- Buổi giao lưu trực tuyến với 3 khách mời là đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016 đã diễn ra với nhiều chia sẻ thú vị.

Mỗi khách mời, từ mỗi góc độ khác nhau (người làm khởi nghiệp với phần mềm dạy tiếng Anh cho trẻ em, người là khiếm thị hoạt động công tác xã hội, hay người có nhiều giải thưởng ở các cuộc thi nghệ thuật) đều cho thấy những trải nghiệm quý giá về giáo dục.

{keywords}
Đào Xuân Hoàng - sáng lập phần mềm dạy ngoại ngữ cho trẻ em Monkey Junior. Ảnh: Lê Anh Dũng

Làm giáo dục cần tốn công sức và tài chính

Nghe nói anh Hoàng đã bỏ ra hơn 10 tỉ đồng để làm startup và thậm chí rao bán nhà để phát triển Monkey Junior. Số phận 10 tỷ đồng ấy đến bây giờ thế nào rồi anh?

Đào Xuân Hoàng: Con số chính xác là 10 tỷ đồng đó tôi đã tiêu hết trong vòng chưa đầy 2 năm. Giai đoạn đó rất nhiều áp lực, bởi là thời gian xây dựng và phát triển sản phẩm, mà sản phẩm giáo dục cần tốn rất nhiều công sức và tài chính.

Chúng tôi muốn xây dựng một chương trình có sự đầu tư về công sức và thời gian, đặc biệt có sự tham gia của nhiều chuyên gia về giáo dục trên thế giới, nên tốn rất nhiều chi phí. Đó là chi phí bắt buộc, chi phí đó đi vào sản phẩm, không chỉ cho người dùng ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Đã có hơn 1,5 triệu người dùng sản phẩm, trong đó có 70% đến từ nước ngoài như Mỹ, Canada…

Đọc lý lịch của anh Hoàng có cảm giác anh là một người thông minh, mà thông minh rồi thì làm gì cũng dễ. Còn thực tế thế nào hả anh, anh có phải nỗ lực nhiều không? Anh có thể chia sẻ vấp ngã lớn nhất của anh trong quá khứ và những khó khăn mà anh đang phải đối mặt hiện tại?

Đào Xuân Hoàng: Bản thân tôi nghĩ thành công ít nhiều có được đến từ nỗ lực. Nỗ lực hết mình và đến từ chính đam mê, đam mê từ việc mình làm và yêu thích. Nỗ lực trong khởi nghiệp startup là đứng trong áp lực thường xuyên và đối mặt với nó.

Từ khi ra trường tôi đã bắt tay vào khởi nghiệp luôn, đã tiến hành rất nhiều dự án, có những dự án thành công nhưng không kéo dài. Nhưng chính từ đó tôi cũng học hỏi được rất nhiều điều.

Hiện tại, khó khăn lớn nhất đối với tôi là, là một startup chúng tôi cần phát triển nhanh, startup trong lĩnh vực giáo dục thì cần bài bản, tốn kém nhiều chi phí, cần chọn ra những người có năng lực và cùng đam mê, cùng tầm nhìn và cùng hướng phát triển. Thứ 2 là duy trì được nguồn tài chính dồi dào, ổn định để phát triển dài hơi.

Trẻ hiện nay đang bị hội chứng nghiện smart phone, phần mềm của anh liệu có tăng thêm nguy cơ này với trẻ? Bởi hiện nay các phụ huynh đang tìm cách hạn chế smart phone khuyến khích con học từ mọi thứ trong cuộc sống, thiên nhiên?

Đào Xuân Hoàng: Tiếp cận với thiên nhiên luôn luôn tốt. Bản thân tôi cũng khuyến khích con mình và những người khác cho trẻ tiếp cận với thiên nhiên. Thế nhưng không phải bất kỳ điều gì muốn dạy con cũng có thể cho con trải nghiệm trực tiếp được, mà phải cho con trải nghiệm qua những thiết bị điện tử.

Vì thế chương trình học qua smartphone là phương pháp tối ưu nhất. Và xin nhắc lại chương trình Monkey Junior có giới hạn về thời lượng bài học, đồng thời khuyến khích phụ huynh cùng tham gia học với con.

“Không nhìn được thì mua quần áo đẹp làm gì!”

Bill Gates từng nói rằng: “Cuộc sống vốn không công bằng - Hãy tập quen dần với điều đó”. Chị Thúy Hà nghĩ sao về điều này? Cuộc sống có công bằng với chị không?

