Nguyễn Dương Kim Hảo (sinh năm 2001) là cựu học sinh Trường Phổ thông Năng Khiếu - ĐH Quốc gia TP.HCM. Cậu từng đoạt Huy chương Vàng triển lãm Sáng tạo trẻ quốc tế IEYI 2 năm liên tiếp tại Malaysia (2013 và 2014), đoạt giải thưởng đặc biệt của Viện sáng tạo Hàn lâm Hàn Quốc, giải thưởng Best Young Inventer của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO... 

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Kim Hảo đã làm việc trong một doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, một người thầy đã giới thiệu về Trường Đại học Nebraska-Lincoln (UNL) với Hảo.

{keywords}
Kim Hảo (ngoài cùng bên phải) và các thành viên trong đội tham gia ACM (The International Collegiate Programming Contest) - cuộc thi về lập trình/thuật toán cho sinh viên năm 2019 và được hạng nhì khu vực North Central. Ảnh: NVCC

Mặc dù vậy, điều Hảo lo lắng và khả năng sử dụng Tiếng Anh còn hạn chế.

“Có lẽ không có khả ngôn ngữ tốt nên học Tiếng Anh rất khó đối với em. Em tự học, rồi nghe, đọc các bài diễn thuyết, bài viết bằng Tiếng Anh về những chủ đề mà em thích...

Đến giờ, em có thể dùng Tiếng Anh khá thoải mái trong việc học, nhưng trong giao tiếp hàng ngày thì còn cần phải cải thiện nhiều" - Hảo kể.

Cuối cùng, Hảo lên đường du học với học bổng 50% học phí ngành Khoa học máy tính. Sau 1,5 năm du học, Hảo nói mình rất hài lòng về sự lựa chọn này.

“Trước khi qua đây, em cũng khá lo lắng, nhưng qua rồi mới thấy cơ hội bao la luôn”. 

Hào hứng với nghiên cứu khoa học

Hảo cho hay đang nghiên cứu làm một framework (Framework được định nghĩa là một bộ khung cung cấp các chức năng, giải pháp được cài đặt sẵn giúp tiết kiệm thời gian trong quá trình phát triển ứng dụng) để mô phỏng hệ miễn dịch ở động vật, với mục tiêu cuối cùng là mô phỏng hệ miễn dịch người, với giảng viên của khoa hóa sinh.

Ngoài ra, Hảo cũng nghiên cứu các kỹ thuật kiểm thử phần mềm với giảng viên của khoa Khoa học máy tính.

Điều Hảo cảm thấy may mắn là đã gặp được thầy hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Tháng trước, một báo cáo do cậu làm tác giả chính được chấp nhận vào "top" của một hội nghị quốc tế.

{keywords}
Nhóm của Kim Hảo ở vòng thi ACM toàn nước Mỹ. Ảnh: NVCC

“Em nghĩ những cái hồi xưa em làm thì dễ hơn rất nhiều. Những kiến thức cần để làm những sản phẩm đó đều có sẵn hết, chỉ cần học hay tìm hiểu là sẽ làm được.

Còn nghiên cứu khoa học thì khác hoàn toàn. Những cái mình làm người khác chưa làm bao giờ, và cũng không có "lộ trình" rõ ràng nữa. Vậy nên trong lúc làm phải suy nghĩ rất nhiều, thử nghiệm rất nhiều, và thất bại cũng rất nhiều”.

Một niềm vui khác nữa của Hảo là trong năm học, cậu tìm được việc làm ở các phòng thí nghiệm của trường. Đến năm nay, cậu đã được thêm học bổng 25% học phí nữa. Ngoài ra, mùa hè vừa qua, Hảo được nhận thực tập ở Facebook. Người tuyển dụng đã nói với Hảo rằng cậu là sinh viên năm nhất duy nhất được nhận thực tập về Production Engineering...

“Em dùng học bổng, rồi lương thực tập và tiền làm nghiên cứu thì đủ hết rồi, nên năm nay, nhà không còn phải gửi tiền cho nữa”.

