- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là một trong 6 trường được Bộ GD-ĐT giao làm đầu tàu triển khai đề án đổi mới. Trao đổi với báo chí PGS.TS Nguyễn Văn Minh hiệu trưởng nhà trường xác định nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là đào tạo và đào tạo lại.

Phải vượt qua chính mình

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Minh đào tạo và đào tạo lại là phần cơ bản, còn những phần khác, trường còn tham gia những phần khác như chuẩn bị cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Một đội ngũ rất lớn của nhà trường tham gia việc này.

{keywords}
PGS.TS Nguyễn Văn Minh

Một việc nữa cũng được nhà trường quan tâm là triển khai nội bộ trong nhà trường như thế nào, trước hết muốn đổi mới gì thì trong trường phải đổi trước. Vì vậy, cái khó nhất là chúng ta có vượt qua chúng ta hay không. Bởi vì thay đổi tư duy là rất khó khăn...

Nhưng đây là chuyện sống còn, cho nên phải thay đổi trong nhà trường trước.

Về đào tạo, chúng tôi cũng sẽ tiếp cận đào tạo làm sao để khi sinh viên ra trường cũng đáp ứng được nhu cầu phát triển năng lực cho học sinh. Điều này nhà trường cũng đã họp để rút ra kết luận và bắt đầu triển khai trong trường. Chẳng hạn như chương trình của nhà trường sẽ có những thay đổi. Chúng tôi cũng muốn nói là đào tạo trong các trường sư phạm không đủ để sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay được.

Tóm lại là có 3 việc đặt ra: trường sư phạm phải tự đổi mới, chúng ta phải sớm đào tạo được một đội ngũ để ra trường thích ứng được. Và quan trọng hơn là đội ngũ đang công tác hiện nay phải được đào tạo lại.

- Như ông xác định thì triển khai đề án đổi mới phải bắt đầu từ các trường sư phạm. Sự tiên phong này chắc chắn sẽ không tránh được những khó khăn, thách thức. Theo ông, những khó khăn đó là gì?

Như tôi đã nói vượt qua được mình thì khó lắm. Chúng ta tư duy theo lối mòn. Bây giờ thay đổi thói quen là khó.

Ở trường tôi cũng phải làm làm sao cho tính đồng thuận cao. Vừa rồi trường đã phải làm động tác là mở các hội thảo ở các khoa để có sự thống nhất, đồng lòng. Sau đó đến cuối tháng 12 sẽ có một hội thảo chốt ở cấp trường.

Tôi nghĩ rằng bản thân một người thầy ai cũng muốn có sự phát triển. Mặc dù lúc đầu có những khó khăn như thế nhưng nếu mình giải thích rõ, mình động viên được và tạo ra được môi trường cho các thầy cô làm việc để yên tâm cống hiến thì tôi nghĩ chuyện đó có thể vượt qua được.

Nhưng khó khăn chỉ là lúc đầu thôi. Quan trọng nhất là mình tạo ra sự đồng thuận.

Lộ trình xây dựng chuyên gia

Việc chuẩn bị đội ngũ chuyên gia có là một trở ngại cho trường trong việc triển khai đổi mới?

- Hiện tại trong biên chế của chúng tôi có 15 giáo sư, 127 phó giáo sư, 256 tiến sĩ trên tổng số 800 giảng viên. Có thể nói rằng chúng tôi có đủ đội ngũ để làm việc.

Tuy nhiên, chuyên gia ở đây đừng quan niệm một người giỏi là chuyên gia. Chuyên gia là ngoài chuyên môn ra phải có đầu óc tổng thể, chiến lược và có khả năng xây dựng chiến lược lớn của nhà trường cũng như của ngành.

Vì thế nên ngay từ khi tôi được nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng, tôi có đọc một cuốn sách là “Lộ trình xây dựng chuyên gia”. Để có một chuyên gia thực sự phải mất 10-15 năm. Bản thân người đó phải có năng lực thì với tư cách là lãnh đạo phải có trách nhiệm ủng hộ các điều kiện để người ta phát triển về nhiều mặt, cả về tầm nhìn và chiến lược...

Với tiềm lực hiện có và lộ trình đặt ra, tôi nghĩ đổi mới chắc chắn là thành công.

Bộ trưởng tập trung 6 trường như thế cũng có dụng ý là tập trung sức mạnh. Theo nhận xét của anh thì không chỉ riêng trường anh mà ở cả 5 trường kia thì đội ngũ chuyên gia có phải là vấn đề đáng lo ngại không? Vì thực tế các thầy chú tâm vào việc đi dạy hơn là nghiên cứu?

- Đánh giá như vậy thì không công bằng lắm. Ví dụ như trường tôi hiện tại vẫn giữ 1 giảng viên/ 14 sinh viên có lẽ là tỷ lệ khá thấp và chúng tôi vẫn kiên quyết việc này. Tức là thầy dạy ít, đủ giờ cũng như phải đi dạy nguồn này nguồn kia để giải quyết cuộc sống. Điều đó chúng ta phải nói thật với nhau.

Nhưng một trong những nhiệm vụ của giảng viên là nghiên cứu khoa học, vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn, ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi xét thi đua nếu không có kết quả nghiên cứu khoa học thì không có thi đua.

Còn một số trường khác thì tôi cũng không theo dõi sát, thế nên rất khó để nói điều đó.

Mới đây, ông vừa được sang Hàn Quốc học tập mô hình đào tạo sư phạm, ông đã có ý tưởng gì sau chuyến đi vừa rồi?

- Thực ra cũng có một số ý tưởng nhưng cũng hơi trải dài nên có lẽ cho tôi trả lời vào một dịp khác.

Một điều các trường sư phạm chúng tôi đặt ra là phải thống nhất với nhau về chương trình hành động.

Cuối tuần này sẽ có buổi gặp mặt Hiệu trưởng các trường sư phạm trên toàn quốc. Chúng tôi sẽ làm việc với tinh thần trao đổi hết sức thoải mái, thẳng thắn và thống nhất với nhau. Sau đó sẽ có ý kiến chung nhất để báo cáo với Bộ GD-ĐT để thực hiện.

Cảm ơn ông!

  • Nguyễn Hiền - Nguyễn Thảo