- Câu hỏi là liệu khi làm chính sách giáo dục Bộ GD-ĐT đã có những nghiên cứu khoa học độc lập nhằm chứng minh tính hữu dụng của những đề xuất của mình hay chưa?

Từ yêu cầu công bố quốc tế

Khi bàn về quy định đào tạo tiến sỹ, Bộ GD-ĐT đưa ra phương án “muốn bảo vệ tiến sỹ, phải có công bố quốc tế”.

Lập luận của yêu cầu này là để nâng cao chất lượng tiến sỹ, hội nhập với thế giới, trước khi bảo vệ luận án tiến sỹ, nghiên cứu sinh phải có công trình khoa học, được phản biện và công bố quốc tế. 

Chưa bàn đến việc công bố trước hay sau bảo vệ tiến sỹ là hợp lý, trong toàn bộ nội dung hội nghị bàn về vấn đề này những người tham gia không đưa ra hay trích dẫn được bất kỳ nghiên cứu thực tế nào về đào tạo tiến sỹ và chất lượng, trong bối cảnh Việt nam đã có 24.000 tiến sỹ được công nhận trong hơn 20 năm qua.

Giả sử chúng ta chưa có nghiên cứu ở Việt nam, việc “vay mượn” nghiên cứu đã có ở một số nước khác làm so sánh đối chứng có lẽ cũng có thể dùng được trong trường hợp này, nhưng tiếc là cũng không thấy có ai đề cập đến một nghiên cứu khoa học cụ thể nào về vấn đề đào tạo tiến sỹ ở nước ngoài cả.

Nói cách khác, chúng ta đọc quy chế đào tạo tiến sỹ, học vị cao nhất trong học thuật nghiên cứu được cả thế giới công nhận, nhưng lại không thấy đâu những nghiên cứu khoa học để chứng minh việc công bố quốc tế trước khi bảo vệ là cần thiết, nhằm thuyết phục cả xã hội, rằng tất cả người học tiến sỹ là điều này là đúng và phù hợp với thực tiễn thế giới.

{keywords}
Đề xuất nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế cần phải có những nghiên cứu khoa học chứng minh tính thực tiễn của nó.

Đến đầu năm 2017, chủ đề về công bố quốc tế được chuyển sang chủ đề mới để bàn là ‘dự thảo quy định tiêu chuẩn giáo sư, phó gió sư tại Việt Nam.

Trả lời trên VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Đức (ĐH Quốc gia Hà nội), đây là dự thảo quy định ở mức “tối thiểu” nhằm “buộc” Việt Nam phải phát triển năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế, và theo ông Đức, “nhóm soạn thảo chắc cũng đã có thống kê dựa trên số liệu công nhận GS, PGS những năm gần đây và tiêu chí đó cũng mới nằm ở đỉnh phổ thống kê mà thôi”.

Trong toàn văn chia sẻ của GS. Đức về quy định công bố quốc tế và công nhận GS sửa đổi lần này, cá nhân tôi, hoàn toàn hiểu những nỗi khó khăn khi đưa ra đưa vào những quy định về nghiên cứu, công bố quốc tế cũng như mong muốn được nâng cao chất lượng nghiên cứu và công bố của Việt Nam trong giai đoạn “toàn cầu hóa” hiện nay.

Về việc công bố quốc tế, dù là ở cấp độ bảo vệ luận án tiến sỹ hay ở công nhận giáo sư, tôi mong có những khảo sát thực tiễn của Việt Nam, những nghiên cứu nghiêm túc của thế giới về nghiên cứu khoa học và công bố để minh chứng.

Nếu không có những nghiên cứu thuyết phục, các đề xuất công bố quốc tế đều sẽ không có cơ sở khoa học để thực hiện. Bởi chúng ta không biết thế nào là “công bố quốc tế”, chuẩn quốc tế có ứng dụng cao cho Việt Nam hay không? Năng lực nghiên cứu nội địa đã đủ đáp ứng hay chưa?...

Trong khi chúng ta đã phải đối mặt với thực tế sau của Việt Nam:

- Theo Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, chúng ta có chưa tới 40% tân giáo sư và phó giáo sư năm 2016 có công bố quốc tế. Dẫu vậy, những con số này chưa chỉ ra cụ thể là có bao nhiêu công bố quốc tế được thực hiện dưới hình thức “co-authors” (đồng tác giả) với các đối tác nghiên cứu nước ngoài.

- Thống kê từ các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm có ngân sách của nhà nước cho thấy, để có một bài báo quốc tế từ các đề tài này cần đầu tư 10 tỷ đồng (gần $48.000). Đây là con số khá đắt đỏ ngay cả chi phí đầu tư nghiên cứu khoa học cơ bản của Mỹ.

- Hạn chế ngoại ngữ, thiếu năng lực và kỹ năng làm nghiên cứu của nghiên cứu sinh cùng với năng lực hướng dẫn nghiên cứu của người hướng dẫn là ba nguyên nhân cơ bản (đã được chỉ ra) làm cho việc đào tạo tiến sỹ của Việt nam rất “thấp”, và không đi cùng với bất kỳ chuẩn nào của khu vực hay thế giới.

Tại sao phải cải cách?

