- Được sự ủng hộ của Đảng và Chính phủ, ĐHQGHN sẽ đẩy nhanh việc xây dựng Trung tâm tư liệu nghiên cứu Việt Nam lớn nhất của Việt Nam và hàng đầu thế giới đặt tại Hòa Lạc.

GS. TS Nguyễn Hữu Đức, Phó GĐ ĐHQGHN thông tin trong bài phát biểu bế mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, chiều 16/12.

{keywords}
Các nhà khoa học tham dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5. 

Theo ông Đức, tư liệu thế giới viết về Việt Nam khá nhiều, đồng thời số tư liệu của Việt Nam bị thiên di đi khắp thế giới cũng rất lớn, từ châu Á, châu Âu đến cả châu Mỹ.

Hệ thống tư liệu ấy cần được thu thập, quy tụ để kết hợp cùng với hệ thống tư liệu đang có trong nước hình thành một trung tâm phục vụ cho các nghiên cứu đầy đủ và toàn diện nhất về Việt Nam.

Cùng với đó, từ năm 2017, ĐHQGHN cũng sẽ ra mắt chuyên san Nghiên cứu Việt Nam. Đây sẽ là diễn đàn cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế để công bố các công trình nghiên cứu của mình về Việt Nam học.

Ông Đức cũng cho biết, tới ĐHQGHN cũng sẽ tập trung nguồn lực, xác định cấu trúc triển khai xây dựng Bộ Quốc chí Việt Nam.

Hội thảo quốc tế Việt Nam học diễn ra trong 2 ngày 15-16/12 đã thu hút hơn 1.200 nhà khoa học gửi báo cáo tóm tắt, trong đó có 150 nhà khoa học nước ngoài đến từ 30 quốc gia.

834 bản báo cáo tóm tắt và gần 500 báo cáo toàn văn đã được lựa chọn trình bày tại hội thảo, trong đó có 30 báo cáo được mời và đặt hàng từ các học giả có uy tín và tầm ảnh hưởng hàng đầu trên thế giới

Theo GS Nguyễn Hữu Đức, hội thảo đã thực sự là nhịp cầu kết nối các nhà Việt Nam học và nghiên cứu Việt Nam trên toàn cầu, đồng thời, hội thảo là một dấu mốc gắn kết, phát triển, đưa sự quan tâm của Việt Nam học truyền thống đến với những lĩnh vực rộng hơn, liên ngành hơn, gắn với các vần đề đương đại của Việt Nam.

Lê Văn