“Ôi, ở cái tuổi này nó đã biết gì đâu em!” là khoảng 60-70% câu trả lời của các bậc phụ huynh có con em đang ở học kỳ 1 năm học lớp 12 (hoặc thậm chí lớn hơn) khi được hỏi rằng: “Đi du học, con anh/chị muốn học ngành gì/ sau này muốn làm gì?”

{keywords}
Khung cảnh một triển lãm du học. Ảnh minh hoạ

Những thiếu niên bị cha mẹ đối xử như trẻ lên 6

Tôi đã thực sự bất ngờ sau khi tự thống kê lại. Tuy nhiên, khi tôi trực tiếp hỏi học sinh cùng câu hỏi đó, thì cũng có tới khoảng 70% cũng chưa xác định được định hướng học. Khoảng 20% xác định được lĩnh vực các em thích, nhưng có vẻ nghiêng theo ngành nghề do bố mẹ định hướng, lựa chọn sẵn hoặc theo sự tư vấn bên ngoài xem “học ngành nào để dễ định cư”.

Chỉ có 10% trong số học sinh tôi gặp là biết rõ/ xác định rõ không chỉ lĩnh vực, định hướng nghề nghiệp, thậm chí cả kế hoạch đường dài trong tương lai nữa.

Vậy có thực sự học sinh ở cái lứa tuổi 17, 18, hoặc thậm chí 19, 20 “đã biết gì đâu” theo như quan điểm của một số bậc phụ huynh không? 

Theo cá nhân tôi, thì không phải hoàn toàn như thế. Nhiều khi gặp học sinh, tôi thấy thực sự thương, vì tại thời điểm rất quan trọng của cuộc đời, các em không được trao quyền quyết định cho tương lai của chính mình.

Tôi đã từng bị ám ảnh bởi một trường hợp: Một nam sinh cao to, khoảng 1.75m, cùng mẹ tới gặp tôi để xin tư vấn. Khi em ngồi xuống, tôi bắt đầu với một vài câu hỏi sơ qua về kết quả học tập và trình độ tiếng Anh.

Khi vừa dứt câu hỏi, em chưa kịp trả lời thì người mẹ đã quay sang lườm. Em trả lời xong thì người mẹ nhắc “Nói to lên”. Nói chung, từng lời nói và cử chỉ của em đều bị mẹ nhắc tại chỗ.

Trong cả buổi nói chuyện, mặt em cúi gằm, không dám nhìn thẳng vào mắt tôi. 

Khi tôi hỏi “Em thích học ngành gì?” thì người mẹ nói thay luôn: “Nó chưa biết gì đâu, em tư vấn cho chị nên học ngành gì sau này dễ định cư lại. Chị quyết định cho nó”.

Tôi đã nghe câu nói này nhiều rồi, nhưng lần này cảm giác của tôi khác. Tôi thực sự thấy thương em, vì trước mắt tôi là hình ảnh một cậu bé trong thể xác to lớn, nhưng đang rụt rè cúi gằm mặt, và bị mẹ đối xử như một đứa trẻ 6 tuổi, và tôi thấy sau đó là một loạt những ức chế về mặt tinh thần và những hậu quả về sau…

Tôi đồng ý rằng, những sở thích, hoặc những định hướng ban đầu của học sinh ở lứa tuổi đó có thể không chính xác, và sau này, các em có thể phải thay đổi ngành học, hoặc nghề nghiệp. Đó chính là điều mà các bậc cha mẹ, những người có kinh nghiệm đi trước lo ngại. Nhưng, xin hãy cùng con ngồi lại, để trao đổi, thảo luận một cách có khoa học, bình đẳng và từ sớm, và để đưa ra quyết định của mình.

Ở đây có 2 vấn đề tôi muốn bàn sâu là thế nào là sự “khoa học, bình đẳng” và khi nào là “sớm”.

Cần xác định được rõ “sở thích”, “khả năng’’ và “nhu cầu thị trường”

Bàn luận một cách khoa học mà tôi đề cập ở đây, là có sự nghiên cứu hoặc được tư vấn một cách khoa học và chuyên nghiệp về việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Cần xác định được rõ giữa các vấn đề “sở thích”, “khả năng’’ và “nhu cầu thị trường”.

Vài tháng trước, tôi từng gặp một em học sinh học rất giỏi, điểm tổng kết lớp 11 là 9,0, điểm IELTS 7.5, học một trường danh tiếng. Em biết rõ rằng mình thích học ngành Kinh tế, nhưng lựa chọn đi du học lại là ngành Khoa học Máy tính. Tôi hỏi tại sao, em đã nghĩ kỹ chưa. Em nói rằng vì bố mẹ định hướng cho như thế, em nghĩ như vậy sẽ an toàn hơn, sợ đi theo ngành mình thích sau này “đầu ra” sẽ khó.

Trong ánh mắt em lúc đó tôi thấy ánh lên sự lo sợ phải chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình, và đặc biệt, tôi cảm thấy một sự chán nản khi em phải nói về chuyện công việc sau này.

