Trong kí ức của cháu và học trò, giáo sư Trần Đức Thảo là người rất đơn giản, khiêm tốn, đã hi sinh cả cuộc đời cho tư tưởng và suy nghĩ của mình.

“Chú tôi là đơn giản, khiêm tốn và luôn suy nghĩ”

Bác sĩ Trần Đức Tùng, cháu ruột của giáo sư Trần Đức Thảo không khỏi bồi hồi chia sẻ về ông.

“Tôi được gặp chú vào năm 1987 khi ông vào Sài Gòn sống cùng. Chú tôi là người rất đơn giản, khiêm tốn và đã hi sinh cả cuộc đời cho tư tưởng và suy nghĩ của mình. Có thể nói chú tôi, ăn cũng suy nghĩ, ngủ cũng suy nghĩ, đi đâu cũng suy nghĩ về triết học. Chính sự suy nghĩ đó của chú đã đưa lại kết quả tuyệt vời”- ông Tùng kể.

{keywords}
Ông Trần Đức Tùng. Ảnh: Lê Huyền

Ông Tùng cho biết, giáo sư Trần Đức Thảo sống một mình, nhưng luôn đòi hỏi có hai cái giường, một cái ông để ngủ, còn một cái ông để sách. Dù “tôi đã mua cho ông ba cái tủ để sách nhưng cũng không đủ”.

Trong kí ức của ông Tùng, chú Trần Đức Thảo, “không có vợ con nên sống một mình, mọi thứ ông đều tự làm như đi chợ, nấu ăn. Khi vào Sài Gòn, ông nấu bếp bằng nồi cơm điện nhưng thường bị cháy do bỏ quên. “Tôi thường phải mua cái mới vì ông hay bỏ quên và bị cháy. Nhưng chính điều này đã làm tôi rất nhớ, quý và thương chú Thảo của mình”.

Trong những năm cuối đời, giáo sư Thảo nhận được sự hỗ trợ của bạn bè ở Pháp. Những người này đã lập ra hội những người bạn của Trần Đức Thảo để giúp đỡ ông, “nhưng cuộc sống cô độc đã làm cho sức khoẻ của chú không được tốt, chú bị bệnh và mất trong bệnh tật”.

Còn trong mắt học trò cũ của giáo sư Trần Đức Thảo là nhà giáo nhân dân Trần Văn Chút, nay đã 84 tuổi được học giáo sư Thảo tại Đại học Văn khoa Hà Nội 1954-1957, thầy Thảo là nhà yêu nước, nhà đạo đức, nhà giáo dục trước khi là nhà triết học.

“Có thể thấy trăm nhà trong thầy của chúng tôi. Ở phương diện nào, thầy cũng phải đối mặt với sự quay lưng và chịu khổ nạn trên mọi nẻo đường. Bởi vậy trên mọi sự kính trọng, ngưỡng mộ, chúng tôi thương nhớ thầy” – NGND Trần Văn Chút cho biết, hàng năm những học trò tại TP.HCM vẫn làm giỗ cho thầy vì ông “không vợ con, lại xa quê họ tổ”.

Giáo sư Trần Đức Thảo đã để lại hàng ngàn trang sách và cũng có hàng ngàn lời xưng tụng thầy. Còn với thầy Chút, “ở cái bể học của thầy, chúng tôi múc nước bằng hai bàn tay”- ông Chút bộc bạch.

Thầy Chút mong rằng, kinh sách của giáo sư Thảo để lại quá rộng lớn, thâm sâu, khó lĩnh hội cho cùng. Vì vậy “mong muốn trong những tảng kinh của thầy, những môn đệ tài năng của thầy hãy viết những bài “kệ” để giảng giải những nghĩa lý về tinh thần yêu nước, đạo làm thầy, đạo làm người. Để thầy Thảo của chúng tôi sống mãi với chúng ta”.

Còn giáo sư Trần Đức Thảo trong mắt cựu sinh viên Trường sư phạm cao cấp phố Ulm, Thierry Marchaisse, được kể lại bằng cuộc gặp gỡ năm 1992, không lâu sau giáo sư qua đời.

“Hai ngày sau xuất hiện ở văn phòng của tôi là một người có dáng nhỏ bé gầy gò đến sợ, rụng răng cửa, một nụ cười mãi mãi khựng lại ở môi. Ông trịnh trọng chào tôi như một vĩ nhân vĩ đại. Ngay tức khắc tôi cũng phải cúi đầu và tìm lời lẽ tôn kính để cố gắng đáp lại cho cân xứng với sự tôn trọng dành cho mình. Thật rầy rà vô ích. Trong suốt buổi nói chuyện, nhìn vẻ bề ngoài, tôi như một cụ già 75 còn ông ấy chỉ là một đứa trẻ”.

