Trong những phút cuối trước khi bốc cháy và trở thành một phần của sao Thổ, tàu Cassini vẫn sẽ gửi những hình ảnh và dữ liệu khoa học quý giá về cho NASA theo thời gian thực.

Vào sáng sớm ngày thứ 6, 16/9, tàu vũ trụ Cassini của NASA đã kết thúc sứ mệnh khoa học của mình sau hơn 20 năm được phóng lên vũ trụ với nhiệm vụ nghiên cứu sao Thổ.

Video mô phỏng tàu Cassini đâm xuống khí quyển sao Thổ. Nguồn: NASA.

Tàu vũ trụ có giá trị lên tới hơn 3 tỷ USD của NASA được phóng lên vũ trụ vào năm 1997. Từ năm 2004, Cassini bắt đầu tiếp cận sao Thổ và thực hiện các nghiên cứu khoa học về hành tinh này.

500 ngàn bức ảnh và hơn 60 GB dữ liệu về hành tinh thứ 6 tính từ Mặt trời và các mặt trăng của nó đã được Cassini gửi về cho NASA trong suốt 13 năm qua.

Đến đầu năm 2017, nhiên liệu của Cassini bắt đầu cạn dần và một khi nhiên liệu hết, các nhà khoa học tại NASA sẽ không thể điều khiển được con tàu này nữa.

Trong khi đó, từ những bức ảnh do Cassini cung cấp, các nhà khoa học cho rằng, hai mặt trăng của sao Thổ là Enceladus và Titan có thể chứa đựng sự sống. Các nhà khoa học lo ngại rằng, một khi không còn kiểm soát thì con tàu có thể đâm phải một trong 2 mặt trăng này, ảnh hưởng tới những nghiên cứu trong tương lai đối với 2 mặt trăng này.

Vì thế, NASA đã quyết định sẽ để cho Casini "tự sát" bằng cách lao vào khí quyển của sao Thổ để bốc cháy và tan rã trong hành tinh mà nó đã nghiên cứu suốt 13 năm qua.

Tuy nhiên, sư hi sinh của tàu Cassini hoàn toàn không vô ích. Cho tới những giây phút cuối cùng, con tàu vẫn tiếp tục gửi những hình ảnh và dữ liệu về Trái đất.

Khi con tàu lao xuống bầu khí quyển của sao Thổ, nó sẽ cung cấp cho NASA những thôgn tin quý giá. Đó là một bản đồ chi tiết vè trọng trường và từ trương của sao Thổ. Từ đó, các nhà khoa học có thể có nhiều khám phá quan trọng về cấu trúc cũng như tốc độ quay của hành tinh này.

Những hình ảnh ngoạn mục về những đám mây và vành đai của sao Thổ cũng sẽ được Cassini gửi về Trái đất. NASA dự kiến sẽ cung cấp những hình ảnh này trên Internet.

Thomas Zurbuchen, quản lý Ban sứ mệnh khoa học của NASA gọi sự kiện này là chương cuối của một sứ mệnh tuyệt vời. "Nhưng đây cũng là một khởi đầu mới", ông nói. "Những khám phá của Cassini về các đại dương ở Titan và Endceladus đã làm thay đổi mọi thứ, làm rung chuyển những quan điểm của chúng ta về những nơi có thể tìm thấy cuộc sống tiềm ẩn ngoài Trái đất".

Hà Phương (theo NASA, CNET)