“Trước đây chúng ta đã có câu chuyện 50 người con theo cha lên rừng, 50 người con theo mẹ xuống biển, nhưng dường như chúng ta đã lãng quên vế xuống biển của câu chuyện này” – truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ được GS Phạm Khắc Hùng nhắc lại trong câu chuyện về việc nuôi dạy hai cô con gái trưởng thành.

Cách đây gần 30 năm, GS Phạm Khắc Hùng là người sáng lập, và trở thành viện trưởng trong suốt 3 nhiệm kỳ đầu tiên của Viện Xây dựng công trình biển (Trường ĐH Xây dựng).

Đây là cơ sở đầu tiên và vẫn là duy nhất trong cả nước tính đến thời điểm này, thực hiện đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và tư vấn chuyển giao công nghệ cho các công trình dầu khí ngoài khơi, ngoài ra còn có các công trình ven biển, trên hải đảo, các công trình và các phương tiện hoạt động trên biển.

{keywords}
GS Phạm Khắc Hùng

Mang con gái ra biển

Tháng 1/1981, lần đầu được sang Pháp thực tập khoa học với đề tài “Nghiên cứu tự động hóa thiết kế kết cấu xây dựng”,được đến thăm ngôi nhà lưu niệm của Đảng CS Pháp về Bác Hồ (mang tên là Nguyễn Ái Quốc) ở số 9 ngõ Compoint, Paris, ông đã chụp một bức ảnh để ghi lại như lời tự hứa với bản thân: “Đi học hỏi khoa học ở Pháp cũng phải cố gắng làm được việc gì có ý nghĩa đem về cho đất nước”.

Cũng trong quá trình thực tập tại Pháp, ông nảy ra ý định đi theo hướng mới là nghiên cứu thiết kế các giàn khoan dầu khí ngoài biển, được Hiệu trưởng nhà trường khi đó là GS Đỗ Quốc Sam hoàn toàn đồng ý và khích lệ.

“Đến thời điểm đó, cũng đã có nhiều người Việt Nam đã đi nước ngoài, nhưng chưa ai nghĩ tới việc làm công trình trên biển để khai thác tài nguyên biển, đồng thời cũng là khẳng định chủ quyền” – vị giáo sư nay đã ngoài 70 tuổi nhớ lại.

Và ngay từ khi đó, ông đã tự xác định đây là nơi mình còn phải đến nhiều lần để giao lưu học hỏi, sẽ đưa cả đồng nghiệp, học trò, con cái sang đây học tập và nghiên cứu.

“Trước đây chúng ta đã có câu chuyện 50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển, nhưng dường như chúng ta đã lãng quên vế xuống biển của câu chuyện này” – ông Hùng nói về lý do tại sao mình lại định hướng cho hai cô con gái theo ngành học dường như chỉ dành cho cánh đàn ông.

“Quan điểm của tôi là không phân biệt nam – nữ. Tôi muốn chứng minh cho người thân và xã hội là nữ hoàn toàn có thể làm được như nam giới”.

Ngay từ sớm ông đã có ý hướng cho các con theo học ngành công trình biển.

Vì đã có ý định sâu sắc trong đầu là hai con gái sẽ sang Pháp học, nên khi Hậu – cô con gái lớn vào đại học thì ngay từ năm thứ hai đã chuyển sang học Tiếng Pháp, để sau khi tốt nghiệp đại học sẽ tìm học bổng sang Pháp học thạc sĩ của ngành học này.

“Sau khi học xong thạc sĩ, Hậu về nước, lập gia đình, sinh con, rồi lại có được học bổng sang Bỉ học tiến sĩ. Về nước năm 2010, con gái về Viện làm việc, tới nay đã được bổ nhiệm trưởng bộ môn Kỹ thuật xây dựng công trình biển và Đường ống bể chứa, kiêm phó chủ nhiệm Khoa Xây dựng công trình biển và Dầu khí” – ông bố “khoe” con với niềm tự hào. “Con theo nghề của bố phải phấn đấu tới nơi tới chốn”.

Cô con gái thứ hai tên Hạnh cũng được ông cũng chủ trương tốt nghiệp phổ thông xong sẽ thi vào Trường ĐH Xây dựng. “Nhưng lúc đó con còn thi thêm các trường khác và đỗ tất cả 3 trường, trong đó có ĐH Kiến trúc Hà Nội. Con quyết định học Trường ĐH Xây dựng, ngành kiến trúc – khai phá một ngành mới hơn truyền thống của gia đình.

