Điều này nhằm giải quyết bất cập nhiều nhà khoa học làm nghiên cứu ở nước ngoài, tập đoàn lớn lâu năm, có thành tích xuất sắc nhưng khi vào cơ quan nghiên cứu nhà nước lại bắt đầu với chức danh nghiên cứu viên, với mức lương không tương xứng năng lực.

Ông Trần Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN) cho biết, đã trình lên Chính phủ Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Điểm mới của dự thảo Nghị định là vấn đề đặc cách, thăng hạng cho các nhà khoa học.

Nghị định 40 hiện nay quy định: “Cá nhân có thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm được xét tuyển dụng đặc cách và bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng IV, hạng III không phải qua tập sự, được xếp vào bậc lương phù hợp với trình độ đào tạo theo quy định”.

Tuy nhiên, hạng III, IV chỉ là nghiên cứu viên.

Theo ông Nghĩa, trên thực tế, có những nhà khoa học có thành tích xuất sắc nhưng khi vào làm việc tại cơ quan khoa học của Nhà nước theo quy định đặc cách này chỉ được là nghiên cứu viên. Điều này khiến một số trường hợp không thỏa mãn và khó tuyển dụng. Vì vậy, nghị định mới sẽ mở ra một “cửa” là cho phép nhà khoa học khi đủ các điều kiện thì có thể được vào bất cứ vị trí nào từ nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính cho đến nghiên cứu viên cao cấp, tùy thuộc vào năng lực.

Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi như sau: “Cá nhân có thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng bằng hình thức tiếp nhận không qua thi tuyển và bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ không phải qua tập sự, được xếp vào bậc lương phù hợp với trình độ đào tạo theo quy định.”  

Giải thích cụ thể hơn về sửa đổi này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy lấy dẫn chứng tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc. “Có những tiến sĩ làm việc ở cơ sở nghiên cứu hoặc doanh nghiệp nước ngoài nhiều năm, khi vào đây nếu theo quy định hiện nay thì cũng chỉ được áp dụng hệ số lương 3.0, tương đương một tiến sĩ vừa tốt nghiệp. Đây là một điều bất hợp lý và cần một cơ chế xét lương công bằng. Tức cần xét lương của họ vào bậc tương ứng với số năm công tác và kinh nghiệm”.

Ông Duy liên hệ thêm, trong ngành giáo dục cho phép những người được phong phó giáo sư sẽ được đặc cách là giảng viên cao cấp. “Nhưng quy định này chỉ với giảng viên các trường đại học trong khi ngành khoa học chưa được”.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Ngoài ra, Nghị định 40 hiện quy định, nhà khoa học có thành tích xuất sắc (có giải thưởng quốc tế; chủ trì hoặc thực hiện chính nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt; được cấp bằng TS; được bổ nhiệm GS,PGS…) được đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác.

Tuy nhiên, quy định chỉ áp dụng một lần đối với một cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ đang giữ hạng chức danh, ví dụ từ nghiên cứu viên lên nghiên cứu viên chính.

Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng trình sửa đổi thành: “Mỗi thành tích, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ chỉ được sử dụng 1 lần để xét đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác”.

Theo ông Nghĩa, với nghị định mới, nhà khoa học xuất sắc có thể được đặc cách nhiều lần. Tuy nhiên, mỗi thành tích, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ chỉ được sử dụng một lần để xét đặc cách.

Thanh Hùng

Lần đầu tiên một viện nghiên cứu của Việt Nam đặt cơ sở tại nước ngoài

Lần đầu tiên một viện nghiên cứu của Việt Nam đặt cơ sở tại nước ngoài

- Ngày 27/9, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) đã tổ chức lễ khai trương phòng thí nghiệm on-site tại Hàn Quốc.