Học phí dao động từ 100 – 200 triệu đồng/ năm, chưa kể các phụ phí phát sinh như ăn uống, đi lại, nội trú và các khoản đóng góp cho trường…, nhiều phụ huynh phải “nhịn ăn, nhịn mặc” để con được học trường “xịn”.



Câu chuyện “đứt gánh giữa đường”

Có con gái năm nay học lớp 8, chị Thu Hương (Đống Đa, Hà Nội) kể lại quá trình 2 năm chật vật nuôi con học trường quốc tế. 

“Hồi con gái lớn chuẩn bị vào cấp 2, vợ chồng mình phải chạy đôn chạy đáo tìm trường cho con. Cấp 1 mình để con học trường công lập. Nhưng thấy anh họ của bé bằng tuổi, học sinh trường quốc tế nói Tiếng Anh giỏi lắm, lại tự tin mạnh dạn, nên hai vợ chồng tặc lưỡi “Thôi, cố gắng cho bé Cún học trường quốc tế”.

{keywords}
Ảnh chỉ có tính minh họa, nhân vật trong ảnh không liên quan tới bài viết
(Ảnh: Lê Thanh Hùng)

Hôm đầu, sau khi quyết định chọn hệ quốc tế trong một trường tư thục cho con, mình hỏi lại bé “Bố mẹ cho con học trường quốc tế giống anh Bi nhé?”. Bé hỏi lại “Lương bố mẹ được bao nhiêu ạ?”, mình trả lời con “Lương bố mẹ được 20 triệu”, vậy là bé nhất quyết không chịu đi học. Chỉ đến khi bố cháu nói “Lương của bố 100 triệu, con đi học nhé”, lúc đó bé mới gật đầu chấp thuận”.

Thực tế, cả 2 vợ chồng chị Hương đều là người làm công ăn lương, thu nhập cũng không dư dả. Để cho con học trường quốc tế, vợ chồng chị phải chật vật “chắt chỗ nọ, bớt chỗ kia”. Nhưng khi nghe nói trường quốc tế dạy tốt, “đắt nhưng xắt ra miếng”, các con không sợ nhồi nhét khổ sở, lại được học Tiếng Anh, kỹ năng mềm nên cả hai vợ chồng quyết tâm “nghèo cũng phải cho con đi học”.

Chị kể, 2 năm nuôi con học trường quốc tế, vợ chồng chị phải khổ sở không dám chi tiêu gì cho bản thân. 

Thu nhập của cả 2 vợ chồng cả thảy là 25 triệu đồng, trừ chi phí sinh hoạt hàng ngày cũng chỉ còn chưa đầy 10 triệu đồng. Thế nhưng, riêng tiền học của con gái lớn đã 6,1 triệu đồng/ tháng, chưa kể những khoản phát sinh như ăn uống, đi lại… Hai vợ chồng chị phải bàn tính, động viên nhau tiết kiệm để cho con theo học.

“Mình thấy sợ mỗi khi con vào đầu năm học. Nhưng chồng mình luôn động viên đầu tư cho con học hành không bao giờ là thừa, rồi sau nó thành tài không phụng dưỡng được bố mẹ thì chí ít cũng lo được cho bản thân…”.

2 năm đó là 2 năm vợ chồng chị bơ phờ vì chuyện tiền học. Trước đó, khi con còn học trường công lập, học phí hàng tháng, tiền bán trú và các khoản phát sinh chỉ khoảng 2 triệu đồng/ tháng. Vì vậy, mỗi tháng anh chị có thể dành dụm được một chút phòng khi ốm đau. Thỉnh thoảng cuối tuần, hai vợ chồng lại đưa các con đi ăn uống, giải trí. Nhưng từ khi con gái lớn học trường quốc tế, mọi phụ phí ấy đều bị cắt giảm. 

{keywords}

Ảnh chỉ có tính minh họa, nhân vật trong ảnh không liên quan tới bài viết (Ảnh: Lê Thanh Hùng)

“Đến năm thứ 2, học phí của con bắt đầu tăng thêm. Thế nhưng, tiền lương hàng tháng của bố mẹ vẫn giậm chân tại chỗ. Chưa kể đứa út chuẩn bị vào lớp 1. Mặc dù chưa bao giờ nghĩ nhà mình thuộc hàng trung lưu để cho con cái học trường quốc tế như một cái mốt, nhưng con bé lớn được đi học trường quốc tế, con gái út lại học trường thường, mình vừa thương, vừa tội, lo bé thiệt thòi. Nhưng nếu cho cả hai chị em cùng đi học trường quốc tế thì đó quả là cái với quá sức, vợ chồng mình chỉ còn nước bán nhà cho con đi học.