Tôi cũng muốn chia sẻ một số thực tiễn của Mỹ trong khi học và làm nghiên cứu sinh chuyên ngành quốc tế giáo dục, để chúng ta có thêm thông tin tham khảo:

- Ở Mỹ, giáo sư phải thực hiện tối thiểu 3 nhóm công việc: Giảng dạy – hướng dẫn nghiên cứu và các hoạt động công tác phát triển cộng đồng học thuật.

Tùy theo từng định hướng của trường, sẽ có giáo sư dạy nhiều hơn, nhưng sẽ có trường yêu cầu làm nghiên cứu và công bố nhiều hơn (Northwestern University và hầu hết các trường nghiên cứu Top 60 của Mỹ).

Nghiên cứu của Brookings và Northwestern đã chỉ ra, có thể giáo sư dạy rất tốt, nhưng nghiên cứu lại dở hoặc ngược lại, và điều này không chỉ phụ thuộc vào giáo sư, mà còn phụ thuộc vào ngân sách nghiên cứu, môi trường nghiên cứu và năng lực nghiên cứu.

- Khi chúng ta không có quy định cụ thể về công bố quốc tế là thế nào, sẽ rất dễ gây ra nhiều “lộn xộn” sau này. Lấy ví dụ như ở Mỹ, giáo sư trong lĩnh vực giáo dục không cần có công bố quốc tế, mà tự bản thân giáo sư, muốn có uy tín trong chuyên ngành hoặc liên ngành tại Mỹ, họ phải có nghiên cứu, phải lấy được funding (tài trợ nghiên cứu), giảng dạy và có dự án hợp tác quốc tế thì mới có uy tín trong lĩnh vực mình nghiên cứu hoặc giảng dạy.

Hơn thế nữa, cũng cần nói thêm là trong mảng nghiên cứu khoa học xã hội, Mỹ công nhận rất nhiều phương pháp nghiên cứu xã hội mà hiện ở Việt nam chưa phổ biến. Vậy, sẽ có chuyện xảy ra là nghiên cứu theo phương pháp nước ngoài công nhận mà về Việt Nam lại không được công nhận do chưa có dạy phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội này ở Việt Nam.

Đây là thực tế tôi đã gặp vào tháng 12/2016, khi trao đổi với một cán bộ của một đại học Việt Nam, về nghiên cứu đánh giá đại học STEM của Việt Nam do VEF thực hiện cùng các giáo sư Mỹ, qua phương pháp phỏng vấn và khảo sát trực tiếp giảng viên và học sinh, tiếc là, theo quan điểm của cán bộ này, phương pháp nghiên cứu như vậy không được đánh giá cao.

Từ những thực tế trên, tôi thiết nghĩ quy định nào cũng sẽ chỉ là quy định “chết”, dù ở Anh, Mỹ hay Việt Nam, nếu chúng ta không có được những người đam mê nghiên cứu thực sự, không tạo dựng được môi trường khuyến khích nghiên cứu vì lợi ích của đất nước.

Quay trở lại với công bố quốc tế ở Việt Nam cho đào tạo tiến sỹ hay công nhận giáo sư, theo tôi, trước khi quyết định theo đường hướng nào, hãy làm nghiên cứu! Hãy chứng minh được qua nghiên cứu thực tiễn của Việt Nam và dẫn chứng từ thế giới về năng lực của các giáo sư hiện tại đủ tốt để hướng dẫn nghiên cứu sinh làm nghiên cứu và công bố quốc tế.

Nhìn lại cả năm 2016 vừa qua, cứ vài tháng tôi lại thấy những đề xuất hay dự án cải cách giáo dục làm dậy sóng dư luận và gây rất nhiều tranh luận cho học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhà trường, trong khi những dẫn chứng cơ sở khoa học nghiên cứu cho các đề xuất này lại hoàn toàn thiếu vắng hoặc không được công bố rộng rãi trên phương tiện truyền thông và website của Bộ GD-ĐT.

Ở Mỹ, trong quá trình phát triển và thực hiện chính sách về giáo dục, hầu hết các đề xuất đề án và chính sách phải dựa trên nền tảng của nghiên cứu khoa học độc lập mà thường được gọi là “cơ sở khoa học nghiên cứu” (research – based evidence hay evidence-base), do nhiều trường đại học hay viện nghiên cứu độc lập thực hiện và tham gia phản biện.

Mặc dù Mỹ có hơn 5.000 trường đại học được kiểm định, chỉ có khoảng 200 trường có hoạt động nghiên cứu nghiêm túc và những giáo sư hàng đầu trong từng ngành/lĩnh vực cụ thể. Tên tuổi của các trường như Harvard, Stanford, Yale, University of Colorado, hay Michigan State University khá nổi tiếng không chỉ vì lịch sử của họ, mà vì những dự án nghiên cứu về chính sách hay phản biện chính sách giáo dục do Chính phủ hoặc Quốc hội đặt hàng.

Vậy, câu hỏi là liệu khi làm chính sách giáo dục, dù là dưới hình thức văn bản quy phạm hay đề án cải cách hàng năm, Bộ GD-ĐT đã có những nghiên cứu khoa học độc lập nhằm chứng minh tính hữu dụng của những đề xuất cải cách của mình hay chưa?

TS Nguyễn Thị Lan Hương