- Sau khi VietNamNet đăng bài “Phụ huynh đau đầu giải nghĩa “bậc anh hùng kinh tế” trong sách lớp 4”, thầy giáo tiểu học Tùng Sơn đã gửi ý kiến về câu chuyện này. Để góp thêm một góc nhìn, VietNamNet giới thiệu ý kiến này.

{keywords}

Câu hỏi về cách hiểu "bậc anh hùng kinh tế" phần tập đọc tuần 12 sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 tập 1.

Người có chuyên môn Tiểu học như tôi thì lại thấy cụm từ và câu hỏi trên rất đơn giản. Điều cần nói là ở đường lối làm sách giáo khoa hàn lâm, thiếu thực tế của nước nhà.

Chỉ cần hiểu ang áng

Đây là một cụm từ trong câu kết của bài tập đọc “Vua tàu thủy Bạch Thái Bưởi” thuộc điểm “Có chí thì nên”, Tuần 12, SGK Tiếng Việt 4.

Bài đọc kể về một nhân vật đã được ghi tên trong “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”, là ông Bạch Thái Bưởi.

Văn bản của bài đọc ở đây gồm 4 đoạn. Đoạn 1 giới thiệu nhân vật, đoạn 2 kể về gian khổ thời nhỏ của nhân vật, đoạn 3 kể về quá trình vượt khó kinh doanh tàu thủy của nhân vật và đoạn 4 là lời kết về sự “có chí thì nên” của nhân vật.

Khi dạy bài tập đọc này, các thầy cô chỉ cần giúp các con hiểu: Từ một trẻ mồ côi, trải qua nhiều gian khó, Bạch Thái Bưởi đã trở thành một “Vua tàu thủy” và có nhiều đóng góp cho đất nước”. Thế còn, “Vua tàu thủy” là gì, bậc “anh hùng kinh tế” là gì, chúng ta chỉ cần hiểu ang áng là được.

Viết sách cho trẻ học mà mang tư duy người lớn là điều rất khó tránh của các nhà soạn sách nước nhà. Họ cứ nghĩ rằng những Trần Đại Nghĩa, Bạch Thái Bưởi... là những tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Nhưng với đứa trẻ 10 tuổi học lớp 4 thì không phải thế.

Từ khi dự giờ tiết đầu tiên của bài này, chúng tôi đã cười và nói với nhau “Bài đọc này nghe nó cứ điêu điêu thế nào ấy”.

Vì tư duy đó, các nhà soạn sách còn đưa cả trích đoạn kịch của tác giả Mát-tét-lích ở nước Đức vào. Để rồi khi dạy và học, cô và trò cứ “kéo trâu qua rào” cho xong.

Tại sao không là những gì của con trẻ?

Để đọc và hiểu về “Có chí thì nên” thiết nghĩ có vô vàn ngữ liệu: Sao không là những đứa trẻ từ bé đã ham cờ lau đánh giặc? Sao không là anh Trạng Nguyên nhà nghèo vượt khó? Sao không là anh học trò đi bộ mấy chục cây số đến trường đại học để thi?...

Biết bao người “có chí”, mà cứ phải đưa vào những điều xa lạ với học trò để rồi lại hỏi “Em hiểu thế nào là bậc anh hùng kinh tế?”

{keywords}
Trẻ 10 tuổi làm sao biết lập dàn ý?

Đúng thực là câu hỏi này là của người lớn chứ không phải dành cho trẻ lớp 4. Câu hỏi này thể hiện quan điểm viết sách cho nghiên cứu sinh chứ không phải trẻ em nước nhà. Trẻ con không thích những câu chuyện đọc mãi mới hiểu.

Tính hàn lâm còn ở những phân môn khác. Sách dạy cho trẻ tiểu học mà cứ như sách dạy cho sinh viên. Học sinh lớp 5 mà lại học liên kết câu bằng lặp từ và từ ngữ nối. Học sinh lớp 4 mà học đủ các loại trạng ngữ để rồi sau phải giảm tải và bỏ đi…

Nhất là môn Tập làm văn. Sách cứ dạy học sinh lập dàn ý và các cách quan sát để miêu tả. Sách lại dạy các kiểu mở bài, các kiểu kết bài... Thực tế, học trò 10 tuổi thì cứ viết là viết, làm sao các em biết xây dựng dàn bài và kết cấu ý nọ ý kia như các nhà viết sách tưởng tượng.

Bộ GD-ĐT đang khẩn trương biên soạn chương trình – SGK mới. Nếu như không đột phá về đường lối và tác giả thì khó tránh chuyện hàn lâm.

Thắc mắc của phụ huynh về “bậc anh hùng kinh tế” là nói lên tính xa rời thực tiễn của sách và cũng là để nhắc nhở tất cả chúng ta: Viết sách cho trẻ em thì phải viết những gì là của trẻ em!

Tùng Sơn (Giáo viên tiểu học)