thường niên của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng, khoa học và công nghệ Việt Nam nói chung. Các nhà khoa học đoạt giải thưởng phải có những đóng góp chủ đạo trong quá trình nghiên cứu khoa học tại Việt Nam và công bố các kết quả thu được trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.

Thanh Hùng