Nhóm Trắc lượng khoa học Việt Nam (Scientometrics for Vietnam - S4VN) vừa giới thiệu trong báo cáo về kết quả công bố quốc tế trên các tạp chí ISI (là những tạp chí quốc tế có uy tín) của ngành toán Việt Nam trong mối tương quan với các nước ASEAN từ năm 2010 đến nay.

{keywords}
Trước 2014, vị trí dẫn đầu liên tục thuộc về Singapore. Về số lượt trích dẫn của các công bố ISI, năm 2018, Việt Nam cũng dẫn đầu các nước ASEAN với 63.

Theo đó, số lượng công bố ISI của ngành toán học Việt Nam trong năm 2018 (tính đến ngày 28/10) xếp thứ 32 trên thế giới (304 bài). Vị trí này giúp Việt Nam dẫn đầu các nước ASEAN và bỏ xa nước xếp ở vị trí thứ 2 là Singapore (196 bài) đến hơn 10 bậc. Theo công bố, Việt Nam liên tục giữ vị trí dẫn đầu các nước ASEAN về chỉ số này từ năm 2014 đến nay. 

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học về một số vấn đề đặt ra sau khi có kết quả này.

"Nói nền Toán học của Việt Nam hơn Singapore là không đúng!"

Thưa ông, kết quả vui mừng của ngành Toán học đầu năm mới có nguyên nhân từ đâu?

Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á nhiều năm liền và đứng thứ 31 - 32 trên thế giới tính theo số công bố ISI (Web of Science) quả là một kết quả ấn tượng.

Đây là đóng góp của tất cả các công bố có ghi địa chỉ Việt Nam. Để có thành tích này, theo tôi có đóng góp rất quan trọng của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia – Nafosted. Bởi một mặt quỹ Nafosted hỗ trợ nghiên cứu nhưng đồng thời để nhận được hỗ trợ các nhà khoa học phải có công bố đạt chất lượng. Đó là động lực rất quan trọng để chúng ta có số lượng công bố ISI.

Chương trình trọng điểm phát triển toán học 2010-2020 cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu trong các trường đại học và viện nghiên cứu những năm gần đây.

Đặc biệt là việc các giảng viên đại học được hỗ trợ để tới làm việc cùng nhau tại Viện nghiên cứu cao cấp về Toán.

Tuy nhiên, theo tôi, bảng xếp hạng vừa rồi của nhóm S4VN là dựa trên số lượng công bố và số lượng công bố không phải là tất cả mà chỉ là một chỉ dấu trong nền toán học.

Chẳng hạn, số công bố ISI ngành Toán của Việt Nam có thể hơn Singapore nhưng nói nền Toán học của chúng ta hơn họ là không đúng. Phải nhìn nhận đó chỉ là ở một chỉ số.

Liệu kết quả này liệu có tiếp tục bền vững trong giai đoạn tới?

Tôi tin trong một vài năm tới chắc vị trí xếp hạng đó vẫn giữ được sự ổn định.

Bởi cộng đồng Toán học Việt Nam hiện nay đang có rất nhiều người trẻ và mỗi năm được đóng góp thêm bởi người Việt trẻ khác từ nước ngoài về.

Và chắc chắn càng ngày sẽ càng nhiều người trẻ giỏi hơn trở về.

{keywords}
GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học. Ảnh: Thanh Hùng

Theo tôi, chúng ta sẽ tiếp tục có vị trí cao trong khu vực bởi chúng ta có tiềm lực.

Như Singapore (nước xếp thứ 2 trong khu vực về số lượng công bố ISI) là đất nước ít người nên khó thay đổi được, trong khi Việt Nam dân số đông, tiềm lực là rất lớn.

Tuy nhiên, những công bố thực sự là tốt nhất, là đỉnh cao, những nhà khoa học thật sự xuất sắc thì phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta không bằng Singapore.

Hai trường đại học của Singapore có vị trí rất cao trên thế giới mà chúng ta chắc còn lâu mới có thể đạt được. Nhưng tính về tổng số thì mình đông hơn và lực lượng toán học của mình mạnh hơn.

Những nước còn lại trong khu vực thì xưa nay họ vẫn kém hơn mình về nghiên cứu toán học.

