XEM CLIP

  

Sau trận lũ lớn đầu tháng 9, dọc hai bờ sông Đakrông (Đakrông, Quảng Trị), phù sa màu mỡ trôi đi, lộ ra những thước đất, đá mới. Người dân, đặc biệt là những bé gái lại đổ xô ra bờ sông để đãi đất, cát tìm vàng.

Đãi vàng, nghĩa là các em chấp nhận “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và dầm chân, tay trong nước nhiều giờ liền để có cơ hội tìm được lộc trời. Song, số tiền các em kiếm được chỉ khoảng 15 đến 25 nghìn/ngày.

Hồn nhiên đãi vàng bên bờ sông

Tháng 9, sau cơn lũ lớn gây sạt lở và xói mòn thiệt hại nặng nề, cái nắng nóng đã bắt đầu trở lại nơi huyện miền núi phía tây nam của tỉnh Quảng Trị, nhiệt độ ngoài trời lên đến 35 độ.

{keywords}
Những đứa trẻ đang chuẩn bị đãi vàng bên bờ sông trơ trọi sau lũ

13h trưa, chúng tôi có mặt mặt đoạn sông Đakrông thuộc địa phận xã Húc Nghì, huyện Đakrông, tận mắt chứng kiến một nhóm gồm 3 em gái tầm 13 đến 16 tuổi theo 2 người lớn ra bờ sông.

Thấy không giống với các em hay đi bắt cá, bắt ốc, những em gái này cầm theo cuốc, thanh sắt để đào và dụng cụ để sàng, đãi đất cát.

Ngạc nhiên hỏi các em đang làm gì thì nhận được câu trả lời vô cùng hồn nhiên, bọn em đãi vàng. Chúng tôi ai nấy đều thoảng thốt.

{keywords}
Cuốc đất cát vào dụng cụ sàng đãi rồi ra bờ sông tìm vàng

Em Hồ Thị T., nữ sinh lớp 7 trường TH và THCS Húc Nghì cho hay, cả tuần nay em theo các bạn và các chị trong thôn ra bờ sông đãi vàng.

Em chỉ học buổi sáng nên một buổi em đi học, một buổi em đi đãi vàng. Hôm nay thứ bảy nên em theo mẹ đi đãi vàng cả ngày.

Chị Hồ Thị Nh. (SN 1985, trú xã Tà Long, mẹ bé T.) cho biết, công việc chính của hai vợ chồng chị là lên rừng làm rẫy.

Mặc dù chị biết công việc đãi vàng này vất vả nhưng năm nay gặp mùa hạn, khoảnh lúa mà gia đình chị trồng không đủ cho 5 miệng ăn nên chị lại rủ các con của chị cùng đi đãi vàng.

Sắp tới mùa mưa bão, gia đình chị lại rảnh rỗi hơn nên chị quyết định đưa các con của chị làm quen với công việc đãi vàng này.

{keywords}
Các em hồn nhiên vui đùa khi đãi vàng

Hôm trước, chị Nh. rủ theo cả 3 đứa con nhỏ của chị đi cùng, đứa nhỏ nhất mới học lớp 2. Chị bảo, cho các con đi để kiếm thêm tiền mua sách, mua vở.

Chị cho hay, cả tuần đãi vàng thì cũng đủ mua 10 quyển vở, có hôm lại không có gì nhưng cho các con ở nhà thì chúng cũng chơi không thôi.

Hôm nay, chị Nh. không gặp may, khi cả hai mẹ con chị liên tục đào, bới và đãi đất mà chưa nhặt nhạnh được chút vàng nào cả.

Tìm được vàng không dễ

Dọc bên bờ sông Đakrông, trên nắng dưới nước là môi trường mà các em chọn lựa để tìm lộc trời.

Mỗi em, tay cầm theo một cái cuốc nhỏ để cuốc đất, chốc chốc nếu gặp phải đá thì các em lấy ra một cái thanh sắt dài tầm 50 cm để khều những cục đá gây cản trở ra, sau đó tiếp tục cuốc đất, cát.

{keywords}
Công việc vất vả nhưng thu nhập rất ít ỏi, có khi về không

Sau khi lấy đầy đất trên cái trơi (bán kính khoảng 25cm, đáy trũng), các em bưng ra bờ sông và trực tiếp lấy tay đãi.

Em Hồ Thị L., nữ sinh lớp 8, trường TH và THCS Húc Nghì cho hay, em đãi vàng trực tiếp bằng tay, hay vơ phải đá dăm hay các vật sắc, nhọn khác nên hay bị đứt tay.

Các bạn trong nhóm cùng đi đãi vàng với L. cũng gặp phải các trường hợp tương tự.

Có nhiều bạn có đề kháng yếu, đi đãi vàng dưới trời nắng nóng và ngâm cả chân, tay trong nước nhiều giờ liên tục nên các bạn bị ốm ngay sau đó. Từ đó, các bạn không theo L. đi đãi vàng nữa.

{keywords}
Các em đãi vàng trực tiếp bằng tay nên dễ bị đứt tay

L. bảo, đãi vàng cả tuần nay rồi. Sau mỗi ngày đi về có được bao nhiêu thì ghé điểm thu mua bán luôn. Khi mua, người ta tính bằng li, 1 li được trả 25 nghìn đồng, nhưng không phải ngày nào cũng có vàng để bán. 

Em cho biết thêm, vì công việc đãi vàng này vất vả, cần phải chịu khó, kiên nhẫn nên các bạn nam không ai đi.

Chính quyền xã Húc Nghì, Đakrông cho hay, thực trạng các em nhỏ ở vùng cao theo bố mẹ đi đãi vàng kiếm tiền mua sắm sách, vở thường diễn ra sau mùa mưa, lũ.

Việc đãi vàng khá vất vả nhưng số tiền các em và bà con kiếm được không đáng là bao nên công việc này chỉ mang tính chất thời vụ và diễn ra trong thời gian ngắn.

Hương Lài (clip Lê Minh)

Hình ảnh ‘đốn tim’ của các nữ sinh ngày khai giảng

Hình ảnh ‘đốn tim’ của các nữ sinh ngày khai giảng

 Trong tà áo dài thướt tha, sáng 5/9, các nữ sinh trên mọi miền tổ quốc chào đón lễ khai giảng năm học mới 2019-2020.