Theo nội quy học đường mới về tác phong sinh viên có 2 điều nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều. Ở điều 1, nhà trường có yêu cầu: “Khi đến trường học tập hay liên hệ làm việc với các Phòng, Ban, Khoa, Trung tâm, đơn vị thuộc trường phải mặc đồng phục và đeo thẻ sinh viên”. Ở điều 2 quy định sinh viên phải “Quần áo chỉnh tề, đầu tóc nam, nữ phải gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu. Đặc biệt là sinh viên không cạo trọc đầu (trừ trường hợp đang điều trị bệnh hoặc nhà tu hành đang theo học, sinh viên nam không để tóc dài…)”.

{keywords}
Nữ sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (Ảnh minh họa: Lê Huyền). 

Cuộc tranh luận bắt đầu gay gắt hơn khi trang Facebook HUFI Confessions (trang riêng tư do sinh viên của trường lập ra) đăng bài viết của một sinh viên giấu tên, cho rằng quy định này đang làm mất đi tự do cá nhân của sinh viên.

Đầu tiên, sinh viên này thắc mắc về việc nội quy mới của nhà trường đã thông qua khảo sát hay lắng nghe ý kiến từ các sinh viên hay chưa? “Nếu là đơn phương thì em thấy nó vô cùng bất công đối với sinh viên tụi em. Em cảm thấy mình hoàn toàn không có quyền dân chủ hay là tự do nào cả”.

Sinh viên này cũng nhấn mạnh rằng, bản thân hoàn toàn đồng ý với ý kiến về mặc đồng phục của trường. Tuy nhiên, nhà trường không nên bắt sinh viên phải mặc đồng phục nguyên tuần, đồng thời cũng phản đối việc có đội xung kích theo dõi việc mặc đồng phục. Với những lý do như áo sờn hoặc có thể giặt không kịp khô, sinh viên này đưa ra gợi ý nhà trường chỉ nên yêu cầu sinh viên mặc đồng phục 1 – 2 ngày/ tuần kết hợp với đeo thẻ sinh viên.

Ở điều 2 quy định sinh viên không được cạo trọc đầu hay nam sinh không được để tóc dài, sinh viêm cũng tỏ ra băn khoăn trong bài viết. “Em không hiểu việc em tóc dài hay ngắn, trọc hay không trọc thì có ảnh hưởng gì đến trường ạ? Miễn sao không phải em đến trường với trạng thái tóc tai rối bù xù hay như tổ quạ là được”.

Bên cạnh đó, sinh viên này cũng cho rằng, có những quy định mà nhà trường đưa ra là không cần thiết, ví dụ như giữ tư thế nghiêm chỉnh. Vì “Đó là phép lịch sự cơ bản, sự tôn trọng tối thiểu của người với người”.

{keywords}
TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, mặc đồngphục là để nhằm xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo.

Bài viết của bạn sinh viên này ngay sau đó đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận. Một số người cho rằng yêu cầu về đồng phục là hợp lý.

Bạn Phạm Thái bình luận: “Tôi thấy mặc đồng phục có sao đâu. Cả trường mặc áo sơ mi nhìn đẹp mà”. Bạn Hiếu Thảo cũng cho rằng nên có nội quy ở trường học: “Trường là nơi học tập nghiêm túc và cần có quy định. Việc sinh viên đi học chấp hành nội quy là điều hiển nhiên mà”. Một sinh viên khác cũng phản hồi với ý kiến đồng tình nội quy: “Mình thấy mặc đồng phục hợp lý mà. Trường mình đâu phải ai cũng con nhà khá giả. Có những người con chật vật với cuộc sống sinh viên, mặc đồ quá tự do sẽ tạo ra ranh giới giữa giàu và nghèo trong một lớp”.

Nhưng bên cạnh đó, cũng có khá nhiều ý kiến có cùng quan điểm với bạn sinh viên giấu tên. Bạn Phạm Hiền cho rằng, quy định cấm cạo trọc đầu cực kỳ vô lý. Sinh viên đã trên 18 tuổi, có quyền tự chủ với bản thân. Và quy định này còn có khả năng gây ra tâm lý kì thị người khác. Hay theo quan điểm của bạn Quang Hữu, một sinh viên đã có cơ hội đi làm cho biết, trong công ty của bạn không có bắt buộc về đồng phục. Điều đó giúp nhân viên được thoải mái tâm lý và có thể sáng tạo hơn trong công việc.

Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, sinh viên của trường chỉ bị bắt buộc mặc áo đồng phục của trường, còn mặc quần hay váy thì tùy từng người. Việc mặc đồng phục nhằm để nhận diện thương hiệu của nhà trường.

TS Hoàn cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất khi đưa ra nội quy về đồng phục là  nhằm xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo trong cộng đồng sinh viên. Bởi không phải ai cũng có hoàn cảnh như nhau. Còn về quy định cấm cạo trọc đầu, nhuộm tóc xanh đỏ hay nam để tóc dài, lãnh đạo nhà trường cùng thống nhất ý kiến cho rằng ngoại hình như vậy có phần không phù hợp với một sinh viên ngồi học trên giảng đường.

Ông Hoàn khẳng định khi đưa ra quy định, các nhân viên, giảng viên trong trường đã có truyền đạt với sinh viên lý do vì sao lại đưa ra những quy định như vậy. Riêng với yêu cầu đồng phục, nhà trường sẽ tạo điều kiện sinh viên mua đồng phục với giá hợp lý.

Ở TPHCM hiện nay, có nhiều trường quy định về việc mặc đồng phục, cụ thể như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, Trường ĐH Ngoại Thương TPHCM… Việc quy định này góp phần hình thành nhân cách, tác phong môi trường công sở sau này.

Khánh Hòa - Lê Huyền

 

Không biên soạn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục sử dụng 16 triệu USD làm gì?

Không biên soạn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục sử dụng 16 triệu USD làm gì?

- Hơn 16 triệu USD được thiết kế vay để biên soạn 1 bộ SGK nhưng sau đó Bộ GD-ĐT báo cáo không thực hiện được. Dư luận đặt băn khoăn số tiền này được sử dụng để làm gì.