Đó là những nhóm nghiên cứu thuộc các lĩnh vực Vật liệu nano trong y sinh, môi trường và năng lượng, Hóa dược và Hoạt chất sinh học, Các hệ thống thông tin thông minh và Cảm biến nano, Quang tử và Quang điện tử, Vật lý năng lượng cao và Vũ trụ học, và Phân tích dữ liệu lưới trong Khoa học xã hội.

Tham gia các nhóm nghiên cứu là những nhà khoa học, nhà công nghệ có thành tích nghiên cứu tốt và có kinh nghiệm xây dựng nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước.

{keywords}
8 nhóm nghiên cứu mạnh ra mắt ngày 15/5. Ảnh: Tuấn Anh

8 trưởng nhóm nghiên cứu mạnh được lựa chọn lần này đều là những nhà khoa học với nhiều công bố quốc tế và giàu kinh nghiệm dẫn dắt các nhóm nghiên cứu thành công, như GS.TS. Phạm Thành Huy (Gương mặt Nhà khoa học trẻ tiêu biểu 1000 năm Thăng Long Hà Nội, năm 2010), GS.TS. Nguyễn Văn Hiếu (Giải thưởng Tạ Quang Bửu, năm 2016), PGS.TS. Phùng Văn Đồng (Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học trẻ, năm 2016), TS. Raja Das (JSPS Scholar - Nhật Bản, các năm 2018 và 2019).

Các trưởng nhóm nghiên cứu mạnh được lựa chọn hiện đang là giảng viên cơ hữu và là các trưởng nhóm nghiên cứu tại trường.

Đặc biệt, các nhóm nghiên cứu mạnh được phân ra làm 2 loại hình: nhóm nghiên cứu cơ bản và nhóm nghiên cứu ứng dụng.

Các tiêu chí đối với trưởng nhóm và các thành viên nghiên cứu chủ chốt thuộc mỗi loại hình cũng khác nhau.

Kết quả nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu mạnh cũng được yêu cầu cụ thể về số lượng và chất lượng công bố nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển dài hạn và phát huy tối đa năng lực của các giảng viên, nhà khoa học trong trường.

Trong đợt tuyển chọn năm 2019, có 7 trong tổng số 8 nhóm nghiên cứu mạnh được thành lập là nhóm nghiên cứu cơ bản, trong đó có 6 nhóm nghiên cứu về Khoa học tự nhiên và kỹ thuật, công nghệ và 1 nhóm nghiên cứu về Khoa học xã hội và nhân văn.

Nhóm nghiên cứu duy nhất trong lĩnh KHXH&NV này do TS. Vương Quân Hoàng – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học xã hội liên ngành (ISR) của Trường làm trưởng nhóm. TS. Vương Quân Hoàng được xem là một trong những nhà khoa học hiếm hoi của Việt Nam có nhiều công bố quốc tế về lĩnh vực Khoa học xã hội.

Nhóm nghiên cứu ứng dụng đầu tiên tại Trường ĐH PHENIKAA là nhóm nghiên cứu Quang điện tử và Quang tử của GS.TS. Phạm Thành Huy – người thường được giới khoa học nhắc tới nhiều trong việc xây dựng mô hình hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa trường đại học với doanh nghiệp (điển hình là các nghiên cứu ứng dụng thành công tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông).

Mục đích chính của việc phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh tại trường là nhằm tập hợp đội ngũ các nhà khoa học xuất sắc, hình thành những tập thể nghiên cứu mạnh có khả năng giải quyết các bài toán khoa học và công nghệ lớn, đi từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ.

Điều này một mặt giúp nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, mặt khác hỗ trợ tích cực hoạt động giảng dạy đại học và sau đại học, gắn kết chặt chẽ đào tạo và nghiên cứu khoa học, giúp người học tiếp cận với những vấn đề khoa học và công nghệ mới nhất trên thế giới và nâng cao khả năng hội nhập quốc tế của trường và của người học.

Yêu cầu cụ thể đối với nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản là mỗi năm phải công bố ít nhất 5 công trình khoa học là các bài báo trên các tạp chí hạng Q1 (theo tiêu chuẩn của SCImago Journal Rankings), hoặc 8 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế ISI/Scopus, trong đó có ít nhất 3 công trình hạng Q1. Mỗi công trình khoa học hạng Q1 có thể được thay thế bằng một sách chuyên khảo.

Đối với nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, trong vòng 3 năm phải chuyển giao được ít nhất 1 quy trình công nghệ cho các doanh nghiệp (với tổng kinh phí chuyển giao công nghệ trên 500 triệu đồng), hoặc đăng ký thành công 2 sáng chế/giải pháp hữu ích trong nước hoặc quốc tế.

Nhằm hỗ trợ tối đa cho hoạt động nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu mạnh sẽ được nhận tài trợ từ Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Tập đoàn PHENIKAA cho việc xây dựng các phòng thí nghiệm, mua trang thiết bị, tuyển dụng postdoc (nghiên cứu sau tiến sỹ), học bổng cho NCS tiến sỹ, thạc sỹ và sinh viên.

Mức kinh phí đầu tư cho trang thiết bị nói riêng của mỗi nhóm là 4 tỷ đồng cho 3 năm đầu và kinh phí không hạn chế đối với những nhóm nghiên cứu có mục tiêu phát triển công nghệ ứng dụng.

Các trưởng nhóm nghiên cứu mạnh được giao quyền chủ động tối đa trong việc phát triển hướng nghiên cứu và tuyển chọn nhân sự, nhưng phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của nhóm nghiên cứu.

Ngoài ra, hoạt động của các nhóm nghiên cứu mạnh sẽ gắn kết chặt chẽ với hoạt động đào tạo và nghiên cứu của các khoa, đặc biệt là 3 viện nghiên cứu về khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng - phát triển công nghệ, về vật liệu và công nghệ nano. 

Trường ĐH PHENIKAA  đóng tại quận Hà Đông (Hà Nội) tiền thân là một trường đại học thành lập năm 2007; sau đó trở thành thành viên của Tập đoàn PHENIKAA – một tập đoàn sản xuất công nghiệp lớn vào tháng 10/2017; và được đổi tên vào tháng 11/2018.

 

Sớm hoàn thiện chính sách về nhóm nghiên cứu mạnh

Một khảo sát từ 142/271 trường ĐH của ĐHQG Hà Nội cho thấy, trong các trường đã hình thành 945 nhóm nghiên cứu. Như vậy một trường ĐH có trung bình 7 nhóm nghiên cứu với độ tuổi tham gia đông nhất là 35 - 45, chiếm 59,2%. Nhiều nhóm nghiên cứu mới được hình thành từ năm 2017 trở lại đây. Điều này có thể lý giải bởi áp lực của yêu cầu về công bố quốc tế dành cho đội ngũ giảng viên và nghiên cứu sinh (NCS). 

Xây dựng cơ chế chính sách để phát triển các nhóm nghiên cứu là vấn đề "sống còn" của nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục ĐH hiện nay. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện chính sách phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh.

 

 Song Nguyên