Nếu nhìn theo lịch sử thì chỉ có Singapore thời gian gần đây vươn lên bởi nền kinh tế phát triển. Nhưng sau một thời kỳ đã có sự cố gắng thì chúng ta đã vượt qua được họ.

Tôi tin với sự phát triển như thế này thì 5 năm nữa chúng ta vẫn có thể giữ được vị thế và thậm chí còn có thể vượt lên nữa. Vượt theo nghĩa là số lượng có thể tăng hơn nữa và khoảng cách có thể cao hơn nữa so với các nước trong khu vực.

"Lớp trẻ đang làm Toán rất tích cực"

Có vẻ ông rất tự tin về đội ngũ những người làm Toán của nước nhà hiện tại?

Đúng là như vậy. Nếu so với khoảng 15 năm trước thì giờ đây chúng ta có một lớp trẻ, những người thế hệ 8X và họ làm Toán rất tích cực, hiệu quả, đạt nhiều kết quả tốt.

Tôi tin càng ngày họ sẽ càng tốt lên, và thay dần thế hệ trên 60 tuổi.

Có thể nhận thấy trong cộng đồng toán Việt Nam thế hệ 7X tương đối ít nhưng sang thế hệ 8X thì đông hẳn lên.

Tức là những cố gắng của cộng đồng khoảng 10, 15 năm trước thì bây giờ mới nhìn thấy lợi ích. Do đó, nếu bây giờ chúng ta không tiếp tục cố gắng thì 10, 20 năm nữa mới thấy hậu quả.

Theo ông, kết quả của bảng xếp hạng này phụ thuộc vào sự đóng góp của những người Việt làm việc ở nước ngoài hay trong nước?

Về cơ bản, kết quả này đến từ những nhà toán học làm việc ở trong nước.

Nhưng hiện nay cũng có nhiều cán bộ của chúng ta cũng đi công tác ở nước ngoài và cũng có nhiều công bố được viết chung với các đồng nghiệp nước ngoài. Những công bố có chất lượng cao thường có sự hợp tác.

Trong bảng thống kê để xếp hạng mới đây theo tôi hiểu là những công có ít nhất một tác giả có địa chỉ ở Việt Nam trên đấy thì sẽ được tính là công bố của Việt Nam. Nhưng những công bố có chất lượng cao thường có sự hợp tác.

Vậy có đo được khoảng bao nhiêu phần trăm trong kết quả đó đến từ "nội lực"?

Trong Toán học không có khái niệm “nội lực”.

Một số ngành khác hay nói đến “nội lực” - công trình thuần túy của trong nước nhưng với Toán học thì không có biên giới và chúng tôi cũng rất khuyến khích việc các nhà Toán học Việt Nam cộng tác với các đồng nghiệp nước ngoài để có các công bố tốt.

Tất nhiên, trong một số trường hợp có thể có những sự chênh lệch song về nguyên tắc thì thành tích được chia đều cho các tác giả và không phân biệt làm trong nước hay ngoài nước.

Trong giới toán học lâu nay có bàn tán về nguy cơ ngành toán đang gặp khó khăn ở "đầu vào" đại học như tuyển sinh ngày càng khó khăn hơn, một số chương trình đào tạo trước đây có môn toán nay bị cắt, giảm. Ông có dự báo gì về hệ quả của hiện tượng này?

Từ khá nhiều năm trở lại đây việc tuyển sinh ngành Toán khá khó. Phải nói thật là chưa bao giờ tuyển sinh vào ngành Toán dễ dàng cả. Ngoại trừ một số trường sư phạm thời gian trước khi Bộ GD-ĐT có chủ trương động viên sinh viên thi vào ngành sư phạm thì số sinh viên tăng lên.

Tuy vậy nhiều thì mỗi năm cũng chỉ khoảng vài chục người thực sự làm nghiên cứu. Số người tiếp tục làm nghiên cứu chỉ là một số nhỏ trong đấy.

Động lực vào sư phạm của sinh viên chủ yếu vẫn là theo ngành giáo viên chứ không phải để làm nghiên cứu, số người vào để sau này trở thành giảng viên đã ít và số người muốn theo đuổi con đường nghiên cứu lại càng ít hơn.

Nghiên cứu Toán học cũng không phải thứ cần quá nhiều người mà cần những người thật sự muốn theo đuổi việc này. Số đam mê theo đuổi xưa nay cũng không nhiều.