Đỗ Thúy Hà: Cuộc sống có công bằng hay không là do mỗi chúng ta tự suy nghĩ và phán xử. Khi mỗi chúng ta không bằng lòng với bản thân mình thì mới có sự vươn lên. Có sự vươn lên thì mới phát triển được. Tôi nghĩ rằng con người không có sự nỗ lực, vươn lên thì cuộc sống rất tẻ nhạt. Còn công bằng hay không thì do suy nghĩ của mỗi chúng ta.

Với bản thân tôi, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì xung quanh chúng ta còn nhiều người tốt, giúp đỡ và đùm bọc lẫn nhau.

{keywords}
Đỗ Thúy Hà - chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Là một người khiếm thị, chị Hà đã từng gặp, nghe hoặc trải qua sự kỳ thị từ những người xung quanh chưa? Chị phản ứng như thế nào khi bị kỳ thị?

Đỗ Thúy Hà: Là một người khuyết tật, tôi đã gặp nhiều tình huống bị kỳ thị. Trước đây, tôi nghĩ rằng, tôi cũng đã phản ứng khá là mãnh liệt mỗi khi bị kỳ thị như vậy. Nhưng sau khi đi du học Nhật Bản về, tôi nghĩ rằng họ chưa hiểu và cũng có thể là do nhận thức của họ thiếu, nên mới kỳ thị như vậy.

Có lần tôi đi mua quần áo với mẹ. Khi mẹ tôi dắt tôi vào phòng thay đồ, người bán hàng biết tôi là người khiếm thị nói với mẹ tôi là: "Cháu không nhìn thấy thì mua quần áo đẹp làm gì?".

Lúc đó tôi đã nghĩ, mỗi một con người không phân biệt giàu nghèo hay già trẻ đều có quyền làm đẹp. Có thể người bán hàng chưa nhận thức ra điều này.

Kỷ niệm về những vất vả, khó khăn nhất trong quãng thời gian học tập của chị Hà là gì?

Đỗ Thúy Hà: Thực ra thì trong học tập, quan trọng nhất phải là sách giáo khoa và tài liệu học. Trong khi học thì SGK không đầy đủ, 3-4 bạn phải chung nhau một cuốn SGK. Vì thời điểm đó công in ấn sách chữ nổi cho một người khiếm thị khá đắt nên nhà trường cũng không có đủ kinh phí để mua cho mỗi người một bộ.

Ngoài ra sách tham khảo không có, học thêm cũng không. Nên tôi nghĩ thời điểm đó rất thiếu. Tôi nghe giảng là chủ yếu và về nhà mày mò tự học. Càng lên cao thì chương trình càng khó. Đặc biệt là học cấp 3 và học đại học. Tôi luôn phải nhờ người nhà, sinh viên tình nguyện hoặc bạn bên cạnh đọc bài cho tôi chép. Khó khăn nhất đối với tôi là môn tiếng Anh.

Vì không phải ai cũng đọc được tiếng Anh để mình nhờ. Mà những đề bài tiếng Anh thì khá là dài nên tôi phải dành rất nhiều thời gian để nhờ người khác đọc cho mình chép. Có những người phải đánh vần cho tôi từng chữ cái một. Nên tôi đã khá vất vả và tốn nhiều thời gian cho việc học.

Tôi nghĩ rằng, càng khó khăn bao nhiêu thì thành công càng đáng quý. Nên bản thân tôi luôn nỗ lực để cố gắng hơn nữa.

Tôi thấy hiện nay có rất nhiều đoàn nghệ thuật của người khiếm thị dựng sân khấu ở ngay vỉa hè để hát và quyên góp tiền. Chị có ủng hộ hình thức này không?

Đỗ Thúy Hà: Tôi không có ý kiến về những hình thức hoạt động nghệ thuật này. 

Ở Hội người mù quận Đống Đa không có đoàn nghệ thuật như vậy và tôi cũng không có ý định tổ chức những đoàn nghệ thuật như thế này. Tôi có những kế hoạch và dự án riêng để giúp các bạn về tinh thần và vật chất mà tôi cho rằng, thiết thực hơn về tinh thần và vật chất đối với các bạn.

Hiện nay, Hội người mù quận Đống Đa đang tổ chức 2 lớp tiếng Anh dành cho những bạn có nhu cầu và yêu thích ngoại ngữ. Có tổ chức một phòng xoa bóp bấm huyệt chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng do trực tiếp những bạn khiếm thị tại quận làm. Bên cạnh đó có những lớp học chữ nổi dành cho những bạn không có điều kiện đến trường. Có những lớp học hỗ trợ cho các bạn những kỹ năng mềm như làm CV xin việc làm, giao tiếp ứng xử, thuyết trình trước đám đông để các bạn tự tin hơn.

