- Từ một nam sinh “mở trang web của trường ra mà không hiểu gì” tới thực tập sinh đầu tiên của Việt Nam ở NASA – Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ, Trương Ngọc đã trải qua những giai đoạn thực sự khó khăn khi vật lộn với môn tiếng Anh.

{keywords}
Trương Ngọc - sinh viên năm thứ 4 ngành Vũ trụ và Hàng không, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thảo

Bước vào năm thứ 4 ngành Vũ trụ và Hàng không, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) cũng là lúc Trương Ngọc nhận được suất thực tập 3 tháng tại trụ sở của NASA ở Sillicon Valley, Mỹ.

Hiện tại, Ngọc đang sống giữa đất Mỹ và hằng ngày làm việc cùng các nhà khoa học nước ngoài bằng tiếng Anh, nhưng ít ai biết cách đây 4 năm – khi còn học phổ thông, tiếng Anh của em rất tệ - như lời Ngọc thú nhận.

ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (hay còn gọi là ĐH Việt Pháp) có quy trình tuyển sinh hoàn toàn khác với các trường công lập ở Việt Nam. Để dự tuyển vào trường Ngọc phải viết bài luận và phỏng vấn bằng tiếng Anh. “Tiếng Anh của em tệ đến mức mở web của trường ra em không hiểu gì. Khi phỏng vấn, các thầy nói em nghe cũng chẳng hiểu gì. Cuộc phỏng vấn đó đúng là một thảm họa. Lúc đầu em dùng đủ mọi ngôn ngữ cơ thể, sau đó may mắn có một cô phiên dịch giúp”.

Ngọc kể lại, hôm đó đúng là một ngày may mắn với em. Khi em mô tả lại thí nghiệm đo gia tốc trọng lực của Trái Đất, em lấy bút dạ vẽ lên bảng, nhưng thực ra các thầy cũng chẳng hiểu gì.

“Cô phiên dịch nói, thực ra buổi hôm đó các thầy chẳng hiểu gì đâu. Nhưng có một “key answer” là: thầy hiệu trưởng hỏi em “thế tóm lại kết quả có ra 9,8 không?”. 9,8 là giá trị tiêu chuẩn mà các nhà khoa học đo được. Tất nhiên sinh viên đồ đạc dởm, đo thế nào được 9,8. Em trả lời “không, em chỉ đo được 8 phẩy mấy thôi”, thầy nói “ok, you pass”. Thực ra thầy chỉ muốn kiểm tra xem mình có làm thí nghiệm thật không”.

Ngọc chia sẻ, khi em quyết định học “science” cũng là lúc em nghĩ mình cần phải học tiếng Anh. Động lực của em xuất phát từ khoa học. Tài liệu tiếng Việt cũng rất nhiều và tốt nhưng không thỏa mãn hết đam mê, câu hỏi của chàng trai yêu Vật lý và Vũ trụ.

“Nếu bây giờ mình có thể tự đọc được tiếng Anh nghĩa là mình có thể khám phá được một thế giới khác, không phải phụ thuộc vào ai dịch. Đó là động lực đầu tiên. Động lực thứ 2 là em nghĩ những người làm khoa học phải trao đổi với nhau rất nhiều. Mình muốn làm nhà khoa học thì mình phải có khả năng trao đổi”.

{keywords}
Ngọc chụp tại mô hình nhà ga vũ trụ quốc tế. Ảnh: NVCC

Quá trình học tiếng Anh của Ngọc cũng đòi hỏi nhiều sự kiên trì. “Ban đầu em mua một cuốn luyện nghe. Em nghe không hiểu gì, sau đó em vừa nghe vừa nhìn phần “transcript”, nghe đi nghe lại, rồi đọc theo. Dần dần mình bớt nhìn đi. Quan trọng không chỉ là mình nghe được, mà mình học được cách sử dụng từ trong ngữ cảnh. Em nghe hết level này đến level khác. Nghe hết “advanced” rồi nghe đến IELTS”.

Mỗi ngày em dành khoảng 3 tiếng cho tiếng Anh, chia nhỏ ra nhiều lần, làm nó trở thành một thói quen hằng ngày giống như tập thể dục. Em cảm thấy rất sung sướng khi tự đọc được tài liệu, tự hiểu được những gì họ nói. Ngọc cho rằng, đôi khi mình phải thích và có động lực thì việc học tập sẽ hiệu quả hơn, giống như em lấy mục tiêu làm khoa học để buộc mình phải học tiếng Anh.

Ngọc cho biết, em chủ yếu tự học và có tham gia 2 khóa IELTS. Việc học ở trường hoàn toàn bằng tiếng Anh với những giảng viên người nước ngoài cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc giúp em làm quen và dần thích nghi với môi trường nghe nói tiếng Anh.

“Bây giờ việc học tập và nghiên cứu của em dùng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt. Ở trường, chương trình học của bọn em bằng tiếng Anh, thầy giảng tiếng Anh, tài liệu tiếng Anh. Bây giờ em sử dụng tiếng Anh thoải mái trong các hội nghị lớn mà không bị choáng ngợp. Mục tiêu của em là nói được tiếng Anh như người bản ngữ.”

Ngọc nói, “bây giờ mình còn trẻ, mình phải tận dụng thời gian”, đặc biệt là trước những cơ hội học tập rất rộng mở như hiện nay. “Em thấy các em cấp 3 vẫn hay kêu không biết học gì, hay ở Việt Nam thiếu tài liệu. Ngược lại, tài liệu học tập trên Internet bây giờ rất nhiều. Bạn có thể học từ các giáo sư nước ngoài, các khóa học online của các trường hàng đầu thế giới như Harvard, Stanford…”

Được biết, cơ hội trở thành thực tập sinh ở NASA của Ngọc cũng là nhờ khả năng tự tìm kiếm cơ hội, học hỏi và kết nối của em với một giáo sư của NASA khi ông sang Việt Nam tham dự chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” của GS. Trần Thanh Vân vào tháng 7 năm ngoái. Chính vị giáo sư này là người đã nhận em sang phòng thí nghiệm của ông để nghiên cứu về vấn đề mà cả hai cùng quan tâm. Ông cũng là người kêu gọi ngân sách cũng như bỏ tiền túi để chi trả cho 3 tháng thực tập tại NASA của Ngọc.

  • Nguyễn Thảo