- Được chọn là một trong 64 giáo viên cắm bản tiêu biểu toàn quốc nhưng câu chuyện của thầy giáo Dương Văn Bảy lại chỉ toàn là những khó khăn, những “tội nghiệp” của các học trò ở điểm lẻ Trường PTDT bán trú Tiểu học Phước Thành B, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

{keywords}
Thầy Dương Văn Bảy - giáo viên tại điểm lẻ Trường PTDT Bán trú Tiểu học Phước Thành B, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận

Thầy giáo 30 tuổi quê gốc Cao Bằng, người dân tộc Tày, tốt nghiệp khoa Sư phạm Tiểu học, ĐH Hải Phòng, nhưng cơ duyên khiến anh gắn bó với các học trò nghèo đất Ninh Thuận đã 5 năm. Năm đầu tiên về trường anh công tác ở điểm chính 1 năm, sau đó xung phong lên điểm lẻ từ đó đến giờ.

Lớp học chỉ có 10 học sinh dân tộc Raglai của thầy Bảy là lớp duy nhất ở điểm lẻ của Trường Phước Thành B. 10 học sinh - trong đó có 8 em đang học lớp 3, 2 em học lớp 2 - hiện đang học trong phòng học đã được xây gạch, lợp mái tôn sạch sẽ, rộng chừng 40m2. Các em phần lớn đều quá tuổi, ít thì 2-3 tuổi, nhiều thì 5 tuổi so với quy định đi học.

Sáng đi chiều về, thầy giáo trẻ phải vượt qua con đường đất 10km. Những hôm trời nắng ráo thì còn đỡ vất vả, nhưng chỉ cần mưa rả rich vài hạt thôi là con đường đất trở nên lầy lội, không thể đi xe máy tới lớp, thầy Bảy lại phải lội bộ 3km để tới trường.

Tuy vậy, thầy Bảy cho biết chưa từng bỏ một buổi lên lớp nào dù mưa hay nắng. “Không chỉ trời mưa mới vất vả mà cái nắng ở Ninh Thuận thì chị biết rồi đấy. Có những năm hạn hán, dùng nước cũng phải tiết kiệm”.

Chỉ có duy nhất một lần vì đường mưa quá trơn, chạy xe tới lớp, thầy Bảy bị trượt ngã bất tỉnh, nằm viện mất cả tháng trời, không tới lớp được. Giáo viên cắm bản vất vả không thể kể hết nhưng người thầy giáo trẻ nói về những khó khăn một cách nhẹ nhàng như thể đó là nhiệm vụ tất yếu của mình.

Chia sẻ về gia đình riêng, thầy Bảy kể đã cưới vợ được 2 năm nhưng chưa có con. Vợ anh hiện đang làm văn thư cho một trường học ở Đắk Nông, Đắk Lắk. Hai vợ chồng sống xa nhau, thỉnh thoảng cuối tuần về nhà mới được sum họp.

Kể về các học trò, thầy Bảy khen các em ngoan, rất nghe lời thầy và tiếp thu tốt, tuy nhiên vì bố mẹ thiếu quan tâm chuyện học hành của con cái nên về nhà các em không chịu học bài, rất nhanh quên. “Ở trên lớp giảng gì đều phải nhắc đi nhắc lại tiên tục”.

Theo quy định là các em học nửa ngày nhưng thầy vẫn dạy các em cả ngày, thường thì buổi sáng học kiến thức mới, buổi chiều ôn luyện lại. Thỉnh thoảng các thầy cô bộ môn phụ như Thể dục, Nhạc họa sẽ lên dạy thêm cho các em những môn đó, còn bình thường chỉ có duy nhất một mình thầy Bảy “cắm bản” cùng các trò nghèo.

“Mình thấy các em tội quá. Bố mẹ nghèo, các em ăn uống cũng rất khổ, cơm ăn còn không có. Bố mẹ chưa có ý thức nhắc nhở con cái học hành. Đến giấy khai sinh của con cũng không có. Phụ huynh không nhớ con sinh năm nào, chứ chưa nói đến ngày tháng. Thầy cô lại phải làm hộ các em để các em đi học” – thầy Bảy kể.

Tuy nhiên, nhờ các em quý thầy, thầy cũng thường xuyên đến nhà nói chuyện, vận động phụ huynh, nên đến giờ 10 học sinh của thầy Bảy vẫn đi học đều.

Mong muốn duy nhất của thầy bây giờ là các học trò của mình nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn để các em có thêm đồ dùng học tập, quần áo, bữa cơm bớt khổ. “Cuộc sống của mình bây giờ cũng gọi là tạm đủ. Chẳng mong gì thêm nữa, mà chỉ mong có thêm các chương trình hỗ trợ các em để các em có thêm đồ dùng học tập, sách vở…”

“Nhớ những ngày đầu nhận lớp, các em chưa biết nói tiếng Kinh. Mình phải dạy các em từ câu chào đầu tiên. Rồi khi bước chân vào lớp, các em đồng thanh “em chào thầy” là mình vui và xúc động lắm rồi!... Có năm ngày 20/11 các em cũng biết đi hái hoa dại về tặng thầy” – thầy Bảy nhớ lại kỷ niệm này với nụ cười tươi.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2015 nhằm tuyên dương 64 thầy cô cắm bản tiêu biểu thuộc 64 huyện nghèo trên cả nước. Chương trình diễn ra tại Hà Nội với nhiều hoạt động ý nghĩa.

64 thầy cô tham dự cũng được nhận phần quà của nhà tài trợ Tập đoàn Thiên Long mỗi suất là một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng, cùng các món quà hiện vật dành cho các em học sinh vùng sâu vùng xa.

  • Nguyễn Thảo