Trước đây cái khó là nhiều người có thể cũng đam mê toán nhưng vì cuộc sống nên phải có một lựa chọn khác. Bây giờ thì những người thực sự đam mê toán và có năng lực thì họ vẫn có thể theo đuổi được, nhưng ngày nay có nhiều ngành khác hay ho hơn lôi cuốn. Do đó, họ cân nhắc vì lý do khác.

Nhìn chung, theo tôi chuyện thu hút những người xuất sắc nhất theo ngành toán thì không giảm, so với ngày xưa thậm chí còn tăng. Nhưng bây giờ họ có rất nhiều cơ hội đi ra ngoài nên những người giỏi nhất ra nước ngoài hết. Các trường đại học trong nước có đào tạo ngành Toán về cơ bản không còn được mấy sinh viên xuất sắc.

Thực trạng nghiên cứu cơ bản của ngành Toán có liên quan đến việc giảng dạy toán trong các trường đại học nhưng không quá mật thiết.

Nôm na là hai việc này không liên thông với nhau. Không thể vì lý do tăng thứ hạng về thành tích nghiên cứu toán học mà bắt sinh viên ở các trường đại học nói chung học thêm toán, đó không phải là cách giải quyết và cũng chẳng ai người ta cũng chịu cách giải quyết như vậy.

Số giờ giảng dạy cho môn Toán ở các trường đại học nói chung ngày càng bị cắt giảm. Hiện tượng này có nhiều lý do và không thể đổ toàn bộ cho cơ quan quản lý. Chúng ta phải nhìn nhận câu hỏi của nhiều người là toán học mang lại được điều gì? Có lẽ đó là câu hỏi mà các nhà toán học cần trả lời. Còn việc tăng thứ hạng thì tôi nghĩ đó chỉ là việc mà nếu có sự đầu tư tốt của Nhà nước thì những người làm toán lý thuyết họ vẫn sẽ làm tốt và chắc chắn có được thành quả. Việc đó tương đối dễ nếu nhà nước quan tâm.

Tuy nhiên, để những thành tích toán học ấy đi vào và có ích cho cuộc sống thì còn nhiều việc khác cần phải làm.

Sau khi GS Ngô Bảo Châu chia sẻ về kết quả này, đã có nhiều bàn luận sôi nổi. Trong đó có ý kiến của một phó giáo sư ở Canada được nhiều người bày tỏ sự đồng tình. Vị PGS này cho rằng “vấn đề ở VN để "toán đi vào cuộc sống" có lẽ nằm ở chỗ: Chúng ta thiếu một cộng đồng liên ngành kết nối các mảng toán ứng dụng với khoa học kỹ thuật. Có lẽ cần tạo một cộng đồng như thế. Câu hỏi đặt ra: Ai sẽ đóng vai trò tập hợp và xây dựng một cộng đồng như thế?". Theo ông thì câu trả lời sẽ là gì?

Nhà nước! Nhà nước sinh ra là để làm những việc như thế.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Hùng (thực hiện)

Việt Nam dẫn đầu ASEAN về số công bố khoa học ngành Toán trên tạp chí uy tín

Việt Nam dẫn đầu ASEAN về số công bố khoa học ngành Toán trên tạp chí uy tín

- Toán học Việt Nam nhiều năm liền dẫn đầu các nước ASEAN về số lượng công bố khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín.

GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Toán học Maurice Audin

GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Toán học Maurice Audin

GS. Ngô Bảo Châu vừa nhận giải thưởng Toán học mang tên Maurice Audin.

Những trang phục độc đáo được tạo nên từ vẻ đẹp Toán học

Những trang phục độc đáo được tạo nên từ vẻ đẹp Toán học

Từ những kiến thức Toán học tưởng chừng khô khan, khi được “thổi hồn” đã trở thành những đường nét, họa tiết độc đáo cho những bộ trang phục.

Trải nghiệm đặc biệt “trong xứ sở Toán học diệu kỳ"

Trải nghiệm đặc biệt “trong xứ sở Toán học diệu kỳ"

Bóng hơi chịu tải nặng không vỡ trên bàn đinh, chế tạo và điều khiển robot, thiết bị tự động, lý giải các quy luật cuộc sống bằng toán học,… là một trong những điều mà học sinh được trải nghiệm tại Ngày hội Toán học mở năm 2018.