Hai bài trả lời phỏng vấn Vietnamnet của GS Trần Ngọc Thêm đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của độc giả. Theo dõi và tiếp nhận phản hồi, GS Trần Ngọc Thêm đã gửi tới VietNamNet bài viết trao đổi lại xung quanh những ý kiến bình luận về cần cù, hiếu học và triết lý giáo dục.

{keywords}
GS Trần Ngọc Thêm (Ảnh Vietnam Documentary Photography)

Về phương pháp định tính và định lượng

Ý kiến bình luận cuối cùng nói đến “sai lầm chết người” của nghiên cứu khoa hoc định tính là tính thiếu khách quan.

Trong cuốn sách “Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai” (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2016), tôi đã dành 12 trang bàn về phương pháp nghiên cứu, trong đó có nói về những hạn chế của phương pháp định lượng mà hiện nay nhiều người sùng bái, nhất là khi áp dụng cho những nền văn hóa lấy tình cảm, khôn khéo làm đầu như Việt Nam.

Ở Việt Nam, việc này nghiêm trọng đến mức ở Quốc hội từng đã đưa ra thảo luận về sự sai lệch lớn giữa các con số của các bộ ngành/ địa phương với của Tổng cục Thống kê, giữa các con số của Tổng cục Thống kê với của các tổ chức quốc tế độc lập.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ năm 1936, học giả Pháp Pierre Gourou đã phải tự mình đi đến một số làng để thẩm tra về độ tin cậy trong số liệu cuộc điều tra dân số ở Bắc Kỳ năm 1931, để rồi ông kết luận rằng cuộc điều tra đã “đưa ra những con số rõ ràng là thấp hơn thực tế các làng từ 5 đến 15%” vì một sai lầm có hệ thống là dân chúng ở các làng đã qua mặt nhà cầm quyền để “coi tất cả những người vắng mặt mà vẫn tiếp tục đóng thuế cho làng là họ có mặt” (Pierre Gourou. Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ. – Tp.HCM.: Hội KHLSVN, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp & NXB Trẻ, tr. 131-134).

Do vậy, phương pháp định lượng chỉ nên xem là một kênh thông tin hỗ trợ cho phương pháp định tính, mà phương pháp định tính phải được kiểm tra bằng tính hệ thống, tính lôgic của các lập luận (nếu hiểu một cách thô thiển rằng định tính là muốn nói gì cũng được thì sẽ chẳng thể nào có được khoa học triết học!). Theo tinh thần đó, trong bài trả lời này tôi sẽ cố gắng kết hợp chặt hơn định tính với định lượng.

Trước hết, hai bài trả lời phỏng vấn của tôi đã nhận được tổng cộng là 249 bình luận trong 3-4 ngày. Đó là một con số không hề nhỏ mà tôi (và tòa soạn vietnamnet) rất xúc động về sự quan tâm của bạn đọc. Trong đó, một cái nhìn lướt qua cũng cho thấy số lượng các ý kiến ủng hộ là áp đảo.

Tất nhiên, số lượng chỉ là một phần, bởi chân lý có khi thuộc về một người chứ không phải số đông. Số lượng và chất lượng các luồng ý kiến bình luận này có thể cho thấy phần nào sự thay đổi nhận thức và đòi hỏi của xã hội qua công chúng bạn đọc Việt Nam. Tôi xin có lời cảm ơn tất cả, và trong bài này xin trao đổi thêm về một số ý kiến phản bác, thảo luận, đề xuất.

Về một số hiểu lầm trong giới hạn không gian và thời gian

Có một hai ý kiến cho rằng tôi “vơ đũa cả nắm”. Đây là một sự hiểu lầm. Khi nói đến một đặc điểm chung nào đó của một cộng đồng thì đặc điểm đó hiển nhiên phải mang tính xác suất thống kê, nó chỉ có thể đúng cho phần lớn chứ không bao giờ có thể đúng cho toàn bộ các thành viên. Do đó cách xử sự lập tức so sánh với bản thân mình rồi kết luận rằng nhận định kia “vơ đũa cả nắm” là một sai lầm về mặt phương pháp.

Ý kiến cho rằng quan điểm của tôi đúng nhưng chỉ đúng trong giai đoạn hiện nay thôi, cha ông ta xưa đâu có thế, thì quá đúng.

Ngay trong bài trả lời (ở mục “Giáo dục nhìn từ văn hóa”), tôi đã khẳng định rất rõ rằng “Mỗi giai đoạn lịch sử của một xã hội đều tạo ra một nền giáo dục đáp ứng những yêu cầu lịch sử của mình. Nền giáo dục truyền thống của Việt Nam đã từng phục vụ tốt cho nhu cầu của xã hội Việt Nam truyền thống”.

Thật là thiếu khách quan khi có ai đó chụp mũ rằng tôi đã “ngồi xổm” lên các giá trị chân chính của dân tộc. Trong bảng “Hệ giá trị Việt Nam truyền thống cốt lõi” (ở bài thứ hai), tôi đã xác định (bằng cả phương pháp định tính và định lượng) 23 giá trị (từ “Tinh thần tập thể”, “Lòng biết ơn” cho đến “Lòng yêu nước”, “Lòng nhân ái”), còn trong sách “Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai” thì các giá trị truyền thống được phân tích kỹ trong cả một chương dài 147 trang.

Một ý kiến khác nói rằng nếu dân tộc Việt Nam có nhiều điểm yếu mang tính cốt lõi như vậy thì đã trở thành một quận huyện của ngoại bang từ lâu rồi, lại càng đúng nữa. Ở mục “Kết quả và hậu quả của "con ngoan trò giỏi"”, tôi đã kết luận: “Tóm lại, triết lý “con ngoan trò giỏi” đã giúp cho Việt Nam trong một thời gian dài có một nền văn hóa cực kỳ ổn định mà không một cuộc xâm lăng nào có thể phá đổ. Nền giáo dục theo triết lý “con ngoan trò giỏi” đã thực hiện được sứ mệnh xây dựng văn hóa bảo tồn đất nước, chống ngoại xâm”.

Mới thấy, nếu một số bạn chịu khó đọc kỹ hơn một chút, thì câu chuyện đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Xem phần 2:


GS Trần Ngọc Thêm