Tôi không biết ở nước ngoài thì thế nào, chứ ở Việt Nam thì đã lên lớp là phải có giáo án. Vì vậy, giáo án như một thứ gánh nặng đeo bám suốt cuộc đời của những người làm nghề dạy học.  

Giáo án - “cái cày” không thể quên

Nhiều lúc, các thầy cô thường mắng học trò là “đi học quên bút như đi cày quên trâu !” Thế nhưng, trò thì quên bút được, còn các thầy cô không thể có chuyện quên giáo án. Trong các cuộc họp hội đồng giáo viên, hiệu trưởng thường nhắc: “Giáo án của các đồng chí như cái cày của người nông dân …”. Đã bao năm nay, lên lớp là phải có giáo án. Người giáo viên gắn với công việc soạn bài.

{keywords}
Giáo viên đi dạy không thể thiếu giáo án

Trong Điều lệ trường Tiểu học 2010, giáo án là một trong những quy định bắt buộc về hồ sơ của giáo viên.

Hình ảnh thầy cô với trang giáo án bên ánh đèn khuya là một hình ảnh đẹp trong thơ văn, nó in sâu vào tâm trí học trò bao thế hệ ở nước ta. Các em học sinh viết  hình ảnh đó vào vở và coi đó là một nỗi vất vả mang tính mặc định của nghề giáo.

Thế nhưng các học trò đâu có hiểu hết cái cơ cực từ trang giáo án mà các thầy cô phải chịu đựng bao năm nay. Mỗi khi có việc đi đâu hay gia đình mắc công chuyện gì, các thầy cô đều phải thu xếp cho xong chuyện giáo án rồi mới tính tiếp việc của mình. Nếu có nhờ ai dạy hộ thì cũng phải gửi giáo án. Mỗi chiều cuối tuần, có đi đâu chơi vui bằng mấy cũng phải biết về mà lo giáo án cho tuần sau.

Có lẽ trong cuộc đời dạy học, chỉ có lúc vào việc cha già mẹ héo thì các thầy cô mới được miễn việc soạn bài vì đã mắc việc ấy thì chẳng ai nỡ long nào để giáo viên phải ngồi soạn giáo án.

Xưa chép mỏi tay, nay …cóp mỏi chuột

Trước đây, chưa có máy tính, giáo viên soạn bài bằng giấy bút. Mỗi tuần viết đẫy cả tập giấy. Để đoàn kiểm tra nhìn cho đẹp, nhiều nhà trường trích kinh phí ra in sổ giáo án cho giáo viên. Thế là mỗi năm học, giáo viên phải viết hết mấy quyển sổ dày nửa gang tay. Công sức không sao kể xiết.

Các thầy cô buộc phải tranh thủ vì lượng bài soạn rất nhiều. Giáo viên tiểu học dạy mỗi tuần 25 tiết (thời giáo án chép tay thì giáo viên tiểu học dạy toàn bộ các tiết của lớp mình) thì phải soạn 25 bài dạy. Giáo viên trung học thì ít tiết hơn nhưng mỗi bài dạy soạn dài gấp 2 - 3 lần tiết dạy của tiểu học nên cực không kém.

Thế là các thầy cô đi đâu cũng tranh thủ soạn bài. Đi họp cũng mang giáo án theo. Đi tập huấn cũng mang giáo án theo. Có lớp học tại chức cả lớp cắm cúi ghi chép, giảng viên trầm trồ vì các học viên chịu khó, xuống đến nơi, thấy toàn giáo án.

Từ ngày có công cụ soạn bài là máy tính, các thầy cô hoan hỉ vô cùng vì thời gian soạn bài giảm đáng kể. Trước đây phải ngồi 2 - 3 tối cho mỗi tuần giáo án thì nay chỉ còn 1 - 2 tối mà thôi. Có lúc bận việc, một tối ngồi thật khuya cũng xong giáo án cho cả tuần.

