Theo đề xuất mới, học sinh phổ thông và giáo viên, huấn luyện viên có học sinh đoạt các giải thể thao tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc sẽ được mức thưởng bằng 50% mức thưởng dành cho học sinh đạt giải các cuộc thi văn hóa đồng cấp.

Cùng đó, các học sinh đoạt giải Nhất quốc gia các cuộc thi: Đường lên đỉnh Olympia, Viết thư quốc tế UPU có thể nhận mức thưởng lên đến 40 triệu đồng - tương đương với mức thưởng dành cho học sinh đạt giải Nhất chọn học sinh giỏi các môn văn hóa cấp quốc gia mà tỉnh đang áp dụng hiện nay.

Đây là một trong các nội dung nổi bật trong đề xuất của Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc dự kiến trình UBND, HĐND tỉnh về chính sách thưởng dành cho học sinh đạt giải, giáo viên bồi dưỡng, huấn luyện học sinh đạt giải tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải thể thao học sinh toàn quốc, cuộc thi Đường lên đỉnh Olympic và Viết thư quốc tế UPU.

Dự thảo này đang được xin ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, trước khi trình HĐND tỉnh xem xét quyết định.

{keywords}
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng.

Về điều này, Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cho hay, chính sách khen thưởng cho học sinh, giáo viên có học sinh đạt giải các môn văn hóa với mức thưởng cao đứng thứ nhì cả nước (sau Hải Phòng), đã tạo động lực cho giáo viên và học sinh trong giảng dạy và học tập góp phần đưa giáo dục đại trà, mũi nhọn của tỉnh đứng tốp đầu cả nước. Song, chính sách khen thưởng trong lĩnh vực thể thao học đường chưa theo kịp mức thưởng học sinh giỏi các môn văn hóa của tỉnh cũng như so với các tỉnh ngoài.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, mức thưởng của tỉnh cho học sinh thể thao ở Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc đang thấp hơn trung bình 13,6 lần so với mức thưởng dành cho học sinh đạt giải văn hóa cấp quốc gia. Mức thưởng cho học sinh, giáo viên bồi dưỡng, huấn luyện học sinh đạt giải thể thao cấp toàn quốc của Vĩnh Phúc thấp hơn nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cụ thể, thấp hơn 5 lần so với Bắc Ninh; thấp hơn 2,2 lần so với Nghệ An; 1,7 lần so với Thanh Hóa; 1,6 lần so với Hà Nam.

Theo Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, dự thảo Nghị quyết khen thưởng trong lĩnh vực thể thao và các sân chơi trí tuệ cấp quốc gia này không chỉ đảm bảo tính thống nhất, công bằng trong chính sách khen thưởng của tỉnh, mà còn thúc đẩy phong trào thi đua, rèn luyện thể dục thể thao trong các nhà trường, chú trọng giáo dục phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Cùng đó, còn góp phần thu hút, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, phát huy tối đa năng lực của đội ngũ giáo viên thể dục vững chuyên môn của ngành; tạo động lực, nâng cao thu nhập chính đáng, giúp cho giáo viên say mê, gắn bó và cống hiến với chuyên môn, với nghề, xóa bỏ tâm lý “giáo viên môn phụ”.

Đối với cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, Sở GD-ĐT cho rằng đây là sân chơi trí tuệ có uy tín, giúp học sinh được trải nghiệm mở rộng thêm tri thức xã hội, bồi dưỡng kỹ năng sống. Song, nhiều năm gần đây, Vĩnh Phúc chưa có học sinh được vào tham gia trận chung kết năm, cũng chưa có chính sách khen thưởng. Do đó, đây có thể cũng là nguồn khích lệ học sinh đạt giải cao.

Hải Nguyên

Thầy trò chào nhau qua màn hình máy tính, học thể dục ngay trong phòng

Thầy trò chào nhau qua màn hình máy tính, học thể dục ngay trong phòng

 - Dạy thể dục thông qua hình thức học trực tuyến. Điều nghe có vẻ “không tưởng” này lại được các giáo viên thực hiện rất sáng tạo, thậm chí hoàn toàn phù hợp với việc học sinh học tập tại nhà và ở những nơi có không gian hạn chế.