- Một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ trong nước cho biết, việc đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt đã được nhiều học giả đề xuất từ lâu.

Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ hiện đại cũng đã đưa ra những đề xuất sửa đổi chữ viết tiếng Việt trong khuôn khổ các hội thảo chuyên ngành.

Theo GS. Ngô Như Bình, giảng viên tiếng Việt tại ĐH Harvard, Mỹ, một số quốc gia đã cải cách chữ viết của họ thành công như Indonesia (1972), Hà Lan (1980 và 2005), Pháp (1990), Na Uy (1981 và 2005), Đức (1996), Áo (1996) và Thụy Sĩ (1996).

Tiếng Nga

Ông cho biết, việc cải cách chữ viết và chính tả tiếng Nga bắt đầu được thảo luận vào năm 1904. Năm 1917, chữ viết mới chính thức định hình và được sử dụng vào năm 1918. Tức là khởi thảo và thực hiện dưới hai chế độ khác nhau, để người Nga có được bảng chữ cái và quy tắc chính tả hiện nay. Tất nhiên, một số điểm các nhà Nga ngữ học còn tranh luận, nhưng chính tả tiếng Nga hiện hành về cơ bản tiện lợi hơn cách viết trước đó.

{keywords}
GS. Ngô Như Bình, giảng viên tiếng Việt tại ĐH Harvard, Mỹ. Ảnh: NVCC

Sau khi Liên Xô tan rã và các nước cộng hoà trong Liên Bang Xô-viết trở thành các nước độc lập, có 3 quốc gia đã thay đổi toàn bộ hệ thống chữ viết của họ, gồm có: Azerbaijan (1991), Turkmenistan (1991) và Uzbekistan (1992).

Trước đó, chữ viết của họ dùng chữ Cyrillic, tiếng Nga là Кириллица, nay chuyển hẳn sang hệ thống chữ viết La-tinh.

“Ngoài 3 nước trên ra, Kazakhstan đang thực hiện cải cách theo hướng này. Kyrgystan đang bàn để đi vào thực hiện. Ba nước Azerbaijan, Turkmenistan và Uzbekistan đã chấp nhận chi phí tốn kém nhằm mục đích thực hiện triệt để cải cách chữ viết” – ông nói.

GS. Bình đã nêu ra 9 thay đổi lớn trong tiếng Nga được thực hiện cách đây 100 năm.
1. Thay con chữ “Ѣ” bằng con chữ “Е”.
2. Thay con chữ “Ѳ” bằng con chữ “Ф”.
3. Thay con chữ “І” bằng con chữ “И”.
4. Bỏ dấu cứng “Ъ” khi nó đứng cuối từ và trong các từ ghép, nhưng vẫn giữ làm dấu phân
cách giữa các âm tiết.
5. Thống nhất cách viết tiền tố mà phụ âm cuối trước đó được thể hiện bằng hai con chữ
“З” hữu thanh và “С” vô thanh. Sau cải cách, con chữ “С” nhất luật xuất hiện trước phụ
âm vô thanh, còn con chữ “З” nhất luật xuất hiện trước phụ âm hữu thanh và nguyên
âm.
6. Thay biến tố của tính từ “-аго” bằng “-ого” trong tất cả các trường hợp, trừ sau các phụ
âm quặt lưỡi thì “–аго” thay bằng “-его”.
7. Thay biến tố của tính từ “-ыя” bằng “-ые”, “-ія” bằng “-ие”.
8. Thay “онѣ” bằng “они”, “однѣ” bằng “одни”, “однѣхъ” bằng “одних”, “однѣмъ” bằng
“одним”, “однѣми” bằng “одними”.
9. Thay hình thái cách hai số ít “-ея” như trong “нея” thành “-её” như trong “неё”.

Tiếng Đức

Cải cách tiếng Đức năm 1996 là sự thay đổi chính tả và dấu câu của tiếng Đức nhằm mục đích làm đơn giản hóa thứ tiếng này, giúp dễ học hơn mà không thay đổi đáng kể các quy tắc quen thuộc với những người sử dụng ngôn ngữ này.

Cuộc cải cách được dựa trên một hiệp định được ký kết tại Vienna vào tháng 7/1996 bởi các chính phủ của các nước nói tiếng Đức, gồm Đức, Áo, Liechtenstein và Thụy Sỹ.

