Hội thảo quốc tế “Giảng dạy ngoại ngữ ở các nước ASEAN” diễn ra ngày 22/9 tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội đã thu hút sự tham gia của nhiều giảng viên, chuyên gia ngôn ngữ trong và ngoài nước.

Tại đây, 16 bản báo cáo tham luận đã được trình bày. Các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi về các chủ đề: hiện trạng giảng dạy ngoại ngữ ở một số nước ASEAN, chính sách giáo dục đa ngoại ngữ của các nước trên thế giới, kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh, chính sách giáo dục ngoại ngữ ở các nước ASEAN…

Trình bày báo cáo của mình, TS. Aye Aye Mu tới từ ĐH Kinh tế Yangon, Myanmar nhấn mạnh thực tiễn giảng dạy tiếng Anh hiện nay ở Myanmar đặt trong bối cảnh của ASEAN.

{keywords}

TS. Aye Aye Mu tới từ ĐH Kinh tế Yangon, Myanmar trình bày báo cáo về hiện trạng giảng dạy ngoại ngữ ở ASEAN

Bà cho biết, hiện tại, Khoa Ngôn ngữ Anh trong các trường đại học, cao đẳng của nước này cung cấp rất nhiều chương trình cử nhân, sau đại học chuyên sâu trong từng lĩnh vực: tiếng Anh học thuật, tiếng Anh du lịch, tiếng Anh báo chí, tiếng Anh công nghệ hàng hải, tiếng Anh kỹ thuật, tiếng Anh y học...

Để đáp ứng nhu cầu cải thiện cơ sở vật chất, các phòng luyện nghe được thành lập ở các Khoa Ngôn ngữ Anh và đi vào hoạt động từ tháng 5/2000. Những phòng luyện nghe này giúp ích rất nhiều cho việc giảng dạy kỹ năng nghe, nói tiếng Anh, đồng thời nó cũng vô cùng hấp dẫn các sinh viên Myanmar để phục vụ cho nhu cầu đi du học của các em.

Mỗi tuần, sinh viên đại học, cao đẳng của Myanmar có 5 tiết học tiếng Anh, trong đó 2 tiết lý thuyết, 2 tiết thực hành và 1 tiết ở phòng nghe. Mỗi tiết học kéo dài 50 phút và có 16 tuần trong mỗi học kỳ.

Từ năm 2012, Bộ Giáo dục nước này sửa đổi và thay thế toàn bộ sách giáo khoa tiếng Anh từ cấp mầm non tới sau đại học. Bà Aye Aye Mu cho rằng, chất lượng của những cuốn sách này có liên quan rất nhiều tới chất lượng giáo dục.

“Cùng với Trung tâm Ngôn ngữ Anh quốc gia, đội ngũ giảng viên lâu năm của Khoa Ngôn ngữ Anh, ĐH Yangon hiện đang cung cấp một loạt các khóa học về ngôn ngữ Anh, văn học Anh cho các giáo viên trẻ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như cập nhật những xu hướng mới nhất trong giảng dạy tiếng Anh”.

Nữ tiến sĩ cho biết, trước kia, cách dạy và học tiếng Anh ở Myanmar là học vẹt, nhồi nhét, học thuộc lòng, khiến học sinh coi việc học tiếng Anh đơn thuần chỉ là nhớ từ mới, cấu trúc câu. Kết quả là thứ tiếng Anh mà họ sử dụng không phải là một phương tiện giao tiếp giống như người bản xứ.

Nhưng sau khi sách giáo khoa cũng như thiết kế bài giảng được sửa đổi vào năm 2012, việc học tiếng Anh được chuyển hướng sang lấy học sinh làm trung tâm, áp dụng phương pháp học tương tác để phát triển đồng đều các kỹ năng.

Tuy vậy, việc giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường của Myanmar vẫn còn tồn tại những vấn đề và thách thức: học trực tuyến, chất lượng thấp của một số lượng lớn cử nhân tiếng Anh – sản phẩm từ phương pháp giảng dạy cũ, số lượng phòng nghe chưa tương xứng với số lượng sinh viên...

{keywords}

TS. Nguyễn Thị Thủy Minh – ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore

Với bản báo cáo về giáo dục ngoại ngữ ở Philippines, TS. Eunice M.Aclan – ĐH Adventist của Philippines cho biết, cùng với tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ được học nhiều nhất ở nước này với 3.531 học sinh ở 83 trường. Tiếng Nhật và tiếng Trung là hai ngoại ngữ lần lượt đứng sau với 3.020 học sinh và 2.280 học sinh.

Theo Bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ mới nhất (EF EPI), Philippines đứng ở vị trí thứ 13 trên tổng số 72 quốc gia. Con số này có liên quan nhiều tới yếu tố lịch sử của Philippines khi nó từng là thuộc địa của Mỹ và tiếng Anh được người dân chấp nhận từ cuối thế kỷ 20.

