Làm việc không tốt là “tự sát”

Đây là ví von của ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đơn vị thực hiện thí điểm tự chủ từ nhiều năm nay.

Theo ông Dũng, để tự chủ đại học cần một hiệu trưởng năng động và vững tay lái.

“Lúc này, trường không nhận kinh phí chi thường xuyên. Tuyển sinh kém, nguồn thu không tốt sẽ dẫn tới giải tán, bởi thu nhập giảng viên kém thì mất đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất không đầu tư, chất lượng đào tạo kém thì sinh viên sẽ không vào. Do vậy, hiệu trưởng có vai trò nòng cốt trong sự thành công của nhà trường, nếu hiệu trưởng làm việc không tốt sẽ dẫn tới “tự sát””.

Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, từ khi tự chủ học thuật, số bài báo ISI tăng lên gấp ba. Nếu trước đây trường phụ thuộc cơ chế khen thưởng của Bộ, thì hiện nay trường thưởng một bài báo đăng thuộc danh mục ISI là 100 triệu đồng. Theo ông Dũng, mức thưởng này tuy chỉ là trung bình so với các trường ĐH khác nhưng cũng đã khuyến khích giảng viên tham gia viết bài, đầu tư vào nghiên cứu khoa học, đầu tư phòng thí nghiệm.

Vì tự chủ, trường có chính sách thu hút người giỏi về công tác, mở các ngành nghề 'hot' như trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật dữ liệu… trong khi trước đây phải chờ Bộ phê duyệt rất lâu.

Ông Dũng cũng cho hay, từ khi thực hiện tự chủ, ngân sách của trường tăng gấp 5 lần, thu nhập của cán bộ, giảng viên tăng 2 lần, có chính sách giữ chân người tài. Trong 3 năm qua, việc đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm tăng 10 lần.

Đáng chú ý, điểm chuẩn đầu vào tăng lên 10 điểm, chất lượng đầu vào tăng, đầu ra tốt, quan hệ doanh nghiệp tốt…

{keywords}
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM 

Với kết quả khá ấn tượng, thế nhưng theo ông Dũng, việc trả lương cán bộ giảng viên trong trường phải hài hòa, tránh chênh lệch quá lớn tạo ra mâu thuẫn nội bộ.

Ví dụ như thưởng Tết nguyên đán 2020, người thấp nhất là 30 triệu đồng, còn hiệu trưởng là 70 triệu đồng.

Muốn tự chủ đúng nghĩa phải chấp nhận "vượt rào"?

Theo bà Vũ Thị Lan Anh, Trường ĐH Luật Hà Nội, thì liên quan đến lĩnh vực tài chính, bên cạnh các quy định theo Luật GDĐH (sửa đổi), các cơ sở GDĐH công lập vẫn phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Việc sử dụng tài sản của các trường còn chịu sự điều chỉnh của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...

Nhìn chung, các quy định của các pháp luật liên quan này chưa có những đặc thù cho GDĐH, vì thế, còn mâu thuẫn với Luật GDĐH (sửa đổi) dẫn đến vướng mắc, khó khăn trong các hoạt động liên quan đến mua sắm thiết bị, đầu tư công, xây dựng cơ bản ở các cơ sở GDĐH.

{keywords}
Nhiều văn bản được ban hành liên quan đến tự chủ đại học ở Việt Nam. 

Bà Lan Anh đã liệt kê một số nội dung mâu thuẫn. Trước hết, Khoản 2 Điều 66 Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) cho phép đối với các cơ sở GDĐH công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên thì hội đồng trường, hội đồng đại học được quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước cấp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Điểm g khoản 2 Điều 16 và điểm d khoản 3 Điều 20 cũng tiếp tục khẳng định thẩm quyền quyết định đầu tư cho Hội đồng trường và Hiệu trưởng.

Tuy nhiên, trên thực tế những quy định tiến bộ này khó thực hiện do vướng quy định tại Luật Đầu tư công. Điều 17 và Điều 39 Luật Đầu tư công quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, trong đó không có quy định thẩm quyền của cơ sở GDĐH công lập…

Hay điểm c, khoản 1 Điều 50 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định đối với các nguồn thu hợp pháp (có thể là các khoản vay, viện trợ ngoài ngân sách) đều là tài sản công và phải quản lý và sử dụng theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, chứ không thuộc quyền tự quyết của cơ sở GDĐH.

Điểm d khoản 3 Điều 20 Luật GDĐH (sửa đổi) quy định Hiệu trưởng “thực hiện bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh quản lý khác của cơ sở giáo dục đại học, quyết định dự án đầu tư theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học”, nhưng khoản 2 Điều 28 Luật Viên chức: “2. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện hoặc phân cấp việc bổ nhiệm, giải quyết thôi giữ chức vụ quản lý hoặc miễn nhiệm đối với viên chức”, trong trường hợp cơ sở GDĐH chưa tự chủ…

Vì vậy, PGS.TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), cho rằng với bối cảnh như hiện nay, để thực hiện tự chủ đúng nghĩa, hiệu trưởng phải chấp nhận việc "vượt" rào.

“Thậm chí, trong bối cảnh này, chẳng mấy hiệu trưởng dám theo con đường tự chủ. Bởi hiện nay, không có gì để bảo vệ hiệu trưởng khi đột phá.

Ví dụ khi muốn tuyển người tài, không thể tăng lương nhiều so với quy định chung. Hay muốn đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ mới thì cũng không có cơ chế. Chưa kể, đầu tư vào khoa học không phải lúc nào cũng 10 ăn 10.

Trách nhiệm lớn, có những quyết định rất rủi ro về mặt pháp lý, không có cơ sở nào bảo vệ chính mình nên chẳng mấy ai dám đột phá, mà chấp nhận thôi thì bình tĩnh, đi từ từ. Khi không nuôi dưỡng được tư duy đột phá thì rất khó tự chủ hiệu quả”, ông Thành nói.

PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Dược TP.HCM thì cho rằng: Trong cách vận hành của hệ thống giáo dục đại học hiện nay ở Việt Nam, hiệu trưởng là người có vai trò và có quyền hành lớn nhất. Hiệu trưởng là chủ tài khoản, đồng thời là người nắm con dấu của trường.

Luật Giáo dục Đại học (Luật 34) đã tạo điều kiện để các trường phát huy quyền tự chủ đại học. Nghị định 99/NĐ-CP hướng dẫn triển khai Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật 34 nhấn mạnh về thực quyền của hội đồng trường.

Về những bất cập do những ràng buộc của các Luật khác có liên quan, theo ông Tuấn, Chính phủ, các Bộ, ngành có thể cùng nhau ngồi lại giải quyết dứt điểm để tạo điều kiện để các trường triển khai thực hiện tự chủ.

"Giải quyết những vướng mắc này càng sớm thì càng có lợi cho nền giáo dục đại học nước nhà. Vì mục tiêu của tự chủ đại học chính là đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống kinh tế quốc dân" - ông Tuấn nói. 

Lê Huyền - Thanh Hùng - Ngân Anh

WB: Mức đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam rất thấp

WB: Mức đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam rất thấp

Theo WB, Việt Nam phân bổ nguồn lực công hơn 5% GDP cho giáo dục, tuy nhiên trong đó, mức đầu tư cho giáo dục đại học hiện rất thấp, chỉ chiếm 0,33%.