Trước đây viết tay thì nhìn quyển năm trước viết cho năm sau. Nay soạn trên máy thì nhìn vào sổ chương trình dạy của tuần, “cut” chỗ này “paste” sang chỗ khác nên nhanh hơn gấp nhiều lần là đúng. Một đằng viết tay từng dòng, một đằng cắt chuyển cả mảng để đặt đúng thời khóa biểu. Giảm được biết bao công sức, lại in ấn sạch đẹp, đóng quyển gọn gàng.

Như vậy. có thể nói ngày xưa chép giáo án mỏi tay thì bây giờ, giáo án … day mòn chuột.

{keywords}
Ảnh Đinh Quang Tuấn

Đa phần chỉ để đối phó

Từ xưa tới nay, giáo án của giáo viên năm này nối tiếp năm trước. Thực tế dạy học, chẳng mấy ai ngồi vừa nghiên cứu vừa soạn bài, vì nếu làm như vậy thì không ai có thời gian, không ai đủ công sức.

Thời chép tay, giáo viên đi đâu cũng có hai quyển giáo án để chép từ năm trước sang năm sau. Có một số giáo viên vừa ra trường, buổi tối ngồi soạn bài theo đúng nghĩa soạn bài (tức là suy nghĩa cách dạy và viết vào giáo án) thì mỗi tối soạn được 1 tiết. Tính ra với tiến độ đó, tuần dạy 20 tiết thì phải ngồi 20 tối. Thế là bỏ cuộc, mai cũng kiếm giáo án cũ chép sang. Mà đã soạn bài theo kiểu chép qua chép lại như vậy thì khi chép xong cũng chẳng mấy ai nhớ là mình đã soạn nội dung gì.

Thời nay, soạn bài trên máy tính nhanh hơn và cứ cắt chuyển như vậy nên giáo viên càng không thể nhớ những gì đã “cut” và “paste”. Chẳng hạn cô K. là giáo viên mới ra trường được phân công dạy Toán 6, thế là việc đầu tiên là cô K. phải xin bằng được bộ giáo án cũ Toán 6 của một giáo viên nào đó. Dễ hiểu vì cô K. không thể ngồi bàn phím mà “mổ cò” từng chữ một được.  

Nói tóm lại, hầu như các loại giáo án đều không có giá trị thực tiễn, nhưng vẫn phải làm. Bởi vì, giáo án là quy định bắt buộc và giáo viên soạn để đối phó với cấp trên. Giáo án cũng lại để cấp trên giữ thể diện với cấp trên nữa, và cấp trên nữa.

Đa số giáo án in ngày nay luôn “mới cứng” vì từ khi soạn ra đến khi đóng gói cho vào kho thì chỉ có mỗi hiệu trưởng hoặc hiệu phó mở ra kí duyệt.

Nhưng nếu không có giáo án thì sao? Nếu bị phát hiện lên lớp thiếu giáo án thì chắc chắn giáo viên đó sẽ bị lập biên bản chờ xử lí.

Được cái, mấy năm gần đây, hình như những người làm công tác quản lí giáo dục cũng hiểu rằng giáo án chỉ là cái không có không được nên họ cũng bớ gắt gao chuyện săm soi giáo án. Nhiều cán bộ xuống cơ sở kiểm tra cũng không thích xem giáo án mà chỉ khảo sát vào chất lượng lớp học.

Nói chung lại, chuyện giáo án bây giờ có vẻ “nhàm” rồi và chỉ để tốn giấy mực. Thế mà có địa phương vẫn bắt giáo viên soạn bài bằng viết tay. Thật lạ đời.

Chuyện giáo án và soạn bài có lẽ nói cả ngày không hết. Chỉ mong rằng Bộ Giáo dục nên miễn soạn bài cho những giáo viên đã dạy nhiều năm vì những thầy cô này chỉ cần nhìn vào sách là có thể dạy học được. Thời gian soạn bài của những giáo viên lâu năm mà được dành sang cho việc nghiên cứu tài liệu, truy cập thời sự để nâng cao hiểu biết chuyên môn và xã hội thì hay biết mấy.

Tùng Sơn