Để phục vụ tính toán chỉ số đổi mới sáng tạo 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã thực hiện rà soát hiện trạng dữ liệu, xác định các chỉ số còn thiếu dữ liệu hoặc có dữ liệu chưa cập nhật để đề nghị các Bộ, cơ quan có liên quan thu thập và bổ sung dữ liệu.

Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách KH&CN Hoàng Minh cho biết như trên tại Hội nghị “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) năm 2017” diễn ra chiều 20/12/2017.

Hội nghị nhằm đánh giá công tác triển khai hoạt động và kết quả đạt được năm 2017 cũng như đề xuất giải pháp để cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST).

{keywords}
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị.

Để phục vụ tính toán chỉ số ĐMST 2018, Bộ KH&CN đã thực hiện rà soát hiện trạng dữ liệu, xác định các chỉ số còn thiếu dữ liệu hoặc có dữ liệu chưa cập nhật để đề nghị các Bộ, cơ quan có liên quan thu thập và bổ sung dữ liệu.

Theo đó, tháng 11/2017, Bộ KH&CN đã làm việc, trao đổi với chuyên gia của Tổ chức WIPO để hỗ trợ kết nối với các chuyên gia của tổ chức quốc tế khác nhằm làm rõ phương pháp, cách thức thu thập dữ liệu để bổ sung cho các chỉ số còn thiếu.

Về việc cung cấp thông tin để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực trong đánh giá xếp hạng, bên cạnh các chỉ số đã có sẵn và được cập nhật hàng năm, ngay trong tháng 2/2017, Bộ KH&CN đã khẩn trương rà soát số liệu, thông tin của các chỉ số ĐMST năm 2016. Đồng thời, phối hợp với một số bộ và chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ KH&CN khẩn trương thu thập các số liệu để đối chiếu, phục vụ cho việc đánh giá, xếp hạng chỉ số ĐMST của Việt Nam năm 2017.

Chính việc cập nhật số liệu này đã góp phần giúp công tác đánh giá, xếp hạng chỉ số ĐMST của Việt Nam năm 2017 được đầy đủ và phản ánh thực trạng hơn.

“Tuy nhiên, chỉ số ĐMST đánh giá ở cấp quốc gia, ngoại trừ các chỉ số thống kê quốc gia được cơ quan thống kê thực hiện, chưa có phương pháp thu thập thông tin để đánh giá, xếp hạng ở cấp địa phương nên vai trò của các địa phương trong việc cung cấp thông tin, số liệu còn chưa rõ ràng” - Viện trưởng Hoàng Minh cho hay.

Về 7 chỉ số được phân công theo dõi và cải thiện thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, hiện các chỉ số tiếp tục tăng so với các năm qua.

Điều này thể hiện qua việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động hệ thống quản lý theo ISO 9001, ISO 14001; đẩy mạnh triển khai Chương trình năng suất chất lượng; xây dựng và thực hiện các Chương trình triển khai ISO 14001 gắn với phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường…

{keywords}
Các đại biểu tham dự hội nghị

Đồng thời, ông Linh cũng đã đề xuất các giải pháp cải thiện các chỉ số (trong lĩnh vực KH&CN) như: Khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho KH&CN; Sử dụng các biện pháp tuyên truyền, tôn vinh và các ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển công nghệ; Cải tiến những thủ tục hành chính giúp hậu thuẫn tốt hơn cho các doanh nghiệp và nhà khoa học thương mại hóa các sản phẩm công nghệ…

Trước đó, năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh tuyên truyền kết quả xếp hạng chỉ số ĐMST của Việt Nam, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về chỉ số ĐMST như phối hợp với chuyên gia của WIPO tổ chức Hội thảo về chỉ số ĐMST năm 2017 của Việt Nam; tổ chức các hội thảo hướng dẫn triển khai cho các địa phương cả nước…

Năm 2017 đánh dấu sự tăng hạng vượt bậc của Việt Nam, từ thứ hạng 59 năm 2016 lên thứ 47 (tăng 12 bậc). So với năm 2016, chỉ số đầu vào ĐMST của Việt Nam đã tăng lên 8 bậc, chỉ số đầu ra ĐMST tăng 4 bậc, hiệu suất đầu vào/ đầu ra ĐMST của Việt Nam xếp hạng 10. Các chỉ số về năng lực cạnh tranh cũng như môi trường kinh doanh cũng đều có sự tăng trưởng đáng kể.

Thu Hiền