Nguyễn Hoàng Giang (27 tuổi) từng có 6 năm đi du học ở hai điểm đến giáo dục hấp dẫn nhất thế giới là Anh và Mỹ. Sau khi trở về nước, một số thói quen trong cách cư xử tại đất nước mình khiến cậu bỗng cảm thấy “cô đơn”.

{keywords}

Nguyễn Hoàng Giang từng dành học bổng $230,000 trong 4 năm tại Haverford College, Mỹ; Học bổng £47,000 trong 2 năm tại the Royal School Wolverhampton, Anh; Học bổng £40,000 trong 2 năm tại Ruthin School, Anh; Học bổng toàn phần ASSIST trong 1 năm học tại Mỹ.

Khi đi mua hàng, không hài lòng sẽ được trả lại

Hồi mới sang Anh, để phục vụ cho việc học Toán cấp cao và thi quốc gia, tôi đã mua một chiếc máy tính cầm tay với giá hơn 100 bảng (khoảng 2,8 triệu đồng). Nhưng khi đọc nội quy cuộc thi, tôi phát hiện ra chiếc máy tính ấy quá xịn nên không được phép mang vào phòng.

Bối rối vì một khoản đầu tư có thể không mang lại lợi ích, tôi đã viết email gửi cho cửa hàng với mong muốn có thể trả lại. Thật bất ngờ, không lâu sau đó tôi đã nhận được thư hồi âm: “Bạn hãy gửi lại máy tính theo hướng dẫn này, chúng tôi sẽ hoàn tiền cho bạn”.

Sau này tìm hiểu tôi mới biết rằng ở Anh và Mỹ, bất cứ thứ gì mình mua nếu không hài lòng đều có thể trả lại.

Nhưng về Việt Nam, một món đồ đã mua muốn trả lại sẽ rất khó. Tất nhiên cũng có những cửa hàng sẽ tạo điều kiện cho khách hàng đổi trả, nhưng thường thì khách hàng cũng phải đổi sang một sản phẩm khác có giá bằng hoặc cao hơn thay vì được hoàn lại tiền.

Điều này dẫn đến tâm lý bán được hàng là xong thay vì chú trọng việc làm hài lòng khách hàng để tăng chất lượng sản phẩm và mang lại lợi ích dài hạn.

Nói cảm ơn rất nhiều và luôn cười thân thiện

Là khách hàng, mỗi khi đi taxi hay mua hàng tôi đều nói cảm ơn. Điều này khiến một số người cung cấp dịch vụ cảm thấy bất ngờ. Nhưng ở bên Mỹ, cảm ơn luôn là câu nói cửa miệng.

Thậm chí tại nhiều cửa hàng, nếu nhân viên không nói cảm ơn sẽ có thể bị đuổi việc. Có một công ty đồ uống lớn tại Mỹ đã dạy nhân viên: “Với mỗi khách hàng, bạn phải biến họ trở thành người đặc biệt”. Đó là lý do vì sao họ luôn nhìn vào mắt khách hàng, cười với khách hàng,… Luôn luôn là như thế.

Gặp nhau hiếm khi nói chuyện phiếm

Đây là điểm khác biệt rõ nét tôi nhận thấy khi trở về nước. Ở Mỹ, khi ngồi với nhau, mọi người thường chia sẻ về công việc, ví dụ: “Này Eric, dự án của cậu làm đến đâu rồi?”, “Tớ có một vài chỗ vướng mắc đang muốn nhờ cậu tư vấn đây”.

Về Việt Nam, nhiều lúc tôi cảm thấy cô đơn vì khi đi café, mọi người chủ yếu chỉ thích nói chuyện phiếm. Mọi người cũng thường lảng tránh nói về công việc mà chỉ nói những chuyện như: “Vì sao cô bé kia chia tay người yêu?”, “Đi ăn tráng miệng ở đâu là ngon nhất?”,…

Không uống rượu bia ngoài đường

Ở Mỹ, trên mọi phương tiện công cộng từ tàu điện đến xe bus, hành khách sẽ không được dùng đồ ăn và nước uống. Hay tại các hàng quán ở Anh, mọi người đều không được hút thuốc lá. Rượu bia cũng là những thứ bị cấm khi uống ngoài đường.

Nhưng việc thực hiện điều này ở Việt Nam lại rất hạn chế. Mọi người thường uống rượu bia, hút thuốc lá ở bất kỳ nơi nào. Vì vậy, tôi rất ngại khi đến một quán lạ vì có thể không khí ở đó sẽ không trong lành như tôi mong muốn.

Đi thang cuốn luôn đứng bên phải

Ở Anh, khi đi thang cuốn, mọi người luôn đứng về bên phải để những người đằng sau muốn đi nhanh hơn có thể vượt lên. Nhưng ở Việt Nam, sự chen lấn xảy ra ở khắp nơi từ việc đi thang máy, lên xe bus hay đi mua hàng.

Ngoài ra, người Việt thường dùng đồ ăn xong sẽ vứt luôn ngay tại chỗ vì không muốn cầm theo. Nhưng ở những nước phát triển, sau khi dùng xong họ sẽ giữ cho đến khi nhìn thấy thùng rác.

Đạo văn sẽ bị đuổi học

Ở những nước phát triển, chuyện đạo văn là một điều cấm kị. Khi đạo văn, bạn sẽ bị kỷ luật cực kỳ nặng, thậm chí là đuổi học. Nhờ vậy sinh viên của họ luôn luôn sáng tạo và luôn tìm ra những cái mới. Đáng tiếc, tôi cũng biết có nhiều sinh viên Việt khi đi du học Mỹ đã bị đuổi học vì trót “copy - paste” để đưa vào luận văn của mình.

Chăm chỉ là không trì hoãn

Tuần trước có một bạn học sinh đến gặp tôi và nói muốn đi du học Mỹ. Tôi nói với bạn ấy rằng: “Với xuất phát điểm này, em phải cố gắng nhiều hơn nữa và muốn thành công cần rất chăm chỉ”. Bạn học sinh ấy có nói với tôi: “Anh yên tâm, chăm chỉ là nghề của em. Trước đây chỉ trong vòng một tháng em có thể học được hết một quyển sách để đi thi”.

Các bạn luôn nghĩ một tháng mình có thể học được tất cả mọi thứ và nghĩ mình là siêu nhân. Nhưng thực ra đó không phải là sự chăm chỉ. Đó là biểu hiện rõ ràng của sự trì hoãn, lười biếng.

Khi mình chỉ muốn có kết quả nhanh, mình cũng dễ trở thành nạn nhân của những cú lừa đau đớn và những lời hứa không bao giờ thực hiện được.

Thay vì đặt mục tiêu 1 tháng, 3 tháng, hãy chuyển sang đặt mục tiêu 3 năm, 10 năm với những hạn chót nhỏ. Thành công lớn chỉ đến với những người có mục tiêu dài hạn cùng sự chăm chỉ trong từng thời gian ngắn hạn.

Thúy Nga (Ghi)

Nam sinh giành HC Vàng quốc tế biết tính số hàng nghìn từ khi 2 tuổi

Nam sinh giành HC Vàng quốc tế biết tính số hàng nghìn từ khi 2 tuổi

 - Theo lời kể của bố, Bùi Hồng Đức - nam sinh vừa giành Huy chương Vàng Olympic Tin học quốc tế - có thể đọc và cộng nhẩm số hàng nghìn từ khi mới hơn 2 tuổi.