Làm âm nhạc không bao giờ buồn tẻ

{keywords}
Trần Lê Quang Tiến, nghệ sĩ violon 15 tuổi từng giành nhiều thành tích đáng nể. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhiều người cho rằng em là “thần đồng”. Thế làm “thần đồng” nhìn chung là sướng hay khổ hả Tiến? Anh nghe nói, thần đồng là hay bị mất tuổi thơ lắm?

Trần Lê Quang Tiến: Thực ra thì danh hiệu thần đồng không làm thay đổi cuộc sống của mình. Em cũng không nghĩ em là thần đồng vì em cũng lớn tuổi rồi. Thần đồng ám chỉ những đứa trẻ và có tài năng xuất sắc hơn em. Những thành công của em là cộng hưởng sự nỗ lực của bản thân, may mắn, sự dạy dỗ của thầy và sự hỗ trợ của gia đình.

Chào Tiến, cô có con năm nay 4 tuổi. Cô cũng muốn cho em học nhạc từ sớm, nhưng cô phân vân không biết nên chọn loại nhạc cụ gì. Cô đang cân nhắc giữa piano và violon. Cháu đã từng học cả hai loại nhạc cụ này, vậy cháu có thể cho cô lời khuyên không? Piano và violon đòi hỏi những tiêu chí khác nhau như thế nào ở người chơi?

Trần Lê Quang Tiến: Câu hỏi của cô cũng là băn khoăn của nhiều phụ huynh. Nhiều gia đình có thiên hướng cho con học piano hơn. Thực ra là khi mới bắt đầu học, piano đúng là một nhạc cụ dễ học hơn và đỡ tốn công sức hơn. Còn violon trong giai đoạn dành cho người mới bắt đầu rất khó và gian nan.

Theo cháu, nếu muốn học violon thì cũng nên học piano trước, vì piano sẽ cho bạn ấy có một âm chuẩn nhất định mà rất khó có thể đạt được ở violon.

Sau đó, khi bạn ấy đã được tiếp cận với cả hai loại nhạc cụ, bạn ấy thấy thích và muốn học loại nhạc cụ nào thì cô nên cho bạn ấy theo học loại nhạc cụ ấy.

Khi chơi nhạc cháu có cảm thấy hạnh phúc, nhẹ nhàng không? Có bao giờ cảm thấy mệt mỏi, chán chường khi cứ chơi nhạc suốt ngày như thế không?

Trần Lê Quang Tiến: Cảm giác khi biểu diễn trên sân khấu và lúc tập đàn hằng ngày trong phòng thì rất khác nhau. Trên sân khấu mình có cảm giác "bốc" và phiêu" – một cảm giác rất đặc biệt, còn khi ở trong phòng tập mình tập trung vào nâng cao kỹ thuật hơn.

Nhiều lúc, cháu cũng cảm thấy hơi mệt mỏi và hơi nản khi phải đi học đàn hay tập đàn. Nhưng cháu chưa bao giờ có ý định từ bỏ đàn. Cháu cũng không cảm thấy chán chường khi ngày nào cũng phải chơi nhạc, vì khi mình chơi nhạc thì các màu sắc mình có thể làm là vô hạn, nên mỗi ngày chơi đàn, cháu tìm thấy những điều mới mẻ khác nhau. Làm âm nhạc không bao giờ là buồn tẻ.

Ai là người có ảnh hưởng nhất đến Tiến?

Trần Lê Quang Tiến: Người có ảnh hưởng nhất đến em có lẽ là mẹ. Mẹ là người nói chuyện và tâm sự với em nhiều nhất. Mẹ cũng là người hằng ngày đưa em đến nhà thầy và là người đưa đón em đến rất nhiều nơi.

Cha mẹ đã gây dựng niềm đam mê violon ở bạn như thế nào?

Trần Lê Quang Tiến: Như em đã nói, gia đình ủng hộ em hết mình và tạo cơ hội cho việc học đàn của em. Từ khi còn bé, mẹ em hay cho chị gái và em nghe nhiều bản nhạc khác nhau, đặc biệt là nhạc cổ điển. Khi mẹ có bầu em, thường hay ngồi xem chị em tập piano. Em nghĩ đó là một vài yếu tố giúp em có niềm đam mê với âm nhạc cổ điển.

  • BAN GIÁO DỤC