Đọc bài viết "Công bố quốc tế của Việt Nam: Lượng tăng nhưng chất giảm", tác giả Nguyễn Văn Phương (Viện nghiên cứu Khoa học Vật liệu Hàn Quốc) đã có bài viết phân tích về những tác động. 

Bài viết gửi riêng VietNamNet dưới đây, tác giả đưa ra những ý kiến cá nhân lý giải và đánh giá những tác động của xu hướng trên.

{keywords}

Công bố quốc tế ISI của Việt Nam lần đầu vượt ngưỡng 3.000 bài trong năm 2015 theo số liệu từ Web of Sicence do S4VN cập nhật 2/6/2016.

Theo thống kê của Dự án Trắc lượng khoa học Việt Nam (Scientometrics for Vietnam - S4VN), cập nhật từ cơ sở dữ liệu Web of Science của ISI (Viện thông tin khoa học Mỹ) thì gần đây các công bố quốc tế của Việt Nam tăng về số lượng nhưng giảm về chất lượng. Xem bài viết chi tiết TẠI ĐÂY.

5 lý do lượng tăng

Một là, hiện nay số lượng tạp chí ngày càng tăng, có nhiều tạp chí mới ra đời nên việc chấp nhận bài báo dễ dàng hơn. Đây là lý do lớn nhất bởi không riêng gì Việt Nam tăng số lượng bài báo quốc tế mà các nước khác cũng tăng.

Hai là, Việt Nam ngày càng ưa chuộng hơn việc công bố ấn phẩm trên các tạp chí quốc tế, và các nhà làm nghiên cứu cũng ý thức tốt hơn về vấn đề công bố quốc tế. Do đó, số lượng sẽ ngày tăng lên.

Ba là, hiện nay có một số quỹ dành cho nghiên cứu khoa học, ví dụ như Nafosted, và các cơ quan chủ quản có nhiều chế độ thưởng cho các công bố quốc tế. Điều đó tạo động lực cho các nhà làm nghiên cứu công bố ấn phẩm của mình trên các tạp chí quốc tế.

Bốn là, gần đây có nhiều người học xong từ nước ngoài trở về và tiếp tục làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu.Khi làm việc ở nước ngoài đã có thói quen nghiên cứu – xuất bản ấn phẩm trên các tạp chí quốc tế nên sau khi về Việt Nam sẽ tiếp tục công việc đó.

Năm là, xu hướng hợp tác với các tác giả quốc tế nhằm công bố công trình của mình ngày càng tăng.

6 lý do chính khiến chất giảm

Một là, chính là lý do thứ nhất bên trên. Khi ra đời một số tạp chí chất lượng thấp và dễ dàng hơn cho việc công bố thì các tác giả có xu hướng xuất bản trên các tạp chí này.

Hai là, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn ở phân khúc tạp chí cao cấp, hay nói cách khác, do chất lượng của công trình nghiên cứu. Mình gia tăng về chất lượng, nhưng ở nước ngoài họ cũng tăng, thậm chí tăng tốt hơn do cơ sở vật chất và máy móc thiết bị tốt hơn. Hơn nữa, thói quen xuất bản ấn phẩm khoa học ăn vào mỗi người làm nghiên cứu nên việc viết lách, bố cục cũng như tính logic của công trình sẽ tốt hơn.

Ba là, do sự nóng vội của tác giả. Việc gửi bài báo lên các tạp chí cao cấp thường kéo theo thời gian bình duyệt dài và quá trình bình duyệt, chọn lọc bài báo là khắt khe hơn. Ngoài ra, trong trường hợp bị từ chối từ một tạp chí nhóm cao cấp, tác giả hay tìm đến ngay những tạp chí thấp hơn do thiếu tin tưởng vào cơ hội của mình.

Bốn là, do năng lực của người làm nghiên cứu.Theo tôi nghĩ nhóm nhà khoa học trẻ gần đây được đào tạo từ nước ngoài, và những người chập chững bước vào con đường khoa học sẽ có nhiều nhiệt huyết trong việc công bố quốc tế.

Tất nhiên, những nhà khoa học gạo cội thường sẽ có những công trình chất lượng cao hơn, nhưng nhóm đó có lẽ không nhiều.Với nhóm người trẻ, dù được học từ nước ngoài thì quá trình công bố vẫn phụ thuộc nhiều vào giáo sư và các cộng sự, và họ thường thì vẫn chưa đủ năng lực để làm chủ tốt một bài báo khoa học.Điều này dẫn tới chất lượng chưa đủ tầm để vươn tới nhóm tạp chí cao cấp. Điều này cũng lý giải lý do các bài báo Việt Nam vẫn có xu hướng cộng tác với các tác giả có tên tuổi ở nước ngoài.

Năm là, lòng tin từ phía Ban biên tập tạp chí đối với các ấn phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam. Có lẽ đã nhiều người nhắc tới việc các nhà bình duyệt và ban biên tập hay có những nghi ngờ về số liệu từ các nghiên cứu có xuất xứ từ Việt Nam. Việc này cản trở khá nhiều tới sự đồng ý cho xuất bản một ấn phẩm khoa học, đặc biệt là những tạp chí nhóm đầu.

Sáu là, các mối quan hệ trong khoa học. Nghe có vẻ hơi buồn cười nhưng không, việc có các mối quan hệ tốt sẽ làm tăng khả năng xuất bản các bài báo khoa học, ví dụ như mạng lưới bình duyệt hay mối quan hệ với các tác giả thuộc Ban biên tập.

Ở các nước phát triển, việc tham gia nhiều vào các hội thảo quốc tế mang lại cho nhà làm nghiên cứu nhiều mối quan hệ hữu ích với những người làm cùng chuyên môn (có thể những người này sẽ được đề xuất hoặc được Ban biên tập chọn làm bình duyệt cho bài báo của tác giả) và thậm chí chính đó chính là những người trong Ban biên tập của tạp chí.

Có nên tiếp tục xu hướng trên?

Cũng có nhiều bài viết phê bình về việc xuất bản các ấn phẩm có chỉ số tác động thấp, điều đó sẽ có những tác động không tốt cho tương lai. Ví dụ, thiếu lòng tin từ các Ban biên tập và các nhà bình duyệt, ấn phẩm sau khi xuất bản không được trích dẫn lại (chỉ số tác động thấp), hay tạo ra tư tưởng thiếu lòng tin của độc giả với tác giả sau khi ấn phẩm được xuất bản.

{keywords}

Tổng số lượng các công bố quốc tế của Việt Nam (2010-2015) và tỉ lệ các công bố quốc tế thuộc tạp chí hạng Q1 qua từng năm. (Nguồn: S4VN)

Tuy nhiên, theo tôi thì việc xuất bản những tạp chí có chỉ số tác động thấp vẫn là cần thiết.

Trước hết, nó tạo ra thói quen, cách thức và động lực công bố các ấn phẩm cho những người làm nghiên cứu. Sau đó, cũng là cơ hội để các tác giả hoàn thiện dần những kỹ năng viết lách và công bố của mình. Từ đó, tạo tiền đề để có những công trình cao cấp hơn.

Trong quá trình viết mỗi bài báo khoa học, dù mục tiêu đăng trên tạp chí thấp hay cao đều đòi hỏi tác giả phải đọc và tham khảo nội dung từ nhiều bài báo khác ở cùng chuyên ngành. Qua đó, giúp tác giả cập nhật được tình hình nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu khác và có thể nảy sinh những ý tưởng nghiên cứu mới.

  • Nguyễn Văn Phương (Viện nghiên cứu Khoa học Vật liệu Hàn Quốc)