"Thất bại đáng giá nhất"

{keywords}
 

Theo lời Hảo, “thất bại đáng giá nhất” cậu từng gặp là tại cuộc thi Tin học trẻ của TP.HCM. Thời điểm đó, Hảo là học sinh lớp 5, mới chuyển từ quê Tiền Giang lên TP.HCM.

“Em mất gần 1 năm trời làm sản phẩm "Bảng điều khiển thông minh" để dự thi. Em "cưng" sản phẩm của mình hết mức, chăm chút từng tí một để hoàn thiện sản phẩm đó. Và lúc đó, em cực kì tự tin sẽ được giải nhất...

Nhưng em đã sai lầm là không luyện tập phần thuyết trình kỹ càng. Hôm dự thi, em đã không bảo vệ được sản phẩm của mình. Và em nghĩ là các thầy cũng không tin là em làm nó. Có một thầy nói "Chỉ cần em làm được phần nhỏ của sản phẩm này thôi cũng là rất giỏi rồi"”.

Sau buổi thi, cậu bé đã bật khóc. Cuối cùng, Hảo chỉ được giải Nhì thành phố (không có giải Nhất) và được chọn tham gia cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc.

Lần này, Hảo dành thời gian để luyện tập bài thuyết trình, và kết quả là chàng trai lớp 5 đã giành được giải Nhất của cuộc thi.

"Bài học rất lớn đối với em là cho dù có làm tốt tới đâu mà không bảo vệ được thì tất cả sẽ đổ sông đổ bể. Và em luôn nhớ về ngày đó khi làm bất cứ việc gì. Em nghĩ cũng nhờ nó mà mình mới đạt được thành tích rất tốt trong các cuộc thi sau này. Những năm sau em thi, các thầy đều tin tưởng vào khả năng của em” – Hảo chia sẻ.

Hết kỳ nghỉ đông này, Hảo sẽ bắt đầu học kỳ thứ 4. Ở Mỹ đã hơn một năm rưỡi, dù “bây giờ gọi video tiện lắm, em vẫn thường gọi về nhà”, nhưng niềm mong mỏi lớn nhất của Hảo lúc này là dịch Covid mau được khống chế để về Việt Nam thăm gia đình.

“Em thèm ăn đồ mẹ nấu. Ở đây có quán phở, rồi bánh mì, bún thịt nướng đủ cả, nhưng không ngon bằng”.

Những thành tích nổi bật của Nguyễn Dương Kim Hảo:

- Huy chương vàng triển lãm sáng tạo trẻ quốc tế IEYI 2 năm liên tiếp tại Malaysia (2013 và 2014).

- Huy chương vàng của Viện sáng tạo trẻ Indonesia.

- Giải thưởng đặc biệt của Viện sáng tạo Hàn lâm Hàn Quốc.

- Giải thưởng Best Young Inventer của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO.

- Đạt 5 giải Nhất Hội thi Tin học trẻ Toàn quốc trong 4 năm liên tiếp (từ năm 2012 đến 2015). Hảo là thí sinh đầu tiên và duy nhất trong lịch sử hội thi đạt được 5 giải nhất và là thí sinh duy nhất đoạt hai giải nhất ở hai bảng thi khác nhau trong cùng một năm.

- Đạt 2 giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng Toàn quốc (2013 và 2015).

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2014 và 2016...

Ngân Anh

Cựu học sinh chuyên toán với kinh nghiệm tồn tại ở những 'gã khổng lồ công nghệ'

Cựu học sinh chuyên toán với kinh nghiệm tồn tại ở những 'gã khổng lồ công nghệ'

Dù học chuyên Toán nhưng lại bộc lộ khả năng nổi trội trong các kì thi Tin học, cậu học trò trường chuyên Sư phạm ngày nào hiện giờ đã rất vững vàng trong môi trường đầy áp lực tại các công ty công nghệ lớn nhất thế giới.