{keywords}
Buổi toạ đàm giới thiệu sách ngày 7/1. Ảnh: Lê Huyền

Ông Thierry Marchaisse kể rằng ở cuộc gặp này giáo sư Trần Đức Thảo mong muốn được tái bản những cuốn sách của ông, bởi ông không muốn lệ thuộc vào bạn bè. “Ở tuổi của tôi và bệnh hoạn như tôi, tôi không hề ảo tưởng gì về mình. Nhưng tôi còn sống ngày nào, tôi sẽ không muốn lệ thuộc vào số ít những người bạn của tôi”- Thierry Marchaisse kể.

Chính việc không đồng ý của Thierry Marchaisse đã khiến ông hối hận mà mong muốn “những người bạn của Trần Đức Thảo sẽ tha thứ cho sự kiếm nhã của tôi, vì Trần Đức Thảo không còn có thể cải chính nữa”.

“Hành trình Trần Đức Thảo”

Hành trình của Trần Đức Thảo: Hiện tượng học và chuyển giao văn hóa” là cuốn sách toàn diện nhất về giáo sư Trần Đức Thảo, do các dịch giả Bùi Văn Nam Sơn (chủ trì dịch, hiệu đính và giới thiệu) Đinh Hồng Phúc, Phạm Anh Tuấn, Phạm Văn Quang, tổ chức dịch và xuất bản từ nguyên bản tiếng Pháp tác phẩm "L’itinéraire de Tran Duc Thao. Phénoménologie et transferts culturels" do giáo sư Jocelyn Benoist và giáo sư Michel Espagne chủ biên.

Cuốn sách có hai phần chính. Phần thứ nhất tuyển chọn các bài nghiên cứu của các học giả quốc tế về triết gia Trần Đức Thảo. Đây là kết quả của cuộc hội thảo khoa học quốc tế về triết gia Trần Đức Thảo trong hai ngày 22-23/6/2012 tại Trường Sư phạm Cao cấp phố Ulm (Paris) - ngôi trường lừng danh của nước Pháp và cũng là nơi đào tạo Trần Đức Thảo vào đầu những năm 40 của thế kỷ 20.

Phần thứ hai là tác phẩm quan trọng nhất, nổi tiếng nhất của giáo sư Trần Đức Thảo đã được xuất bản lần đầu tiên tại Pháp năm 1951 "Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng."

Giáo sư Triết học tại Đại học Paris 1 Jocelyn Benoist, một trong hai người điều phối cuộc hội thảo, tập hợp, chọn lọc và bổ sung các tham luận cho phần thứ nhất của sách, đã đánh giá về tác phẩm trên của giáo sư Trần Đức Thảo: “Trong ít nhất 30 năm, hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng của Trần Đức Thảo đã đóng vai trò giới thiệu tư tưởng của Husserl vào Pháp. Những nhân vật lỗi lạc nhất đã tìm thấy nhiều cảm hứng ở tác phẩm này và có thể hiểu được là những nét tiêu biểu lâu dài nào đó trong sự lí giải của người Pháp là nhờ những lựa chọn thông diễn học của Trần Đức Thảo.”

Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, người chủ trì dịch, hiệu đính và giới thiệu dịch phẩm "Hành trình của Trần Đức Thảo, hiện tượng học và chuyển giao văn hoá” chia sẻ “Giáo sư Trần Đức Thảo sẽ cho chúng ta tất cả cảm xúc thương cảm, lo âu, ân hận, hoặc một cảm xúc muốn tôn vinh tài năng đặc biệt của đất nước. Sẽ có người tiếc nuối cho tài năng của Trần Đức Thảo, hoặc chê trách giáo sư không có đóng góp đặc sắc cho triết học, không xây dựng được trường phái như người đương thời. Thậm chí nhiều người sẽ đặt câu hỏi giá như giáo sư Trần Đức Thảo còn ở lại Pháp và có điều kiện nghiên cứu hơn. Vì vậy người ta nhìn Trần Đức Thảo như một giai đoạn của hiện tượng học, đặt Trần Đức Thảo với các triết gia đương thời. Khi đặt như vậy sẽ thấy chân dung Trần Đức Thảo”.

Lê Huyền