Rồi một lần bà ngoại cháu ở quê lên thăm, nhìn thấy bé đi học bằng xe đưa đón của trường, bà khen trẻ con sao sướng quá, được đi học bằng ô tô, thì bé nhà mình đáp “Ở lớp cháu các bạn toàn được chở bằng ô tô riêng thôi bà ạ!”. Cả hai vợ chồng đều giật mình vì câu nói của con. 

Ở lứa tuổi mầm non có thể các con chưa quan tâm tới chuyện này, nhưng khi con đang trong độ tuổi phát triển thì đó lại là một vấn đề lớn. Mình sợ điều này sẽ ảnh hưởng tới tính cách của con như tự ti vì không được mặc đồ hàng hiệu giống các bạn, không được đi du lịch nước ngoài như các bạn trong lớp…

Lo tiền học cho con còn không xuể, thì những thứ tiền khác là điều quá sức với bố mẹ”.

Sau quá trình đấu tranh tư tưởng, hai vợ chồng chị quyết định chuyển con về trường công lập, vừa gần nhà lại giảm áp lực tiền bạc. 

Tốn tiền tỉ cho con qua bậc trung học

Cũng mang sự mong mỏi để con được học trong môi trường quốc tế, dù biết học phí luôn ở mức cao ngất ngưởng, nhưng nhiều phụ huynh vẫn xếp hàng xin cho con theo học, thậm chí “xếp hàng” trước cả năm trời. 

Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết các trường quốc tế có tiếng như trường Quốc tế Nhật Bản, trường Quốc tế Wellspring, trường Quốc tế Tây Úc, trường Quốc tế Việt - Úc… học phí đều ở mức cao, khoảng 100 – 200 triệu đồng/ năm, chưa kể bảng phụ phí dày đặc, đắt đỏ như phí nội trú (khoảng 50 – 70 triệu đồng/ năm), phí ăn (khoảng 20 – 30 triệu đồng/ năm), đồng phục, đưa đón, giáo trình, và các khoản phí khác như y tế, sinh hoạt ngoại khóa, chăm sóc ngoài giờ (dành riêng cho học sinh mầm non)…

{keywords}

Ảnh chỉ có tính minh họa, nhân vật trong ảnh không liên quan tới bài viết (Ảnh: Lê Thanh Hùng)

Tính sơ qua, số tiền cho một học sinh học đến hết hệ trung học tại một trường quốc tế lên đến khoảng 3 - 4 tỉ đồng. Do vậy, cho con học trường quốc tế thường là phụ huynh có thu nhập cao như nhân viên làm trong tập đoàn lớn hay người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam…

Chấp nhận cho con vào trường quốc tế đồng nghĩa với việc phụ huynh đã quyết tâm đầu tư hết mình, nhưng mỗi khi nhận được thông báo học phí đầu năm cùng những phí khác thì tầng lớp thu nhập cao cũng không khỏi hoang mang. 

Chị Nguyễn Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) có con đang theo học tại Trường Quốc tế Tây Úc kể: “Hồi đầu năm phụ huynh phải đóng phí nhập học ban đầu là 10 triệu đồng, khoản này không trả lại trong bất cứ trường hợp nào như muốn ngưng học hay xin rút hồ sơ. 

Nếu các con theo học Chương trình Song ngữ tại trường, một năm hết khoảng 92,6 triệu đồng tiền học phí đối với học sinh lớp 6. Còn nếu học Chương trình Quốc tế, học phí sẽ là 208,4 triệu đồng. Hiện tôi đang cho con theo học Chương trình Song ngữ. Theo dự kiến của nhà trường, nếu học đến lớp 9, học phí khoảng 99,3 triệu đồng/ năm”.

Dù học phí ở mức cao, nhưng theo chị Lan việc đầu tư cho con là cần thiết. Chị lý giải thêm: “Ưu điểm của trường quốc tế là chương trình học không áp lực. Nhìn trẻ con trường công mới lớp 1 mà mắt kính đã dày cộp, tối ngày học thêm học bớt, về nhà lại làm cả núi bài tập, tôi rất lo con cũng sẽ bị biến thành “gà công nghiệp”. 

Những môn lý thuyết khô khan không thể áp dụng vào thực tế. Tôi muốn con làm quen với sự chủ động, tích cực ở nước ngoài. Ví dụ như trong lớp, các con được thay phiên nhau làm lớp trưởng, như vậy sẽ rèn luyện cho các con tư chất lãnh đạo. 

Hay khi con viết xấu, các cô giáo sẽ không quát mắng mà nhẹ nhàng nói: “Chữ này phải cao 2,5 li, con viết như thế này là vừa béo vừa lùn, con thấy có đẹp không?” Cách dạy như thế rất hay, khiến các bé không bị áp lực hay nghĩ mình kém cỏi.

Dù học ở trường quốc tế, học phí cao hơn những trường bình thường, nhưng tôi luôn dạy bé hiểu, được đi học trường quốc tế là một may mắn chứ con không hề có ưu thế hơn các bạn khác và không được ỉ lại”.

Thúy Nga