LTS: Hiện nay, những thay đổi của giáo dục và nhà trường trong bối cảnh mới đã đặt ra những yêu cầu mới đối với người thầy, đòi hỏi người thầy phải có những vai trò mới trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Làm thế nào để tiếp tục giữ gìn được sự tôn nghiêm và củng cố vị thế của nhà giáo?

VietNamNet mong nhận được những ý kiến trao đổi, bàn luận của các thầy cô, của độc giả về chủ đề này qua email: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Những ý kiến, bài viết phù hợp sẽ được chọn lọc để đăng tải. Xin chân thành cảm ơn.

*********

Cô giáo quỳ gối đến bị tát vào mặt

Cách đây hơn 3 năm, dư luận dậy sóng trước sự việc một nữ giáo viên quỳ gối suốt 40 phút trước sức ép của phụ huynh.

Sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An vào ngày 28/1/2018.

Do phạt học sinh, cô giáo B.T.T.N, giáo viên lớp 4/3 đã bị một số phụ huynh ép phải quỳ gối xin lỗi ngay tại trường.

“Trong tình trạng bản thân đứng trước sức ép lớn từ phía phụ huynh, đồng thời cũng thấy bản thân mình sai trước, tôi không nghĩ được gì khác, chỉ muốn mọi việc được giải quyết xong nên có suy nghĩ buông xuôi... Ở tình huống không còn đường lui và do suy nghĩ non nớt của bản thân muốn làm để mọi việc giải quyết xong nên tôi đã quỳ trong thời gian 40 phút”- cô N. kể trong bản tường trình gửi Phòng GD-ĐT huyện Bến Lức (Long An).

Sự việc khiến dư luận bất bình.

Bộ trưởng GD-ĐT khi đó là ông Phùng Xuân Nhạ gửi công văn tới Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhấn mạnh “sự việc này tác động xấu tới hoạt động giáo dục của nhà trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tự trọng, danh dự của nhà giáo và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta”.

{keywords}
Hình ảnh gây sốc: Một phụ huynh ở Đà Nẵng thẳng tay tát giáo viên tại cuộc họp

Cũng ở Long An, ngày 19/5/2020 có lẽ là ngày cô giáo Đ.Th.Th., Trường TH-THCS Lộc Giang (huyện Đức Hòa, Long An) không thể nào quên. Sáng hôm đó, vừa bước ra trước cửa lớp, cô Th. bị một phụ huynh cầm nón bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu khiến cô gục xuống nền đất, bất tỉnh.

Nguyên nhân được cho là do chiều hôm trước, con của phụ huynh này về nhà trễ. Dù lãnh đạo nhà trường đã giải thích và cho biết sẽ trao đổi lại, nhưng người này vẫn xông vào đánh cô Th…

Ngay cả khi chuyển sang học trực tuyến vì dịch Covid-19, giáo viên còn có thể chịu thêm một hình thức bạo hành tinh thần khác: Bị sỉ nhục qua màn hình và bởi chính học trò.

Hồi đầu tháng 11 vừa qua, trên các trang mạng xã hội lan truyền đoạn clip một nam sinh lớp 9 không ngừng văng tục khi cô giáo yêu cầu mở camera.

Hay giữa tháng 9, một nam sinh Trường CĐ FPT Polytechnic khi được hỏi vì sao không thuộc bài đã thách thức thầy giáo "lên phòng đào tạo solo".

Không chỉ từ phụ huynh, học sinh, giáo viên đôi khi còn bị chính cấp trên của mình ‘coi nhẹ’.

Năm 2016, UBND thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) từng điều động 21 nữ giáo viên đến nhà hàng để tiếp đón quan khách.

Đáng ngạc nhiên là, vị Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh khi đó cho rằng việc chính quyền điều giáo viên tiếp khách là do nhiệm vụ chính trị. Ông này còn khẳng định “Nếu hiểu đúng bản chất, việc điều động này không vấn đề gì cả, mọi việc đều trong sáng".

Còn Trưởng phòng GD-ĐT nói đó là ‘chuyện bình thường’.

Không còn là một nghề đặc biệt?

Trải lòng với VietNamNet, cô giáo Mỹ Hạnh (Hà Nội) cho biết “khi chọn con đường này, chúng tôi luôn nghĩ đến viễn cảnh sẽ được dạy con chữ, truyền kiến thức cho những học sinh thân yêu. Nhưng rồi khi lao vào thực tế, chúng tôi bị "nốc ao" vì hiện thực quá phũ phàng.

Nghề giáo, từ bao giờ đã trở thành “nghề nguy hiểm nhất” xã hội hiện nay. Chúng tôi ngoài thu mình trước “cái quyền uy” quá lớn mang tên “áp lực phụ huynh”, bị phụ huynh lao vào mỗi khi phạm sai lầm, dù nhỏ nhất, còn phải chịu áp lực từ các cấp Sở, Phòng, Ban giám hiệu đè xuống. Nào là chỉ tiêu chất lượng, nào là thanh kiểm tra, rồi cả hàng chục cuộc thi lớn có, nhỏ có. Đó là chưa kể sổ sách nặng vai chúng tôi vẫn phải gồng gánh mỗi ngày".

Tình cảnh ấy, cô giáo Hạnh bảo “giáo viên chẳng khác nào cá nằm trên thớt”.

