- Huỳnh Anh Huy hiện đang là kỹ sư phầm mềm cao cấp ở Google với 8 năm gắn bó ở tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Chia sẻ của anh về môi trường làm việc tại Google cũng như một vài lời khuyên cho các bạn trẻ muốn vươn ra toàn cầu.

Huỳnh Anh Huy sinh năm 1984 ở Đà Nẵng trong gia đình có 3 anh chị em. Ngay từ những năm học THCS cậu học trò nhỏ đã xác định được đường đi cho tương lai của mình đó là công nghệ thông tin, khoa học máy tính. “Khi đó anh trai mình đã là sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Mình sớm được tiếp cận và đam mê những ngôn ngữ lập trình, những điều thú vị mà con người có thể làm được với máy tính” – Huy chia sẻ.

Lên lớp 10, Huy học lớp chuyên Tin tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng). Lớp 11 anh thi giành giải Nhất HSGQG bộ môn này và được tuyển thẳng vào đại học sau khi hết lớp 12. Tuy nhiên gia đình đã quyết định cho Huy đi du học Mỹ.

Cú sốc đầu đời

Sang Mỹ, Huy học ngành Khoa học máy tính tại ĐH UC Irvine, bang California. Với vốn tiếng Anh đã được học từ lớp 3 nhưng Huy vẫn khá sốc trước môi trường mới, văn hóa mới.

{keywords}
Huỳnh Anh Huy ngoài đời là chàng trai cởi mở và thân thiện.

“Mình khá tự tin với ngữ pháp, đọc và viết bài tốt nhưng trở ngại xảy ra khi phải trò chuyện với bạn bè. Mọi người không chỉ đơn giản là nói. Trong giao tiếp còn là văn hóa, cách hành xử thông qua cử chỉ, nét biểu cảm của bạn. Việc phát âm của mình khi đó không tốt, khá lộn xộn, bạn Mỹ phải nghe mình nói nhiều lần mới hiểu được” – anh chia sẻ.

Mất gần hai học kỳ của năm thứ nhất Huy phải tập trung cho việc rèn luyện phong thái giao tiếp, cách phát âm. Anh lên thư viện và được trường học thông qua một phần mềm phát âm cùng với đó là việc mạnh dạn trò chuyện với bạn bè để tự học hỏi. “Trong tiếng Anh và tiếng Việt đều có những âm, vần cơ bản. Nếu học bài bản thì việc đánh vần sẽ không khó, mọi thứ sẽ tự nhiên đúng” – Huy cho biết.

Theo anh: “Nếu nói chuyện người nước ngoài không tự nhiên sẽ là rào cản để bạn vươn ra toàn cầu. Ngành nào cũng vậy, đây là yếu tố đầu tiên và quan trọng để bạn bước ra với thế giới. Ngành CNTT có lợi thế đôi chút khi không dựa hoàn toàn vào ngôn ngữ. Nhưng khi bạn làm đủ lâu, trước những bài toàn phức tạp mọi người lại phải ngồi với nhau, nói cho nhau hiểu, đưa quan điểm để cùng thảo luận”.

Điều thú vị ở trường học tại Mỹ

Môi trường đại học và các trường học ở Mỹ theo Huy rất tốt trong việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người học.

{keywords}
 Anh Huy: "Tôi may mắn khi xác định được đường đi cho tương lai ngay khi mới học THCS".

Trong khi phòng đào tạo ở VN làm quá nhiều việc hành chính hay các trường phổ thông lĩnh vực này bị bỏ trống thì theo Huy: “Tại Mỹ các trường có những phòng riêng tư vấn nghề nghiệp khá thú vị. Bạn chỉ cần hẹn lịch họ sẽ nhiệt tình đón tiếp. Không chỉ tư vấn nghề nghiệp, nhân viên ở đây còn hướng dẫn bạn cụ thể việc này nên học ở mùa này, kỳ này, học ở lớp nào sao cho tốt nhất với nhu cầu và khả năng của bạn”.

Học đại học, Huy ban đầu xác định sẽ học tiếp lên nhưng khi tham gia nhiều các dự án khác nhau về khoa học máy tính, quan điểm đó của Huy dần thay đổi. Dù muốn hay không nhưng khi vào đại học bạn sẽ có các môn học phải học theo dự án khiến mỗi cá nhân phải mày mò giải quyết.

Huy cùng các anh chị khóa trên và các giáo sư tại trường vừa giúp làm phần mềm cho một doanh nghiệp rồi nghiên cứu sản phẩm liên quan đến mã nguồn mở ở ĐH.

