Bộ GD-ĐT vừa có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học thực hiện những nhiệm vụ cụ thể trong năm học 2021 – 2022.

{keywords}
 

Theo đó, trong năm học này, các cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như xây dựng các kịch bản, tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời có các giải pháp hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngoài ra, các trường cũng cần có giải pháp để đẩy nhanh việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người học, cán bộ, giảng viên.

Đối với hệ thống giáo dục đại học và sư phạm, cần tập trung nguồn lực đầu tư góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Các cơ sở có ngành đào tạo giáo cần viên tích cực, chủ động làm việc với UBND triển khai hiệu quả Nghị định số 71 quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và Nghị định số 116 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Về việc đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, các cơ sở giáo dục đào tạo cần đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống văn bản nội bộ để thực hiện đầy đủ cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình trong hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản; nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng trường, phát huy dân chủ và nâng cao năng lực quản trị nhà trường; giải phóng tính năng động, khả năng sáng tạo và sự đóng góp của mỗi giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia trong quản trị và vận hành cơ sở giáo dục đại học; tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình và công khai, minh bạch thông tin để các bên liên quan và xã hội giám sát.

Bên cạnh đó, các trường cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh, đào tạo, trong đó tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh giai đoạn 2021-2025 gắn với đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Các trường cũng cần chủ động hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo, đồng thời tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho thí sinh, tránh việc thí sinh phải đi lại tốn kém hoặc phải tham dự nhiều kỳ thi; tiến tới hình thành các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học và trung tâm khảo thí độc lập.

Cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng; đổi mới công tác tuyển sinh, đề án tuyển sinh, xác định phương thức, hình thức tuyển sinh cần phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính công khai, minh bạch theo quy định. 

Về việc đẩy mạnh công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, các trường cần tổ chức triển khai có hiệu quả đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo giai đoạn 2019-2030; đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục, đặc biệt là kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; chú trọng việc cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo sau đánh giá; kết quả kiểm định chất lượng là cơ sở để cơ sở đào tạo đưa ra các giải pháp cải tiến chất lượng liên tục đối với các chương trình đào tạo.

Các cơ sở cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo sau đại học, thúc đẩy các công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín; đẩy mạnh đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích; ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng chuyển giao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm theo lĩnh vực ưu tiên.

Các cơ sở đào tạo tập trung rà soát vấn đề liêm chính học thuật, đảm bảo nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng và minh bạch theo thông lệ quốc tế; xây dựng công cụ để kiểm soát và ngăn chặn kịp thời hành vi đạo văn, gian lận trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hội nhập quốc tế; chủ động mở rộng hợp tác, trao đổi sinh viên, giảng viên; tăng cường thu hút đầu tư, tài trợ của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đại học; kết nối các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học uy tín của nước ngoài; thu hút chuyên gia giỏi người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài hợp tác và làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

Các cơ sở giáo dục đại học cũng cần xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của mỗi cơ sở đào tạo, làm trụ cột cho chuyển đổi số quốc gia và hỗ trợ hệ thống giáo dục phổ thông thực hiện chuyển đổi số; nhanh chóng triển khai, nâng cao hiệu quả trong quản trị nhà trường, trong tuyển sinh và đào tạo, trong đổi mới dạy và học; tăng cường hợp tác, cùng xây dựng và chia sẻ sử dụng các nền tảng dữ liệu, học liệu, môi trường học tập số và hệ thống quản trị, quản lý nhà trường.

Các cơ sở cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong giáo dục đại học, khai thác hiệu quả các ưu điểm trong việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động quản lý, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức giảng dạy và học tập; khuyến khích, thu hút đầu tư từ nguồn xã hội hoá của các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và đào tạo trực tuyến,...

Ngoài ra, các cơ sở đào tạo cũng cần tăng cường truyền thông, tư vấn ngành nghề, đặc biệt các ngành có nhu cầu nguồn nhân lực cao nhưng không tạo sức hút với người học để các thí sinh và phụ huynh nắm bắt được.

Thúy Nga

Tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học

Tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học

"... Tự chủ phải đem lại giá trị cao hơn cho tiếng nói chuyên môn, để tiếng nói của người thầy, nhà khoa học, chuyên gia phải trở thành tiếng nói quan trọng trong quản trị, vận hành cơ sở giáo dục đại học..."

Chuyển đổi số với giáo dục đại học: Phải quyết tâm và đầu tư xứng đáng

Chuyển đổi số với giáo dục đại học: Phải quyết tâm và đầu tư xứng đáng

Việc các trường đại học chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến vì đại dịch Covid-19 cũng là thời cơ để giáo dục đại học “chuyển mình” mạnh mẽ nhằm thích ứng với công cuộc chuyển đổi số.