- Trao đổi với VietNamNet về hiện tượng "tâm thư giáo viên gửi Bộ trưởng Giáo dục", anh Nguyễn Quốc Vương, một thầy giáo Lịch sử hiện đang làm nghiên cứu về lịch sử giáo dục ở Nhật Bản cho rằng sự ngột ngạt của người thầy hiện nay là rất lớn.

Thay đổi vụn vặt làm rối loạn hiện trường giáo dục

Anh có quan sát gì về hiện tượng tâm sự, thỉnh cầu của giáo viên gửi Bộ trưởng Giáo dục trong thời gian gần đây?

Đối với tôi, hiện tượng này rất dễ hiểu và không có gì đáng ngạc nhiên.

Sự bức xúc, bất an ở giáo viên là một thực tế. Từ thực tế đó, họ khao khát thay đổi bởi có lẽ họ đã từng thất vọng nhiều lần với các cuộc “cải cách” và gánh chịu hậu quả.

Sự vận hành của hệ thống giáo dục Việt Nam dựa trên bộ máy hành chính giáo dục có tính “trung ương tập quyền” - tức là quyền lực của các bộ, sở mạnh - và mang nặng tính “quan liêu” theo chiều dọc từ trên xuống, tính phân quyền và tự chủ địa phương yếu.

Vì thế, những vấn đề của giáo dục cuối cùng sẽ đè lên vai giáo viên và học sinh - những người đứng cuối cùng trong hệ thống thang bậc này.

Sự ngột ngạt, bức xúc của giáo viên là rất lớn.

Trong khát vọng thay đổi, người giáo viên sẽ nhìn vào hệ thống hành chính giáo dục đó và đặt kỳ vọng vào bộ trưởng như một lô-gic thông thường và dễ hiểu.

{keywords}
Học sinh Trường Tiểu học Tỏa Tình (tỉnh Điện Biên) tự học theo nhóm với sự hướng dẫn của giáo viên. Ảnh: Hạ Anh

Trong những điều đó, theo anh đâu là những nút thắt thật sự căn cốt của giáo dục cần được ưu tiên tháo gỡ?

Tôi nghĩ cải cách giáo dục là giải một bài toán đã nhìn thấy kết quả và cách làm.

Một bài toán nhiều người đã giải và đã giải thành công rồi thì không phải là bài toán khó hay bất khả.

Vấn đề đối với Việt Nam là có dám làm quyết liệt, thật sự và làm bằng phương thức nào cho êm đềm, ổn thỏa hạn chế rủi ro, giải quyết được các “di sản” do lịch sử để lại mà thôi.

Nhìn vào lịch sử cải cách giáo dục trên thế giới thì thấy không có cuộc cải cách giáo dục nào nằm ngoài nhu cầu và công cuộc cải cách về chính trị-kinh tế-xã hội.

Khi tư duy về cải cách giáo dục, đặc biệt là các cuộc cải cách giáo dục nhằm giải quyết cơ bản các vấn đề có tính chất trầm trọng, lâu dài, ảnh hưởng lớn thì cần đặc biệt lưu ý đến đặc điểm này. Nếu không, cải cách giáo dục sẽ rơi vào vòng quay bất tận của những sửa chữa và thay đổi vụn vặt làm rối loạn hiện trường giáo dục.

Vậy làm thế nào để tránh được rối loạn này?

Theo tôi, cải cách giáo dục sẽ có hai phương thức cần được tiến hành song song để hỗ trợ, thúc đẩy, tương tác lẫn nhau.

Thứ nhất là “cải cách giáo dục từ trên xuống” tạo ra sự thay đổi từ vĩ mô và trên diện rộng, tác động trực tiếp vào hệ thống giáo dục.

Cải cách này sẽ tạo ra sự thay đổi nhanh, mạnh trên phạm vi lớn nhưng gắn bó chặt chẽ với các cải cách vĩ mô về chính trị - kinh tế-xã hội nên trên thực tế, tính độc lập của nó sẽ bị hạn chế.

Trách nhiệm tiến hành cuộc cải cách này thuộc về các cơ quan nắm giữ quyền lực và những người được giao phó trọng trách trong các cơ quan đó.

Thứ hai là “cải cách từ dưới lên”. Sự thay đổi này được tạo ra bởi chính các giáo viên, học sinh và các trường học.

Trong lý luận và thực tiễn giáo dục hiện đại trên thế giới, ngiáo viên sẽ là người cuối cùng quyết định “dạy cái gì” và “dạy như thế nào” cho học sinh.

Cơ chế “một chương trình-nhiều sách giáo khoa” (sách giáo khoa kiểm định) hoặc “tự do sách giáo khoa” hỗ trợ và đảm bảo cho giáo viên nghiên cứu, tiến hành các “thực tiễn giáo dục” của riêng mình.

