"Kem bôi nhiệt miệng từ dược liệu Pác lừ" là dự án của nhóm giảng viên và sinh viên Trường ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên) với 5 thành viên. Trong đó, có 2 sinh viên là Nguyễn Mai Quang Dương và Trần Thị Thu Uyên (sinh viên năm thứ 3 ngành Dược).

“Ý tưởng xuất phát từ việc thấy người dân sử dụng dược liệu Pác lừ để chữa loét miệng rất hiệu quả khi chỉ sau vài lần nhai lá là nốt nhiệt miệng biến mất. Dự án nhằm ứng dụng công nghệ bào chế hiện đại để chuyển bài thuốc dân gian thành một sản phẩm nguồn gốc thảo dược có hiệu quả điều trị bệnh, tiện dụng, an toàn và ít tác dụng phụ hơn các thuốc có nguồn gốc tổng hợp trên thị trường”, cô Nông Thị Anh Thư (giảng viên khoa Dược, Trường ĐH Y - Dược, ĐH Thái Nguyên) cho hay.

{keywords}
Nhóm nghiên cứu dự án. Ảnh: Thanh Hùng 

Còn Nguyễn Mai Quang Dương cho rằng, qua khảo sát trên thị trường, có nhiều loại kem bôi nhiệt miệng nhưng có nguồn gốc tân dược, hoặc có giá thành cao.

“Ngoài ra, cũng có một số kem bôi trị nhiệt miệng có nguồn gốc thảo dược nhưng thời gian để giảm triệu chứng thường mất cả tuần. Thuốc nguồn gốc tổng hợp cũng có nhiều và tác dụng nhanh hơn song thường không lành tính bằng các sản phẩm thảo dược.

Do đó, chúng em nghĩ việc bào chế được sản phẩm thảo dược sẽ giải quyết được vấn đề tiện dụng”, Dương nói.

{keywords}
Lá cây Pác lừ thường được sử dụng để đắp vết loét, trị nhiệt miệng được nhóm nghiên cứu "hô biến" thành kem bôi. Ảnh: Thanh Hùng

Theo sinh viên Trần Thị Thu Uyên, để ra được sản phẩm nhóm phải thực hiện rất nhiều công đoạn và các em hỗ trợ giảng viên trong tất cả các khâu từ tìm nguyên liệu, bào chế cho đến khi đóng tuýp.

Về quy trình, sau khi thu hái cây dược liệu, nhóm cho dịch chiết của dược liệu ban đầu vào máy cất thu hồi dung môi để thu được cao dược liệu. Sản phẩm được bào chế dưới dạng kem bôi từ cao khô dược liệu được chiết bằng dung môi ethanol 70% bằng phương pháp ngâm (đã được loại tạp phối hợp với các tá dược tăng tính thấm vào tổ chức da niêm mạc nhằm tăng tác dụng).

{keywords}
Giảng viên Nông Thị Anh Thư và em Nguyễn Mai Quang Dương bên máy cất thu hồi dung môi. Đây là công đoạn để thu cao dược liệu. Ảnh: Thanh Hùng 

Do ứng dụng công nghệ chiết xuất cao phân đoạn không làm mất hoạt chất và bào chế để tạo nên sản phẩm, điểm mạnh của kem bôi này là tăng tác dụng chống viêm, giảm loét hơn so với cách nhai lá của bà con. Ngoài ra, không gây nóng rát và kích ứng da khi bôi.

Đặc biệt, do nguyên liệu rẻ tiền nên giá thành không quá cao. Hiện nhóm, tính toán giá thành dự kiến của một tuýp kem bôi này là 55.000 đồng.

Cô trò học hỏi lẫn nhau

Để có được sản phẩm đến ngày hôm nay, theo cô Thư cũng nhờ vào sự tâm huyết và hỗ trợ của các sinh viên trong nhóm. “Nhiều hôm, 9, 10 giờ tối vẫn thấy sinh viên nhắn tin góp ý hoàn thiện sản phẩm. Một lần có bạn nêu ý tưởng phát triển hướng nghiến cứu bằng việc kết hợp dược liệu vào băng đô y tế để cầm máu nhanh cho người bệnh. Từ câu hỏi của sinh viên, mình nhen nhóm thêm những ý tưởng mới. Tôi thấy cũng học thêm được rất nhiều từ chính các sinh viên”, cô Thư nói.

{keywords}
Quá trình quấy cao dược liệu. Ảnh: Thanh Hùng

Không chỉ vậy, cô Thư cho hay cô trò học hỏi được thêm rất nhiều điều ngoài việc nghiên cứu khoa học như phân tích dự báo thị trường, tìm nguồn nguyên liệu, kế hoạch đầu tư, marketing, phát triển sản phẩm, sự chấp nhận của khách hàng về mức giá sao cho có lợi nhuận sau chi phí,…

“Những điều đó thậm chí còn khó khăn hơn nghiên cứu khoa học”, cô Thư nói điều mà cô trò trải nghiệm khi theo đuổi dự án.

Cô Dương Ngọc Ngà (giảng viên Trường ĐH Y - Dược, ĐH Thái Nguyên) cho hay từ lúc lên ý tưởng đến khi có được sản phẩm bước đầu như ngày hôm nay, cả nhóm đã phải mất 2 năm.

“Làm những đề tài như thế này rất vất vả. Bởi việc thử nghiệm trên chuột mẫu cũng phải theo dõi, đánh giá trong nhiều tháng, rồi việc cất dược chất cũng không phải một lần ăn ngay,… Chúng tôi cũng  thường phải động viên các thành viên trong nhóm, đặc biệt là các sinh viên rằng đã làm khoa học thì phải kiên trì và chấp nhận đầu tư thời gian”, cô Ngà nói.

{keywords}
 

Còn Quang Dương và Thu Uyên cho hay, tham gia nghiên cứu khoa học giúp các em rèn luyện tính tỉ mỉ, cẩn thận - những yêu cầu cao nhất với chuyên ngành y dược mà các em theo đuổi. 

“Đóng góp một phần vào công trình nghiên cứu này, nhưng những thành công bước đầu cũng giúp em tự tin hơn trong việc tham gia các dự án nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp trong tương lai”, Thu Uyên nói.

Hiện, sản phẩm này đang được thử nghiệm trên con vật. Thời gian tới, nhóm tính toán thử nghiệm lâm sàng trên người.

Cô Thư cho biết, hướng phát triển trong tương lai của nhóm là nghiên cứu và đa dạng hóa sản phẩm như các dạng bào chế khác của kem bôi như chế dung dịch súc miệng, kem bôi viêm da, viên ngậm, hoặc gạc dán vết thương,...

GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho hay, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp ngoài việc nghiên cứu khoa học là điều mà ĐH Thái Nguyên hướng tới.

“Nhà trường không đặt ra vấn đề có những ý tưởng sáng tạo mang tính chất viển vông mà cái chính là cho các sinh viên được trải nghiệm. Như vậy, trong môi trường thực tập thực tế của sinh viên, có thể nảy nở ra những ý tưởng sáng tạo và rồi thầy trò cùng nhau nuôi dưỡng ý tưởng đó, gắn với thực tiễn hoạt động của các em”, GS Quang nói.

Thanh Hùng

Máy rửa xe tự động giá 100 triệu của sinh viên Đà Nẵng

Máy rửa xe tự động giá 100 triệu của sinh viên Đà Nẵng

Thấy nhu cầu rửa xe của người dân sau các trận mưa lũ, nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã chế tạo 1 máy rửa xe máy tự động. Đây cũng là sản phẩm được doanh nghiệp đặt hàng.