 

{keywords}
Một cuốn sách nói về việc cải cách tiếng Đức mà GS. Ngô Như Bình cung cấp

Việc cải cách chính tả trở thành bắt buộc trong trường học và các cơ quan công lập. Tuy nhiên, đã có một chiến dịch chống lại việc cải cách. Cuối cùng Tòa án Hiến pháp Liên bang của Đức đã được yêu cầu đưa ra mức độ cải cách.

Năm 1998, tòa án tuyên bố rằng, bởi vì không có luật điều chỉnh chính tả nên bên ngoài trường học, người dân có thể tùy ý phát âm. Tháng 3/2016, Hội đồng Chính tả tiếng Đức đồng ý xóa bỏ những thay đổi gây tranh cãi nhất ra khỏi cải cách.

Những quy tắc mới liên quan tới sự tương ứng giữa các âm và chữ cái, viết hoa, các từ riêng và từ nối, cách viết nối, dấu câu và dấu nối ở cuối dòng. Tên và họ không nằm trong những thay đổi này.

{keywords}

{keywords}

Một số ví dụ về sự thay đổi của tiếng Đức vào năm 1996:

ß và ss: theo như cải cách, ß được coi là một chữ cái riêng biệt, chỉ xuất hiện sau các nguyên âm dài và nguyên âm đôi. Thông thường, trong tiếng Đức, các nguyên âm dài được theo sau bởi các phụ âm đơn và theo sau nguyên âm ngắn là phụ âm đôi.

Theo cách cũ, ß được viết thay cho “ss” nếu âm vị “s” thuộc về chỉ một âm tiết, do đó ở vị trí cuối và trước phụ âm, “ss” luôn được viết là ß, mà không phụ thuộc vào độ dài của nguyên âm trước.

Theo cách mới, nguyên âm ngắn không bao giờ được theo sau bởi ß. Điều này làm nó phù hợp với cách viết 2 chữ cái của các phụ âm cuối cùng khác (-ch, -ck, -dt, -ff, -ll, -mm, -nn, -rr, -tt, -tz).

Vì thế, ví dụ như Fass [fas] – Fässer [ˈfɛsɐ], tương tự như Ball [bal] – Bälle [ˈbɛlə]; so với cách viết cũ: Faß – Fässer, ngược lại với Maß [maːs] – Maße [ˈmaːsə] hay Tal [taːl] – Täler [ˈtɛːlɐ].

Cái được gọi là “quy tắc s” này chiếm hơn 90% các từ được thay đổi trong cải cách năm 1996. Những thay đổi khác ít được sử dụng hơn và không phải trong văn bản nào cũng được sử dụng.

Ngoài ra, những phụ âm ba không bị cắt đi nữa, nhưng gạch nối thường được sử dụng trong những trường hợp này. Ví dụ như, trước kia viết là “schiffahrt” thì giờ viết là “Schifffahrt” – được ghép từ Schiff (tàu) + Fahrt (hành trình).

Những từ có 3 chữ “s” được xuất hiện thường xuyên hơn các phụ âm ba khác, trong khi theo cách cũ, chúng chưa bao giờ xuất hiện. Ví dụ: Flußschiffahrt → Flussschifffahrt, Mißstand → Missstand.

Phụ âm đôi xuất hiện sau nguyên âm ngắn ở cuối từ. Ví dụ: As → Ass bởi vì số nhiều của nó là Asse; Stop → Stopp vì động từ là stoppen.

Thay đổi nguyên âm từ “e” sang “ä”. Ví dụ: Stengel → Stängel.

Ngoài ra còn một số thay đổi khác nhằm loại bỏ một số trường hợp đặc biệt hoặc cho phép cách viết thay thế. Một số từ mượn chuyển sang cách viết gần với chuẩn mực tiếng Đức hơn. Cụ thể, các hậu tố -phon, -phot, và –graph có thể được viết bằng “f” hoặc “ph”.

Cách viết hoa và từ ghép cũng là 2 phần nằm trong cải cách tiếng Đức.

Trước kia, danh từ ghép thường được ghép thành một từ, nhưng một số từ ghép sau khi cải cách được tách ra. Danh từ và động từ thường được tách ra, ví dụ như “radfahren → Rad fahren” (đi xe đạp).

