- 2.000 công nghệ trong và ngoài nước, 500 chuyên gia và thông tin về nhu cầu công nghệ được cập nhất liên tục trên hệ thống cơ sở dữ liệu thuận tiện đang trở thành cầu nối để các công nghệ đi vào thực tiễn.

Kết nối cung - cầu

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 của Cục Ứng dụng Phát triển công nghệ (ƯDPTCN) diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục ƯDPTCN, cho hay, trong năm vừa qua, cơ quan này đã triển khai các hoạt động điều tra, khảo sát về nhu cầu công nghệ, hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp tại khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.

Hơn 4.000 doanh nghiệp trong khu vực trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, truyền thông và môi trường đã được khảo sát.

{keywords}
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục ƯDPTCN.

Qua điều tra đã xác định được 122 nhu cầu tiếp nhận công nghệ, nhu cầu tư vấn kỹ thuật và đổi mới công nghệ của các doanh nghiêp khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.

Để giải quyết nhu cầu công nghệ Cục đã lựa chọn và cung cấp cho Sở KHCN Đà Nẵng, Phú Yên, Đắk Nông, Lâm Đồng 110 hồ sơ công nghệ phù hợp với nhu cầu của các địa phương để kết nối với doanh nghiệp.

„Để tạo nền tảng đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ có hiệu quả, trong năm 2017, Cục đã phối hợp chặt chẽ với các viện, trường lớn tại Việt Nam, các tổ chức nước ngoài tiếp tục cập nhật cơ sở dữ liệu công nghệ trong và ngoài nước“ – ông Hải nói.

Hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ hiện nay bao gồm gần 2.000 công nghệ trong và ngoài nước (tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, môi trường, công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, hóa chất ...) và 500 chuyên gia tư vấn công nghệ và thông tin về nhu cầu công nghệ được cập nhật liên tục.

Cơ sở dữ liệu công nghệ của Cục được cung cấp dưới hai dạng thông qua cổng thông tin điện tử của Cục và thông qua phần mềm quản lý dữ liệu cung - cầu công nghệ.

Thương mại hóa công nghệ

Nói về việc ứng dụng, thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, ông Nguyễn Hoàng Hải cho hay, thời gian qua, Cục đã hỗ trợ hoàn thiện, chuyển giao và ứng dụng thành công một số kết quả nghiên cứu thuộc các lĩnh vực cơ khí chế tạo, cơ điện tử, nông nghiệp sau thu hoạch.

Đây là các lĩnh vực có nhu cầu lớn về ứng dụng kết quả nghiên cứu và phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Một số kết quả tiêu biểu gồm có: Hỗ trợ công nghệ robot gắp phôi tự động, đáp ứng yêu cầu và tăng hiệu quả sản xuất trong các doanh nghiệp sản xuất đạn pháo cũng như các doanh nghiệp cơ khí chế tạo khác; hỗ trợ công nghệ định vị chính xác cao trong phát triển các sản phẩm điện tử thông minh, hỗ trợ các công nghệ sau thu hoạch và các công nghệ chế biến nhằm nâng cao hiệu quả bảo quản và giá trị gia tăng của nông sản; hỗ trợ công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ...

{keywords}
Hoạt động tại lễ khai mạc Techdemo 2017 tại Đà Nẵng.

Đặc biệt, trong năm 2017, Cục phối hợp với Sở KHCN thành phố Đà Nẵng tổ chức thành công sự kiện Techdemo 2017 với chủ đề “Đổi mới công nghệ - Nâng tầm cuộc sống”.

Tại sự kiện đã diễn ra 9 hoạt động chuyên ngành hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm, giải quyết bài toán về công nghệ.

Techdemo 2017 đã cung cấp thông tin 1.800 nguồn cung công nghệ, 500 thông tin chuyên gia tư vấn về công nghệ thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu công nghệ, kết nối cung - cầu công nghệ online, thu hút được gần 2000 đại biểu trong và ngoài nước tham gia các hoạt động cùng với hơn 15.000 khách tham quan khu vực giới thiệu trình diễn công nghệ trong 03 ngày diễn ra.

Thông qua hoạt động trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ 2017, các bên tham gia kết nối cung cầu đã trao đổi, thống nhất, xác định được 12 hợp đồng hợp tác chuyển giao công nghệ, biên bản ghi nhớ, thoả thuận hợp tác với tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng.

Thu Hiền