Bởi thế, mặc dù chia sẻ chung triết lý-mục tiêu giáo dục và dựa trên cùng nền tảng pháp lý, 1.000 giáo viên là 1.000 “thực tiễn giáo dục”.

Các “thực tiễn giáo dục” này tạo ra một dòng chảy làm thay đổi giáo dục và thay đổi đất nước theo hướng tốt đẹp khi tạo ra các công dân hành động ưu tú một cách trực tiếp và bền vững.

Trong hoàn cảnh của Việt Nam, tôi nghĩ không chỉ trông chờ vào “cải cách từ trên xuống” và giáo viên cần phải chủ động, tích cực tạo ra “cải cách từ dưới lên”.

Đương nhiên, hoàn cảnh Việt Nam có nhiều điểm khác với thế giới gây ra sự bất lợi cho người giáo viên muốn cải cách nhưng muốn có sự thay đổi tốt đẹp thì người giáo viên phải hành động và sáng tạo.

Phụ huynh, học sinh cần ủng hộ và trợ giúp các giáo viên như thế.

Không gì mạnh hơn "thực tiễn giáo dục"

Có điều gì anh thấy chưa ổn từ những bức thư, những dòng tâm sự?

Đã từng là giáo viên phổ thông nên tôi thấy những lá thư của thầy cô là rất thật, cho dù có thể có nhiều vấn đề búc xức khác thầy cô chưa tiện trình bày.

Nói ra sự thật rất khó. Tâm lý e ngại, sợ sệt cấp trên, đồng nghiệp, sợ cuộc sống cá nhân bị ảnh hưởng tồn tại trong một thời gian dài và đè nặng hàng ngày làm cho giáo viên sợ nói ra những điều mà “ai cũng biết cả nhưng không ai nói”. Nhiều người dám nói ra vì sự thôi thúc nội tâm và sau đó trả giá đắt đã khiến cho giáo viên thường chọn im lặng hoặc an phận.

Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng hiện tượng những lá thư như thế cũng nói lên một phần nào đó nhận thức về cơ hội thay đổi “từ dưới lên” chưa thật sự sâu sắc.

Ngay cả trong những nền giáo dục dân chủ và tiên tiến nhất cho dù trách nhiệm của bộ trưởng giáo dục là rất lớn thì mọi sự thay đổi tốt đẹp của giáo dục cũng không phải hoàn toàn đến từ các mệnh lệnh hay chỉ đạo của bộ trưởng.

Ngay cả cải cách giáo dục “từ trên xuống” cũng sẽ không đi đến đâu nếu vấp phải sự bảo thủ từ giáo viên. Suy cho đến cùng, chính các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy mới là các “nhà cải cách giáo dục”.

Ở Việt Nam, nhìn vào lịch sử nước nhà thì thấy hầu như các thay đổi tốt đẹp ban đầu đều bắt nguồn từ các sự kiện có tính chất “tự phát”, “cá nhân”, “mô hình” thậm chí là “xé rào”, “khoán chui”…

Không gì mạnh hơn thực tiễn. Nếu các “thực tiễn giáo dục” được tạo ra và có hiệu quả tôi nghĩ tác động xã hội của chúng rất lớn.

Từng là giáo viên, và nay đang nghiên cứu ở lĩnh vực giáo dục – lịch sử, anh có định viết thư hoặc bày tỏ nguyện vọng gì với tân Bộ trưởng Giáo dục?

Trách nhiệm của bộ trưởng sẽ nằm ở phía “vĩ mô” nhằm tạo ra, thúc đẩy cuộc cải cách từ trên xuống.

Giáo viên, những người làm giáo dục cần phải tận dụng các cơ hội, các điều kiện thuận lợi để cải cách từ dưới lên.

Nhiều người thường nghĩ giáo viên Việt Nam yếu kém về phương pháp dạy học nên chất lượng giáo dục thấp. Tôi thì không cho là như vậy.

Giáo viên Việt Nam thực ra rất giỏi về kĩ thuật dạy học và học rất nhanh. Chỉ có điều, việc tiếp cận với thông tin về giáo dục thế giới từ lý luận đến các thực tiễn khá hạn chế.

Điều này làm hạn chế cái nhìn rộng hơn những gì xảy ra xung quanh. Trong lối tư duy đó nhiều giáo viên sẽ “tự nhận” mình là “lính” trong khi gọi bộ trưởng là “tư lệnh”.

Nhưng tôi nghĩ giáo viên là người thầy-một người làm công việc đầy tính chủ động, tự chủ và sáng tạo thay vì máy móc thực hiện các mệnh lệnh hành chính của cấp trên.

Muốn cải thiện tư duy này trong khi công tác đào tạo giáo viên chưa có nhiều cải cách đáng kể, giáo viên cần phải tự cứu mình thông qua con đường tự học. Sự phổ cập internet và các phương tiện xuất bản khác là một điều kiện tốt để giáo viên tự tìm lấy đường đi.

Xin cảm ơn anh!

  • Hạ Anh (Thực hiện)