Động từ vô định được sử dụng với động từ có ngôi được tách ra, ví dụ “spazierengehen → spazieren gehen” (đi dạo).

{keywords}
Tháng 9/2016, Pháp yêu cầu những thay đổi về cách phát âm phải được xuất bản trong các cuốn sách giáo khoa và từ điển. 

Tiếng Pháp

Với tiếng Pháp, từ tháng 9/2016, cách phát âm mới đã được yêu cầu xuất bản trong các cuốn sách giáo khoa và từ điển.

Sự thay đổi này đã thổi bùng lên những phẫn nộ trong dư luận Pháp sau khi một cơ quan kiểm duyệt ngôn ngữ chấp thuận thay đổi cách phát âm của ít nhất 2.400 từ tiếng Pháp nhằm làm đơn giản hóa ngôn ngữ này.

Sự thay đổi này đã được chấp thuận bởi cơ quan kiểm duyệt ngôn ngữ chính thức của nước Pháp - Académie française vào năm 1990, nhưng đến tháng 9/ 2016 mới được xuất bản trong các cuốn sách giáo khoa và từ điển.

Thay đổi khiến người dân nước này giận dữ nhất là việc loại bỏ dấu mũ truyền thống (^). Nó sẽ không còn xuất hiện trên các nguyên âm như “i” và “u” ở một số từ nhất định.

Từ “coût” (giá cả) sẽ mất dấu mũ và trở thành “cout”. Những từ khác cũng bị mất dấu mũ như: s'entraîner (luyện tập), maîtresse (giáo viên) và trớ trêu thay là cả từ disparaître (biến mất).

Tuy nhiên, dấu mũ không bị loại bỏ hoàn toàn ở tất cả các từ. Nó vẫn xuất hiện trên các âm “o”, ví dụ như từ “hotel”. Nó cũng được giữ trong từ “sûr”, bởi vì nếu bỏ dấu mũ, nó sẽ thay đổi nghĩa hoàn toàn từ “chắc chắn, nhất định” sang “trên đầu của…”

Những thay đổi khác gồm có việc bỏ dấu gạch nối ở những từ như “week-end”, để trở thành “weekend” và “porte-monnaie” (cái ví) thành “portemonnaie”.

Từ “củ hành” trong tiếng Pháp cũng là một trong số những từ bị thay đổi bằng cách bỏ chữ “i”, từ “oignon” thành “ognon”.

Việc thay đổi này không có nghĩa là sẽ chấm dứt ngay lập tức cách viết cũ. Theo tờ Le Monde, các nhà xuất bản sẽ được phép lựa chọn giữa cách viết mới và cũ, và các giáo viên cũng không phạt học sinh nếu các em tiếp tục sử dụng các viết cũ.

Mặc dù vậy, những thay đổi vẫn gây ra sự phẫn nộ trong dư luận nước Pháp với hàng ngàn lời ca thán, sự tuyệt vọng trên mạng xã hội.

“Cải cách chính tả” là chủ đề được bàn luận nhiều nhất trên Twitter vào thời điểm đó. Nhiều người dùng lập luận rằng những thay đổi này làm tầm thường hóa, đơn giản hóa tiếng Pháp. Một người dùng Twitter từng nhận xét: “Đơn giản hóa nghĩa là nghèo nàn hơn. Ngôn ngữ đẹp và giàu chính vì nó phức tạp”.

Thậm chí, các chính trị gia cũng nhảy vào cuộc tranh luận này. Phó Chủ tịch Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp nói rằng “tiếng Pháp là linh hồn của chúng ta”, trong khi Thị trưởng thành phố Nice - Christian Estrosi – còn gọi những cải cách này là “vô lý”.

Tuy nhiên, những thay đổi này không hoàn toàn là sự tuyệt vọng đối với nhà các nhà truyền thống Pháp. Bởi vì theo đó, một số từ hiện đại sẽ được thay đổi theo các quy tắc ngữ pháp tiếng Pháp trong một nỗ lực nhằm “Pháp hóa” các từ mượn từ tiếng Anh.

Ví dụ như từ “Des misses” và “revolver” sẽ đổi thành “des miss” và “revolver”, và “leader” trở thành “leaduer”.

Nguyễn Thảo