Đề xuất nên đưa thêm ngoại ngữ tự chọn vào trường học

TS. Trần Nguyễn Nguyên Hân, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trình bày báo cáo về chính sách giáo dục đa ngoại ngữ của một số nước tiên tiến trên thế giới, qua đó phản ánh tình hình giáo dục đa ngoại ngữ ở Việt Nam và đề xuất phương hướng cải tiến chính sách giáo dục đa ngoại ngữ của nước ta và cộng đồng ASEAN.

TS. Hân đưa ra một số dữ liệu: Trong 25 quốc gia Liên minh châu Âu và 5 nước thành viên, ngoại trừ Ailen, tiếng Anh là môn học bắt buộc ngay từ bậc tiểu học. Lứa tuổi bắt buộc học ngoại ngữ là từ 6-8 tuổi. Ở hầu hết các quốc gia châu Âu, hơn một nửa học sinh bậc trung học cơ sở đang học 2 ngoại ngữ và một số ít học 3 ngoại ngữ đến khi hết bậc học này.

Ngoài tiếng Anh, ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trong trường học những nước này là tiếng Pháp và tiếng Đức. Đây cũng là 2 ngôn ngữ được học nhiều nhất ngoài tiếng Anh.

Ở Nhật Bản, theo Điều lệ hướng dẫn học tập trường THCS và PTTH năm 1989, “ngoại ngữ bao gồm tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp hay một ngoại ngữ khác phải được tiến hành từ năm thứ nhất”. Trên tinh thần đó, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp trở thành môn học tự chọn trong trường.

Ở Trung Quốc, học sinh được quyền chọn học đồng thời 2 ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tuy nhiên đa số học sinh đều chọn ngoại ngữ 1 là tiếng Anh.

Ở Mỹ, theo nghiên cứu khảo sát của Branaman, Rhodes & Holmes (1999), trong 1.425 trường học, có 22 ngôn ngữ (bao gồm ngôn ngữ ký hiệu) được giảng dạy ở nhiều cấp học, trong đó có 5 ngoại ngữ được ưu tiên là tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Latin và tiếng Nhật. Cũng theo khảo sát này, trẻ em Mỹ học ngoại ngữ từ cấp mẫu giáo.

Ở Canada, ngoài tiếng Anh được sử dụng nhiều nhất, tiếng Pháp trở thành ngoại ngữ 2 trong các trường tiểu học và THCS. Ở cấp tiểu học và THCS, tiếng Pháp là môn học bắt buộc, lên cấp THPT, tiếng Pháp là môn học tự chọn.

{keywords}

"Chúng ta nên tăng cường dạy ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, Trung, Đức, Hàn… ngay từ bậc tiểu học và THCS để học sinh có nhiều lựa chọn khác nhau” – TS. Hân đề xuất

“Liên minh châu Âu hiện nay đang sử dụng 20 ngôn ngữ. Chính điều này tạo nên sự đa dạng của văn hóa ngôn ngữ. Hiện nay, ở nước ta, tiếng Anh vẫn đứng vị trí tiên phong. Để đáp ứng với sự phát triển của xã hội đa văn hóa và nền kinh tế toàn cầu, chúng ta nên tăng cường dạy ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, Trung, Đức, Hàn… ngay từ bậc tiểu học và THCS để học sinh có nhiều lựa chọn khác nhau” – TS. Trần Nguyễn Nguyên Hân đề xuất.

Giảng viên tự đổi mới và phát triển: Bằng cách nào?

PGS. Nguyễn Thị Hằng Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội đã có một báo cáo về chủ đề này.

Bà cho biết, nội dung trong báo cáo là kết quả của rất nhiều nghiên cứu trường hợp, nghiên cứu hành động được thực hiện trong các lớp học mà bà và các đồng nghiệp đã giảng dạy với nhiều đối tượng chuyên, không chuyên, đa dạng về tuổi tác, chuyên môn.

Bà khẳng định những phương cách này đã có hiệu quả mặc dù sự tiến bộ là rất khiêm tốn. “Chúng tôi giải quyết vấn đề theo hướng xuyên ngành, có sự góp sức của tâm lý học, ngôn ngữ học, khoa học giáo dục, khoa học nhận thức, phương pháp giảng dạy. Chúng tôi tiến bộ trong công việc của mình theo 3 bước: nhận thức tầm quan trọng của việc tự học, bắt tay vào tự học để đổi mới, chia sẻ kinh nghiệm thực tế với các đồng nghiệp”.

Một số phương cách mà PGS. Nguyễn Thị Hằng Nga đưa ra gồm có: Thái độ “more from less” - chấp nhận thực tế khách quan với những điều hài lòng và không hài lòng, từ đó tối ưu hóa hoàn cảnh của bản thân; Nghiên cứu tại chỗ - nghiên cứu lớp học của mình, học sinh của mình, môn học của mình; Nghiên cứu nhỏ: đặt ra những mục tiêu nhỏ để dễ thuyết phục bản thân hơn, mục tiêu lớn dần trong quá trình; Nghiên cứu liên ngành - nghiên cứu các ngành học khác để tìm ra giải pháp cho ngành của mình.

Nguyễn Thảo