"Đừng bao giờ làm theo những gì người khác vạch sẵn. Đôi khi, chính ý tưởng sáng tạo cá nhân, trí tò mò giúp bạn trở thành nhà khoa học thành công", GS Kurt Wüthrich nói.

Chiều 6/7, tại Quy Nhơn (Bình Định), GS đoạt giải Nobel Hóa học năm 2002 Kurt Wuthrich trò chuyện với hàng trăm học sinh, sinh viên với chủ đề: “Cuộc đời khoa học của tôi - Từ Vật lý cộng hưởng từ hạt nhân đến protein và chẩn đoán y học”.

Lần đầu đến Việt Nam, chủ nhân giải Nobel Hóa học năm 2002 tỏ ra phấn chấn, hy vọng mang đến tình yêu đam mê khoa học cho giới trẻ.

Lật giở từng trang ký ức, vị giáo sư cho hay, thoạt đầu, ông mày mò nghiên cứu lĩnh vực khoa học tự nhiên. Trải qua bao gian khó, ông lần lượt tốt nghiệp đại học ở các ngành hóa học, vật lý, toán học...

"Những phản ứng của cơ thể đối với sự căng thẳng trong các cuộc thi đấu thể thao đã đánh thức sự tò mò trong tôi. Tình cờ, tôi phát hiện thú vị hiện tượng vật lý của sự cộng hưởng từ hạt nhân có thể giúp trả lời nhiều câu hỏi. Khó có thể phỏng đoán được ai sẽ đoạt giải thưởng Nobel, bởi lẽ khoa học luôn vận động không ngừng", ông nói.

{keywords}

GS Trần Thanh Vân (phải) - người sáng lập Hội Gặp gỡ Việt Nam trao đổi cùng với các nhà khoa học quốc tế đến Bình Định ngày 6/7. Ảnh: T.Hien.

Theo vị giáo sư đoạt giải Nobel, thành công giữa thể thao và khoa học dường như là sự đối lập. Khi kiểm tra trình độ thể thao của người nào đó, bạn chỉ cần yêu cầu họ làm động tác, hoặc căn cứ huy chương hay kỷ lục đạt được. Ngược lại, với khoa học, cảm thấy thật sự yêu thích, đam mê tột cùng mới có cơ may thành công.

“Nếu không yêu thích, không ham mê nghiên cứu khoa học, tôi không có được thành công hôm nay”, ông thổ lộ.

GS Wüthrich cho rằng, ông từng bị đuổi khỏi trường học. Từ câu chuyện quá khứ của mình, ông đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ là đừng bao giờ làm theo những gì người khác vạch sẵn. Đôi khi, chính những ý tưởng sáng tạo cá nhân, trí tò mò trở thành nhân tố quan trọng giúp bạn thành nhà khoa học thành công.

Kết thúc buổi giao lưu, vị giáo sư chia sẻ kinh nghiệm, khi quyết làm khoa học thì hãy vì niềm vui, nếu không các bạn sẽ buồn nhiều lắm, bởi khoa học luôn có những thất bại.

Nhân dịp đến Việt Nam lần này, ông hy vọng "truyền lửa", tạo động lực giúp các bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học cơ bản, tâm huyết dồn sức đầu tư vào khoa học cơ bản.

Tại Hội nghị “Khoa học cơ bản và xã hội” ngày 7 và 8/7, ông cho hay sẽ kiến nghị với Chính phủ Việt Nam quan tâm đầu tư cho những bạn trẻ đam mê khoa học, chọn những người thật sự giỏi để đầu tư trong thời gian tới.

Theo Minh Hoàng (Zing)

Sáng 6/7, 2 nhà khoa học đoạt giải Nobel là: giáo sư Kurt Wüthrich (nhà Hóa học, Vật lí, Toán học người Thụy Sĩ) và giáo sư Jerome Isaac Friedman (nhà Vật lí người Mỹ) đã tới Việt Nam.

{keywords}

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu tặng hoa tiếp đón giáo sư Jerome Isaac Friedman ngay khi ông vừa xuống sân bay.

2 nhà khoa học đoạt giải Nobel đến Bình Định dịp này để tham dự Hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” - hội nghị quan trọng nhất của chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần XII năm 2016 diễn ra tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành.

Giáo sư Kurt Wüthrich đoạt giải Nobel Hóa học năm 2002 cùng các giáo sư Tanaka Koichi và John B.Fenn cho công trình nghiên cứu dùng phổ cộng hưởng từ để xác định cấu trúc ba chiều của các đại phân tử sinh học trong dung dịch. Hiện ông đang đảm nhiệm các chương trình và dự án nghiên cứu tại phòng thí nghiệm ở ETH Zurich và Viện Nghiên cứu Scripps tại La Jolla, California; là thành viên của ban Cố vấn Lễ hội Khoa học và Công nghệ Mỹ và là thành viên nước ngoài của Hội Hoàng gia Thụy Điển từ năm 2010.

  • Huyền Trang