TS Trương Đình Thăng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cũng thừa nhận, vị thế người thầy ngày nay khác xưa là điều quá rõ ràng. Nhưng khi học đường cả nước liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành như phụ huynh, học sinh đánh, mắng thầy cô thì đã làm mất sự tôn nghiêm trong môi trường giáo dục, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế nhà giáo. Hình ảnh người thầy và nhà trường trong mắt xã hội trở nên méo mó.

Trong khi đó, đáng lẽ ra là vị thế của những người làm “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo vì nó tạo ra những con người sáng tạo” phải tuyệt đối được bảo vệ.

Theo vị hiệu trưởng này, không thể phủ nhận một phần do lỗi của người thầy, và từ những “con sâu làm rầu nồi canh”. Sự tu thân của người xưa để được gọi là thầy rất nghiêm cẩn nhưng ngày nay đã phôi pha đi nhiều. Đạo làm trò cũng vậy, nên mới xảy ra những sự việc lệch chuẩn trong thời gian qua.

Dù vậy, còn nhiều yếu tố khác khiến xã hội nhìn nhận sai lệch về vị thế của người thầy.

“Đồng lương chưa tương xứng với vị thế, nên học thêm, dạy thêm tràn lan… Nhiều người nhìn giáo viên giống như một thợ dạy và đối xử với họ như một người cung cấp dịch vụ bình thường. Họ đòi hỏi người làm dịch vụ phải thế này, thế kia, chứ không còn coi đó là một nghề đặc biệt” – vị hiệu trưởng này nói.

Cũng có nhiều bài báo đã chỉ ra rằng “Học sinh luôn trở thành trung tâm, thành “thượng đế” mà thầy cô chỉ đóng vai trò phục vụ.”

Bên cạnh đó, ngày nay các gia đình ít con cái hơn ngày xưa, điều kiện kinh tế cũng khá hơn, nên nhiều bậc phục huynh coi con mình như ‘lá ngọc cành vàng’, bao bọc nhiều quá, chỉ cần 1 sơ suất của người thầy là họ đã dễ nổi nóng. Sự nuông chiều của gia đình, sự bất hợp tác của phụ huynh cũng một phần ảnh hưởng tiêu cực đến quan niệm “trọng thầy” như truyền thống của dân tộc. Khi cha mẹ không coi trọng người thầy, thì những đứa trẻ cũng dễ dàng có ứng xử tương tự.

Quan niệm “yêu cho roi cho vọt” bị hiểu nhầm là đòn roi theo nghĩa đen mà không phải là cho phép giáo viên có những biện pháp, hình thức nghiêm khắc để răn đe như một người cha, người mẹ ở nhà trường. 

Thầy cô không được trách phạt học trò, không được nhắc nhở trước lớp... Giáo viên để tránh rắc rối, cũng dần thờ ơ với việc dạy dỗ, uốn nắn một đứa trẻ.

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Lực, Trường THCS Diên Khánh (Khánh Hòa) thì các vụ việc xúc phạm, hành hung giáo viên của phụ huynh chưa được xử lý một cách “thấu tình đạt lý”, chỉ dừng lại ở mức hành chính có tính chất tuyên truyền, giáo dục là chính.

“Theo tôi, cần phải có thêm quy định nghiêm cấm mọi hành vi xúc phạm đến thân thể, danh dự, tinh thần nhà giáo như một điều luật riêng, để làm căn cứ xử lí nghiêm minh những hành vi hành hung của phụ huynh đối với thầy cô”.

Còn theo TS Trương Đình Thăng, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại “nhận thức của xã hội đối với vị thế của nhà giáo”. Mở cửa, hội nhập, thực hiện giáo dục hiện đại không có nghĩa là phủ nhận những giá trị truyền thống tốt đẹp về giáo dục và nhà giáo mà đã tồn tại ở xã hội Việt Nam cả trăm năm. Trong đó cần phải luật hóa vị trí, vai trò, trách nhiệm của nhà giáo trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục tương đồng với giá trị truyền thống và bối cảnh văn hóa xã hội cụ thể của Việt Nam.

Những quy định mà là một trong các nguyên nhân làm thầy/cô bất lực với những học trò hư và giáo viên chỉ còn cách im lặng thì cần phải xem xét và sửa đổi. Khi không có kỷ luật nghiêm khắc, bạo hành học đường cũng khó chấm dứt.

Vấn đề sâu sa theo nhà giáo Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc HV Nông nghiệp Việt Nam là nếu như môi trường xã hội chưa trong lành, chưa tiên học lễ hậu học văn, pháp luật, lẽ phải và các giá trị cao đẹp chưa được coi trọng và thượng tôn, nếu như xã hội chưa thực sự dành cho người thầy sự tôn trọng thì sự nỗ lực của mỗi nhà giáo, dù rất lớn và rất đáng trân quý, nhưng sẽ không mấy có ý nghĩa, không có sức nặng trong công cuộc xác lập lại vị thế người thầy.

Phương Mai

Lấy lại sự tôn kính cho nghề giáo

Lấy lại sự tôn kính cho nghề giáo

Số ít thầy cô làm sai, nhưng do ấm ức làm giọt nước tràn ly, sự việc bị đẩy đi xa, càng bùng nổ trên mạng xã hội, có lúc tưởng như quật nhào biểu tượng cao quý của người thầy.