Tom, 5 tuổi, là em bé với đôi mắt sáng và sự lanh lợi thông minh qua bộ ảnh “24 giờ của Tom” và chương trình Điều ước thứ 7 trước trận chung kết bóng đá AFF CUP ngày 15/12/2018. Không may mắc căn bệnh ung thư não, Tôm đã trải qua 16 đợt hóa trị và hai cuộc phẫu thuật lớn. Dù chỉ còn 1/1.000 hi vọng để sống, bố mẹ cũng không bao giờ buông tay.

{keywords}

Mẹ Hà nói Tom là một cậu bé dũng cảm. Tom không sợ ung thư vì con không biết kẻ thù của mình mạnh đến cỡ nào. (Ảnh: Kim Bánh Trôi Nước & SCI)

5 năm trên hành trình giành lại sự sống, Tom thực sự là một chiến binh dũng cảm. Chị Hà, mẹ của Tôm đã kể lại cho chúng tôi nghe về hành trình cùng con trong suốt 5 năm đã qua ấy. Chị luôn nói rằng mình đã yêu con bình thường như tất cả những người mẹ khác, bởi với mỗi người phụ nữ, yêu con luôn là một bản năng không điều kiện.

“Ngày biết có Tom là ngày mẹ hạnh phúc nhất”

Mình vẫn nhớ như in ngày 8/3 của 5 năm về trước. Cả đêm trước mình bị thao thức và chỉ mong trời nhanh sáng.  Tình yêu lớn trong đời cuối cùng cũng đã đến.

30 tuổi. Mình không bao giờ quên cảm xúc khi biết bản thân sắp được làm mẹ. Đi xe máy trên đường, mình cũng bất giác tủm tỉm cười, cảm thấy “tự phục mình quá”.

Mùa xuân năm ấy sao ngọt thế! “Chồi non của mẹ, rất hân hạnh đón chào con đến với thế giới này!”.

Có con, mình cũng trở thành một thân cây đang ấp ủ mầm xanh. Mình hay thì thầm nói chuyện với con và gọi con bằng cái tên tạm đặt: Xuân Minh, tức ánh sáng của mùa xuân.

Khi Tom ra đời, con khỏe mạnh, thậm chí không bao giờ cảm sốt. Con tỏ ra là một cậu bé nhanh nhẹn và cứng cáp.

33 tháng tuổi, con được phát hiện ra khối u phía sau gáy, trên cùng cột tủy sống. Đó là khối u ác tính, ở vị trí nguy hiểm nhất.

“Không thể nào”. Mình thực sự sốc.

{keywords}

Tom cần nhập viện gấp. Mình đắn đo. Người quyết định vẫn là mình, nhưng người phải chịu đựng lại là Tom. (Ảnh: Kim Bánh Trôi Nước & SCI)

Như một cơn ác mộng, mình chỉ biết đặt câu hỏi “Tại sao?”. “Tại sao lại rơi vào Tom? Cả Tom, cả mình, cả gia đình sẽ phải đối diện ra sao với chuyện này?”. Hàng nghìn câu hỏi bủa vây trong đầu khiến mình không dám nghĩ nữa.

Tom cần nhập viện gấp. Mình đắn đo. Người quyết định vẫn là mình, nhưng người phải chịu đựng lại là Tom. Rồi mình vẫn quyết định đưa Tom vào viện. May mắn ca phẫu thuật đầu tiên của Tom thuận lợi.

Nhưng con tiếp tục phải phẫu thuật khối u. Không còn đường lùi, mình chấp nhận đi tiếp. Mình nhớ ánh mắt dè dặt của con khi bước vào khu phẫu thuật.

 

{keywords}

“Mẹ con mình cùng đi chơi nhé”, mình nói dối Tom. Nhưng rất nhanh sau đó, Tom chợt nhận ra và sợ sệt: “Con không chơi nữa đâu. Mẹ cho con về nhà đi”. Rồi Tom ôm chặt lấy mẹ. (Ảnh: Kim Bánh Trôi Nước & SCI)

“Mẹ còn mình cùng đi chơi nhé”, mình nói dối Tom. Nhưng rất nhanh sau đó, Tom chợt nhận ra và sợ sệt: “Con không chơi nữa đâu. Mẹ cho con về nhà đi”. Rồi Tom ôm chặt lấy mẹ.

Có lẽ cả đời này mình sẽ ám ảnh mãi ánh mắt ấy của con. Tom đã bước vào “trận chiến” như thế…

8 tiếng chờ phẫu thuật, mình không dám nghĩ bất cứ điều gì. Nếu có chuyện gì xảy ra với con, có lẽ mình là người hối hận nhất. Chính mình là người bế con vào dù rằng con không muốn.