Năm 2007, một năm trước khi tốt nghiệp anh được Google nhận vào thực tập sau một số vòng phỏng vấn. 3 tháng sau chàng sinh viên đã được nhận làm chính thức tại tập đoàn công nghệ này. Anh quyết định dừng việc học sau đại học như đã dự định bởi những điều thú vị khi làm ra sản phẩm giúp ích cho người dùng toàn cầu.

Không ai thành công một mình

Từ khi học đại học đến quá trình nộp hồ sơ, vào làm việc tại Google Huy nói anh luôn may mắn có những người đi trước và được ở trong một môi trường làm việc cởi mở.

Tại Google, Huy hiện đã trải qua ba nhóm làm việc ở ba lĩnh vực khác nhau: 5-6 năm đầu anh làm trong nhóm kiểm định chất lượng sản phẩm tìm kiếm (Search Quality); sau đó làm tiếp ở nhóm Android (Google Keep – sản phẩm là ứng dụng ghi chú nhanh của Google), từ đầu 2015 đến nay là điện toán đám mây (Cloud Computing). Từ thung lũng Silicon anh đã chuyển đến Seattle để được trải nghiệm và thử thách mới.

{keywords}
Huỳnh Anh Huy hiện là kỹ sư phần mềm cao cấp tại Google.

Theo Huy: “Google luôn cởi mở và khuyến khích bạn chuyển sang các nhóm làm việc khác nhau ở tập đoàn. Mỗi lần như vậy bạn được học thêm nhiều điều, kiến thức của bạn được xem là có giá trị cho mọi người và tạo điều kiện để bạn thể hiện hết tất cả những gì bạn có”.

Huy chia sẻ: “Tại Google có rất nhiều người giỏi và mọi người không có chuyện giấu giếm kiến thức hay khó khăn với nhau. Tất cả đều được tôn trọng. Và vì giỏi nên không cần ai giám sát ai. Thông thường 3 tháng đầu tiên tại Google, một nhân viên mới chỉ có học và học, không ai cần bạn sẽ làm được điều gì bởi vì có quá nhiều thứ để bạn học và làm quen từ hệ thống tài liệu cùng với mã nguồn mở được mọi người chia sẻ cực kỳ phong phú”.

“Ở môi trường mọi người đều tôn trọng nhau nên không có chuyện tranh cãi, chỉ có góp ý và hợp tác với nhau nên giải quyết được các việc lớn. Ở đây không có sản phẩm nào là của cá nhân. Mọi người thoải mái cùng làm việc nên sản phẩm tạo ra lớn hơn nhiều so với từng người làm cộng lại”.

Ngoài việc được phục vụ tất tần tật từ thức ăn đồ uống, sữa chữa máy tính cá nhân,vv Huy cũng cho biết tại Google cũng không yêu cầu anh phải đến sở làm theo giờ nhất định mà dựa vào năng suất của mỗi người.

Tại Google cũng có các bậc kĩ sư, quản lí, người có thâm niên hay một nhân viên mới, nhưng khi bước vào phòng họp, theo Huy mọi người nói chuyện, lập luận dựa trên luận chứng và số liệu. Mọi trao đổi đều dựa vào đó. Đặc biệt là không có sự công kích cá nhân. Khi bước ra khỏi bàn họp mọi người đều đi tới những quan điểm chung, cùng bắt tay vào làm việc, và quan hệ với nhau đều rất tốt và vui vẻ.

Mong muốn tập trung giải quyết những vấn đề khó, mang tính toàn cầu nên Huy nói anh muốn t tiếp tục tập trung giải quyết những bài toán chưa được giải trong điện toán đám mây (Cloud Computing).

Khi được hỏi về lời khuyên cho bạn trẻ, anh tâm sự: “Có một câu nói mình rất thích là không ai đạt được thành công một mình. Xung quanh bạn rất nhiều người giỏi, hãy biết chọn lọc tìm tới họ để lắng nghe lời khuyên. Tranh luận chứ đừng tranh cãi. Ghi nhận những góp ý và đóng góp của người khác. Nếu biết kết nối với người đi trước, luôn mong muốn tìm sự giúp đỡ, khiêm tốn học hỏi, bạn sẽ tiến bộ rất nhanh”.

Huy cũng bật mí, trong một lần về Việt Nam anh tìm đọc được cuốn Tony buổi sáng. Anh cho rằng đây là cuốn sách rất hay, đáng đọc về thái độ sống và làm việc cũng như cách tư duy để bạn đạt đến thành công trong cuộc sống.

  • Văn Chung