Học nghề và giờ đây trở thành bà chủ quản lý công ty với 100 lao động, Hiên vẫn trực tiếp làm các khâu từ thiết kế, lên mẫu và hoàn thiện chiếc áo tặng kỷ niệm Thủ tướng. “Tôi muốn gửi gắm đến Thủ tướng rằng những thí sinh tay nghề không chỉ giỏi ở các kỳ thi nghề mà còn có được những sản phẩm rất thực tế”, Hiên nói.

Với nhiều người, học nghề có thể là sự lựa chọn cuối cùng trên con đường bước vào đời, nhưng với Hiên, học nghề có lẽ là sự lựa chọn sáng suốt nhất, ít nhất đến thời điểm hiện tại. “Tôi cảm nhận rõ sự quan trọng và cần thiết của kỳ năng nghề đối với cuộc sống của mình”.

{keywords}
Chiếc áo có ghi dòng chữ "Kính tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc" được chị Vũ Mai Hiên làm nên từ kiến thức và đôi bàn tay học nghề của mình. Ảnh: Thanh Hùng

Sinh ra ở miền quê Thái Bình, học hết lớp 12, Hiên nộp hồ sơ thi vào một trường đại học khối kinh tế nhưng may mắn đã không mỉm cười với cô. Biết đã cố gắng hết khả năng nên không muốn phí thời gian theo đuổi một mục tiêu ngoài tầm với, Hiên quyết định nộp luôn hồ sơ thi vào khoa Công nghệ thời trang của Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp (nay là Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp).

Quyết định chọn học nghề Công nghệ thời trang của Hiên khiến bố mẹ cô khi đó rất lo lắng vì họ đều là công nhân may và thấu hiểu nỗi khó nhọc, vất vả của nghề này. Nhưng Hiên đã chứng minh lựa chọn của cô là đúng đắn.

“Mình đến với nghề công nghệ thời trang đầu tiên cũng là cái duyên, thứ hai bản thân cũng định hướng được sự cần thiết của việc có được tay nghề. Mới đầu mình cũng từng có suy nghĩ ngại ngùng rằng trong khi bạn bè học đại học hết thì mình lại đi học nghề. Nhưng khi quyết tâm và theo đuổi đam mê, thành tựu đạt được không hề kém cạnh các bạn, thậm chí mình có thể tự hào vì đã từng học nghề”.

Hiên nhớ, những ngày đó, sau những giờ học lý thuyết trên lớp, thực hành ở xưởng, cô lại lang thang khắp các khu phố cổ Hà Nội để quan sát, học hỏi. Tối về, Hiên xem thêm các báo, tạp chí và cả lên mạng… để tìm các mẫu thiết kế đẹp, từ đó, mày mò sáng tạo thêm nhiều kiểu cách. Bởi Hiên nghĩ rằng Công nghệ thời trang không chỉ đòi hỏi ở người thợ khả năng thiết kế mà như các công việc khác, để giỏi phải thực hành thật nhiều.

Nỗ lực không mệt mỏi, trong quá trình học, Hiên đã được chọn dự thi và rồi liên tiếp đạt các giải Nhất tại các hội thi tay nghề cấp trường, bộ và quốc gia.

Đặc biệt, Hiên còn là thí sinh đại diện cho Việt Nam tham dự Hội thi tay nghề ASEAN và giành được Huy chương Vàng năm 2010. Tiếp đó tại kỳ thi tay nghề thế giới, Hiên đạt Chứng chỉ nghề xuất sắc do Kỳ thi Tay nghề thế giới cấp.

Tốt nghiệp ra trường, cô gái sinh năm 1989 trở thành giảng viên tại Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đúng chuyên ngành Công nghệ thời trang.

{keywords}
 Ảnh: Thanh Hùng

Học nghề không chỉ cho chị Hiên một cuộc sống và thu nhập tốt mà còn có thể chia sẻ, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác.

Nói vậy, bởi sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, Hiên đã mở ra và quản lý công ty chuyên về sản xuất các loại đồng phục thời trang.

Sau 3 năm thành lập, đến nay tình hình kinh doanh đang phát triển khá tốt khi công ty nhận được nhiều đơn hàng với các đối tác lớn không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Hiện, công ty của Hiên có quy mô hơn 100 người đạt mức doanh thu khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm.

Hiên cho rằng việc định hướng được nghề nghiệp tương lai cho các bạn trẻ là rất quan trọng và cần thiết. “Xã hội đang rất cần những người thợ giỏi, những người có tay nghề cao. Những kỹ năng nghề giúp các bạn khi ra trường có thể có việc làm luôn”.

{keywords}
Chiếc áo đã được Vũ Mai Hiên (đứng thứ 3 từ trái sang) tặng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam". Ảnh: VGP. 

Theo Hiên, không cứ phải vào các trường đại học với những ngành học có tên mỹ miều, cao sang hoặc theo xu hướng của xã hội mà cần định hướng được thị trường cần gì. Và nếu các bạn trẻ đáp ứng được điều đó thì rất dễ xin việc và mức thu nhập cũng có thể rất cao.

“Để thành công, điều quan trọng là bạn trẻ phải biết lắng nghe bản thân để biết mình muốn gì. Khi xác định được con đường và mục tiêu rồi thì phải tập trung phấn đấu. Mình nghĩ, các bạn trẻ không nhất thiết phải chọn nghề “hot” mới thành công. Nếu bạn yêu nghề, bạn hoàn toàn có thể thực hiện nó một cách rất tốt và sẽ luôn biết cách tìm cho mình hướng đi đúng nhất”, Hiên chia sẻ.

Giờ đây, ngoài quản lý công ty, Hiên cũng trực tiếp đào tạo thêm kỹ năng và nghiệp vụ nghề cho các nhân lực của nhiều các doanh nghiệp khác.

Hải Nguyên

Thí sinh đoạt HC Bạc thi Tay nghề thế giới 2019 được nhận Huân chương Lao động

Thí sinh đoạt HC Bạc thi Tay nghề thế giới 2019 được nhận Huân chương Lao động

- Sáng 16/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước cho thí sinh đoạt Huy chương Bạc tại Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019.