Năm thứ nhất Hạnh đã học nổi bật, đứng đầu lớp, được học bổng chuyển tiếp sang Liên Xô. Nhưng quan điểm của tôi là cháu tốt nghiệp đại học ở trong nước xong mới đi nước ngoài, nên Hạnh học xong ở trong nước rồi mới tìm học bổng đi Pháp. Hạnh sang pháp học 2 bằng thạc sĩ rồi về, hiện đang làm việc trong nước”.

Để có được hai “niềm tự hào” này, vị giáo sư và vợ ông đã phải bỏ rất nhiều tâm sức.

Tôi lập gia đình năm 1973 khi 34 tuổi, muộn vì đông anh em. Năm 1960, khi tôi tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa, mẹ có nói rằng “Năm bố 27 tuổi mới lấy mẹ”. Nghe mẹ nói vậy, tôi hiểu là sau mình còn 5 em, nếu lập gia đình sớm sẽ không hỗ trợ được bố mẹ nuôi em, với em út cách mình tận 10 tuổi”.

Tới khi có con, tôi đã nghĩ ngay rằng mình phải làm tấm gương của sự phấn đấu vươn lên, có cống hiến với xã hội. Tôi muốn các con tự tin trong quá trình phát triển từ lúc bé thơ, có sự tự hào với bạn bè về truyền thống gia đình, về bố mẹ”...

Với định hướng trong việc dạy con như vậy, ngay từ khi con tới trường, vợ chồng ông đã theo dõi sát việc học hành, kết quả học tập. Các buổi họp phụ huynh ông đều tham dự, ghi nhận những ý kiến của nhà trường, có gì chưa ổn là điều chỉnh cho con cái phát triển đúng hướng.

“Bên cạnh việc học ở trường, tôi cho con đi học đàn từ cấp 1 vì nhu cầu về văn hóa rất quan trọng để có thể sống cân bằng. Nói như bọn trẻ bây giờ là “Theo kinh nghiệm của một người học violon từ cấp 2 cho thấy” – ông Hùng nói đùa.

“Tôi cũng rất coi trọng thể thao, cho các con tham gia các môn thể thao từ nhỏ.

Bản thân tôi đã và vẫn đang hoạt động rất sinh động về nghiên cứu khoa học lẫn văn nghệ, thể thao  để làm tấm gương cho con cái phấn đấu toàn diện.

Tôi lên danh sách những tác phẩm kinh điển, đặt yêu cầu mình phải đọc hết, ghi lại cảm tưởng. Rồi lúc con chưa đọc được thì mình kể lại cho con, để con hiểu cuộc sống, sự nhân văn, tiến bộ của loài người.

Vì vậy mà ở nhà chúng tôi không ai mất thì giờ đọc sách vớ vẩn. Cho tới hiện nay, chúng tôi vẫn có thói quen đọc sách. Nhà tôi có một góc riêng  dành cho sách văn học”.

Ông Hùng hầu như chưa bao giờ đánh mắng con, mà luôn dạy con theo cách phân tích điều hay lẽ phải. “Có gì các con phát triển chưa chuẩn thì phân tích để con tự nguyện có ý thức, để trở thành một con người hoàn chỉnh”.

{keywords}

“Khi con sang Pháp học, tôi quan tâm, hỏi han con nhiều vấn đề văn hóa chứ không chỉ đơn thuần về chuyên môn. Tôi quan tâm tới việc con học hỏi những tấm gương tốt để làm cho cuộc sống hoàn thiện hơn”.

Ông cho rằng con mình thuận lợi hơn sinh viên ở chỗ ngoài chương trình học chính với các bài giảng trên lớp còn có điều kiện đọc thêm tài liệu của bố.

“Con gái dễ bị nhìn theo cách kém nam giới. Tôi xác định con có bản lĩnh là ngang hàng với nam giới, không thua kém, không để đánh giá thấp hơn.

Vợ chồng tôi cảm thấy cái được của mình là làm cho con cái có ý thức, nên con tự điều chỉnh được. Con ra nước ngoài rất tự tin vào bản thân và trong các mối quan hệ xã hội”.

Giữ con trong tầm tay

Ông Hùng còn có một niềm tự hào ngấm ngầm là đã hỗ trợ người bạn đời phấn đấu trong công việc để làm tấm gương cho con gái.

