- TS. Đặng Hoàng Giang cho rằng chúng ta cần lưu ý đến khía cạnh đạo đức đằng sau những cú  bấm chuột bàn phím.


{keywords}
TS. Đặng Hoàng Giang chia sẻ trong buổi giao lưu "Ta cần biết bao nhiêu về cuộc đời người khác?"

“Tôi khá băn khoăn khi quan sát phản ứng của cộng đồng qua những câu chuyện ấu dâm vừa qua. Tôi nghĩ đó là một mối nguy hiểm khá lớn về mặt nhân quyền, cụ thể ở đây là quyền của những cá nhân được coi là nghi phạm hay tội phạm” – TS Giang chia sẻ trong buổi giao lưu có tên “Ta cần biết bao nhiêu về cuộc đời người khác?”

Bàn về khái niệm “nghi phạm”, ông nói: “Chúng ta phải đặt câu hỏi: ai là người cho rằng đó là nghi phạm? Nhà nước, cơ quan công quyền, tòa án hay là một người ở đâu đó”.

Theo ông, kể cả trong trường hợp công an, tòa án có thông tin về nghi phạm thì việc công bố thông tin ra bên ngoài cũng nên rất hạn chế. “Có nhiều quốc gia không công bố những thông tin ấy. Họ chỉ công bố trong trường hợp nó giúp ích cho việc truy tố và điều tra của họ. Chúng ta thử hình dung sống trong một xã hội mà bất cứ ai cũng có thể đưa thông tin về người khác rằng: đây là nghi phạm ăn cắp, giết người hay ấu dâm… thì quá là kinh khủng”.

Tác giả cuốn sách “Thiện, Ác và Smartphone” cho rằng cần tránh hết sức việc chia sẻ những thông tin thầy giáo này thầy giáo kia là tội phạm ấu dâm mà chẳng biết đầu cua tai nheo ra sao, chỉ với lý do trẻ con thì không thể nói dối được.

Thứ hai là kể cả khi các cơ quan chức năng xác nhận thông tin đây là nghi phạm rồi thì cũng không có nghĩa là chúng ta nên chia sẻ tất cả những thông tin liên quan tới người đó nhân danh công lý, ngăn ngừa những tội ác tiếp theo.

“Có những thông tin gì khác chúng ta không nên chia sẻ? Ví dụ như thông tin vợ con, bố mẹ họ, địa chỉ gia đình họ… Có lý do gì để chúng ta chia sẻ những thông tin ấy không dưới danh nghĩa là chúng ta bảo vệ đạo đức?” – TS. Giang đặt câu hỏi.

“Tôi nghĩ là chẳng có lý do gì. Cộng đồng không có nhu cầu biết con gái của anh này là ai, trừ khi nó liên quan đến tội ác mà anh ấy làm”.

{keywords}
Chủ đề của buổi giao lưu thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ

Trong khi đó, một bạn trẻ phản biện: “Vụ ấu dâm ở Khánh Hòa từng được khơi lên trước đó nhưng nhanh chóng bị dư luận và các cơ quan chức năng lãng quên, nhưng khi có những bình luận, hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội thì báo chí, cơ quan chức năng mới lật lại câu chuyện này. Trong trường hợp này thì những cú “share” có vai trò quan trọng trong việc giành lại công lý”.

TS. Giang trả lời: “Bạn hoàn toàn có thể gây sức ép với các cơ quan công quyền nhưng bạn có thể chọn phản ứng như thế nào là phù hợp”.

“Bạn đi đường nhìn thấy một ai đó bị tai nạn máu me be bét, bạn có ‘share’ không với mục đích tôi muốn thông báo là có sự việc đó xảy ra? Gia đình nạn nhân sẽ rất đau lòng khi nhìn thấy những bức ảnh đó được lan truyền mà không bao giờ kết thúc cả. Nó vĩnh viễn ở trên mạng nhiều năm tiếp theo. Tương tự với những clip bị đánh, bị bạo hành, bắt nạt…”

“Hay như vụ án một người phụ nữ giết chồng, chúng ta có nên chụp ảnh những đứa con của cô ấy đưa lên mạng rồi bình luận ‘bất hạnh quá nhỉ’ và biến những đứa trẻ thành những con vật trong sở thú, để người ta nhìn nó một cách thương xót?”.

Một nữ sinh tham dự buổi giao lưu đồng thuận với quan điểm này và cho rằng, trước khi đưa ra một thông tin, ta cần đặt 3 câu hỏi: thông tin đó có đúng không?, thông tin đó có cần thiết không?, thông tin đó có tử tế không?.

Nhà hoạt động xã hội này cho rằng, hiện nay công lý của sự cuồng nộ, công lý của đám đông đang càng ngày càng dữ dội. Nó như một đám lửa bùng lên, sẵn sàng thiêu hủy mọi thứ xung quanh nó.

“Tôi nghĩ là chúng ta, những người ngồi đây, có một phần trách nhiệm trong việc tác động tới những người xung quanh mình. Hãy bình tĩnh lại và có cách cư xử tích cực hơn, hợp lý hơn. Đừng tham gia vào sự cuồng nộ ấy. Chúng ta có trách nhiệm đem lý trí lại cho họ. Đó là một công việc khó khăn mà có thể các bạn sẽ bị ghét”.

  • Nguyễn Thảo