Nhưng rồi phép màu lại đến với Tom. Chưa đầy 24 giờ phẫu thuật, con có thể tỉnh lại. Mình thấy bản thân quá may mắn vì sau những điều trị và phẫu thuật, con vẫn còn nhớ đủ mọi điều. Trong vô thức, khi mê man, tay con vẫn tìm mẹ. Con cứ thế tỉnh rồi mơ gần tháng trời.

Kết thúc hai cuộc phẫu thuật lớn trong đời, con bắt đầu bước vào phác đồ hóa trị.

16 lần. Đến người lớn còn không chịu được, còn con khi ấy mới chỉ lên 3. Nhưng con cứ thế mạnh mẽ và can trường bước qua từng “cuộc chiến”.

Con thực sự rất cố gắng, hết lần này đến lần khác. Sau này, nếu gặp điều gì khó khăn trong cuộc sống, có lẽ mình sẽ nghĩ đến sự mạnh mẽ của con để vượt qua.

“Nếu đã đến với bố mẹ, hãy vì duyên mà ở lại thật lâu”

Sinh con ra không lành lặn khỏe mạnh, với mình là một niềm day dứt. Cho nên, mình càng không thể dừng lại cuộc chiến giành sự sống cho con.

Hôm nay Tom thích gì, muốn ăn gì, muốn đi chơi đâu… đều được cả. Vì ngày mai là điều mình không còn nghĩ đến nữa.

{keywords}

Hôm nay Tom thích gì, muốn ăn gì, muốn đi chơi đâu… đều được cả. Vì ngày mai là điều mình không còn nghĩ đến nữa. (Ảnh: Kim Bánh Trôi Nước & SCI)

Mình vẫn nhớ dịp 8/3 năm ngoái, Tom vẫn đang ở “khách sạn”. Mình luôn gọi bệnh viện là “khách sạn” để con cảm thấy thích thú và gần gũi. Ở đây vốn không có khái niệm về những ngày lễ Tết. Cũng không quan trọng, với mẹ con mình hay tất cả các bạn khác ở đây, chúng ta chỉ quan tâm đến một khái niệm duy nhất là “ngày bên nhau” hay “ngày được bên nhau”.

Với bất cứ bà mẹ nào có con đang điều trị ung thư, dù đang ở “khách sạn” hay ở nhà, chỉ cần có con, đó đều là những ngày tươi đẹp nhất. Và bất cứ ai cũng muốn kéo dài những ngày tươi đẹp ấy.

“Cô mẹ San, cô mẹ Tâm, cô mẹ Tít, cô mẹ Thôi…..cũng như mẹ, ai cũng chỉ cần có các con. Và trong ngày 8/3, 14/2, Noel, thậm chí đến cả ngày Lễ Tết không mấy ai để ý, con vẫn là món quà tuyệt vời nhất của mẹ, đầy đủ nhất với mẹ rồi".

{keywords}

Với bất cứ bà mẹ nào có con đang điều trị ung thư, dù đang ở “khách sạn” hay ở nhà, chỉ cần có con, đó đều là những ngày tươi đẹp nhất. (Ảnh: Kim Bánh Trôi Nước & SCI)

Ngày 8/3 luôn rơi vào giữa mùa xuân. Mùa xuân mang cho mọi người cảm giác mạnh mẽ, mới mẻ và nhiều sức sống. Ở Hà Nội những ngày này có thể dừng xe chờ đèn đỏ, bất chợt ngắm hoa sưa trắng muốt ở góc đường.

Những bông hoa sưa trắng như bông tuyết, chỉ hiện ra đúng một tuần đã rụng. Hình ảnh hoa sưa giống như những cánh hoa anh đào rơi bay theo gió của triết lý Mono no aware (Nhật Bản). Mẹ con mình đều biết, “không quan trọng ngắn dài, không quan trọng được bắt đầu hay phải kết thúc. Chỉ cần rực rỡ, sẽ là mãi mãi”.

Một ngày 8/3 nữa lại đến. Chàng trai của mẹ luôn là món quà ấm áp và tuyệt vời nhất. Con là em bé của Trời, vì phạm lỗi nên chịu phạt xuống trần gian. Nhưng lỗi rất bé nên chỉ chịu phạt 3, 4, 5 ngày… xuống trần thành 3, 4, 5 năm… rồi sẽ về lại trên đấy. Nhưng mẹ vẫn luôn mong, những ngày tươi đẹp bên con sẽ kéo dài mãi".

Thúy Nga

Chàng trai mắc ung thư viết 14 chương truyện trên giường bệnh

Chàng trai mắc ung thư viết 14 chương truyện trên giường bệnh

 -Minh viết những chương truyện này giống như cậu đang tự vẽ cho mình mầm xanh hy vọng về những chiếc lá không bao giờ là cuối cùng.