“Đã lập gia đình phải để vợ phấn đấu trong sự nghiệp, làm gương cho con sau này, chứ không phải vợ chỉ là người lo chăm sóc chồng con” – ông Hùng chia sẻ. “Vợ tôi cũng rất có ý thức, từ một cô cử nhân ngành môi trường đã phấn đấu trở thành giảng viên đại học, phó giáo sư”.

"Một chuyện như thế này để thấy được sự cố gắng của cô ấy. Đó là phải có ngoại ngữ mới làm nghiên cứu khoa học hiệu quả và được công nhận chức danh phó giáo sư. Vậy là trong vài năm trời, cứ tới buổi tối, dù mưa gió thế nào cô ấy cũng đi học đều, rồi có bằng ngoại ngữ. Cô ấy được công nhận phó giáo sư năm 50 tuổi. Đó cũng là tấm gương cho hai con chúng tôi nhìn vào”.

Là trụ cột trong nhà, ông cũng là người giải quyết các tình huống khó trong cuộc sống.

Khi cô con gái đầu có học bổng sang Pháp học thạc sĩ trong 2 năm, cô đã có người yêu. Nhận thấy những âu lo, ông Hùng trao đổi với con rằng “Khi người yêu đi học xa là thử thách, giữ được là quý, không giữ được không đáng tiếc gì. Đó là quy luật tự nhiên…. Tới khi con về, anh chàng người yêu đã chuẩn bị sẵn thiệp cưới”.

“Thử thách thứ hai cũng đến với con gái là khi nó có con được 2 năm thì có học bổng đi Bỉ làm tiến sĩ trong 5 năm” – ông Hùng kể tiếp. “Đó là thử thách ghê gớm với con. Bà thông gia thì cằn nhằn “tôi lấy vợ cho con trai để khi ốm đau có người chăm sóc”….

“Tôi bảo cháu việc đầu tiên phải giải quyết là trao đổi với chồng. Sau đó, tôi mời con rể ăn tối, nói chuyện. Tôi bảo con rể nếu như con lấy vợ là giáo viên phổ thông thì việc xa cách là không bao giờ xảy ra. Mà con cũng học ĐH Xây dựng, nên biết rằng giảng viên trong trường phải phấn đấu để đi lên mới phát triển được”.

Ông phân tích “Đi học nước ngoài ngành khó thế này thì đi càng sớm càng tốt, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với chục năm sau mới đi. Để sau này, không khí phấn đấu học lên nhạt đi rất nhiều rồi. Nếu gia đình đã xác định phải chấp nhận, thì tạo điều kiện tối đa cho Hậu phát triển, làm tấm gương cho con của hai vợ chồng”.

“Cuộc nói chuyện này đã giải tỏa được tâm tư của các cháu. Mình không đòi hỏi cuộc sống giống như nguyện ước nên chỉ có thể tìm cách tốt nhất. Lựa chọn chính là thách thức. Và khi giải quyết được mọi việc sẽ tốt đẹp”.

Định hướng, hỗ trợ con trong việc đi học, nhưng vị giáo sư này cũng hướng cho con con đường trở về.

“Tôi dạy con rằng trong cuộc sống cần có ý thức phấn đấu, có cơ hội nắm ngay không để trượt. Tuổi trẻ phải ra sông ra biển chứ không thể ở trong vũng trong ao. Nhưng…” – ông nhiệt thành nói, “con học xong nhất định phải về”.

“Mình là người Việt Nam, đi học rồi phải về giúp đất nước phát triển. Khi làm điều đó, mình sẽ có niềm tự hào đã đóng góp cho xã hội. Về là còn để giữ tình cảm gia đình với bố mẹ, anh chị em. Khi ở nước ngoài, công việc tốt đấy nhưng chỉ một thân một mình. Em út tôi có hai con, tốt nghiệp đại học rồi ở lại Pháp, Mỹ. Bố mẹ nhiều tuổi mà con cái ở tận đâu đâu, buồn lắm”.

“Tôi thích câu ngạn ngữ Pháp “Khi gặp khó khăn xin hãy chờ đợi”. Tôi chèo lái, và hài lòng về sự thành công của cả gia đình, và cũng mừng vì đã không lỏng tay để mỗi người đi một phương” – đó là những điều khiến vị giáo sư ngoài thất thập đang yên tâm “đóng cửa” viết một bộ sách căn bản, trả “món nợ lớn” cho ngành học mà ông là người sáng lập.

Chi Mai