Thay vì việc chia sẻ hoặc chịu trách nghiệm thay cho con, tôi nghĩ cha mẹ nên thử để con tập dần việc tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. 

Người thành công sẽ là người chăm chỉ, kiên định, kiên trì, và bền bỉ. Còn nếu như con trẻ đi theo sự lựa chọn của cha mẹ, nếu một lúc nào đó, trên chặng đường đi của mình, khi gặp khó khăn, con trẻ cũng sẽ tìm ra được lý do để “đổ trách nghiệm” cho một người/ một yếu tố khách quan khác.

Có nhiều bậc phụ huynh nói rằng: “Thôi, đây là một bước ngoặt lớn của cuộc đời con, mình đã nhỡ quyết định thay con suốt rồi, giờ “thêm nốt lần nữa” cho... yên tâm”. 

Quyết định của mỗi phụ huynh không có đúng và sai, chỉ có điều, mỗi quyết định sẽ dẫn con em chúng ta đi theo các hướng khác nhau. Nếu may mắn, con trẻ đi đúng, thành công thì tốt. Nhưng nhỡ rủi thì cũng thật đáng tiếc.

{keywords}
Thay vì việc chia sẻ hoặc chịu trách nghiệm thay cho con, tôi nghĩ cha mẹ nên thử để con tập dần việc tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Ảnh minh hoạ

Sớm là từ khi nào?

Vấn đề tiếp theo, nếu như vẫn còn có thời gian, phụ huynh nên nói chuyện về định hướng sự nghiệp với con từ “sớm” là từ khi nào? Từ lớp mấy? 

Tôi đã từng được tham gia một khóa đào tạo ngắn hạn về định hướng nghề nghiệp cho học sinh, khóa học dựa trên những phương pháp và nghiên cứu của Mỹ, Nhật, kết hợp với những trải nghiệm của cá nhân trong cuộc sống và công việc. Tôi xin phép tổng hợp lại các bước nên tiến hành như sau:

Định hướng sự nghiệp: Định hướng sở thích, đam mê, những công việc làm mình cảm thấy hạnh phúc. Việc định hướng này, có thể bắt đầu từ lúc trẻ 4,5 tuổi hoặc khi vào lớp 1. Đơn giản là vu vơ hỏi con, sau này con thích làm nghề gì? Con mê trò chơi Lego thế, sau này con có thích chế tạo ô tô không? ….. Sau này con có ước mơ làm gì? Thành người như thế nào?... 

Mỗi ước mơ ở từng giai đoạn của con người, nó có thể viển vông, phi thực tế với những người xung quanh. Nhưng đối với bản thân, ước mơ giúp cho họ có một thái độ sống lành mạnh và tốt, giúp họ đi đúng đường đúng hướng. Đến khi nhận thấy ước mơ đó đúng là “viển vông” hoặc không thể thành sự thật, họ lại tìm tới một ước mơ khác. Và càng nhiều lần thay đổi như thế, họ sẽ đến gần với ước mơ sát thực nhất, giúp họ có thể thành công và hạnh phúc.

Trải nghiệm với những nhóm nghề nghiệp đã chọn: Những định hướng ban đầu, có thể đúng hoặc sai. Chỉ có khi bạn bắt tay làm công việc đó thực sự, bạn mới có câu trả lời rõ là bạn có thích hợp hay không. 

Vậy cha mẹ có thể giúp con cái như thế nào trong việc này? Tôi đã tham khảo ý kiến của một chuyên gia giáo dục Nhật Bản và được tư vấn rằng: “Nếu con còn nhỏ, hãy dành thời gian bên cạnh con và cùng con trải nghiệm. Không cần phải là mang con tới các lớp học đắt tiền về nghề nghiệp, hoặc phải đưa con tới công sở, mà chính là từ sinh hoạt hằng ngày trong gia đình, đi chơi trong công viên, dã ngoại..”.

Quyết định lựa chọn: Có thể công việc của bạn đang là xu thế của thị trường lao động, nơi bạn muốn sinh sống sau này; nhưng cũng có thể là không. Quyết định chọn ngành nghề khi đi du học càng khó hơn. 

Lời khuyên của tôi là: Hãy xác định rõ “mục tiêu đi du học” của bạn là gì và sau đó lên kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu đó. Là định cư ở nước ngoài và làm nghề gì cũng được? Hay mục tiêu là được học tập ở nước ngoài và trở thành một người giỏi trong lĩnh vực của bạn, và bạn sẽ cố gắng làm tốt nhất có thể, nơi làm việc của bạn là Việt Nam hay đất nước nào không quan trọng?

Vâng, “lên kế hoạch, nghiêm túc và kiên trì thực hiện kế hoạch đã đề ra” là điều cuối cùng và quan trọng nhất tôi muốn gửi gắm tới các bậc phụ huynh và học sinh.

Nên, nếu có thể, xin các bậc phụ huynh, hãy trao cho con được quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm bằng cách: Nghiêm túc trao đổi với con về định hướng tương lai, để con tự xác định rõ mục tiêu đi du học, tự lên kế hoạch và nghiêm túc kiên trì thực hiện kế hoạch đã đề ra.

Nguyễn Anh Thư (Cựu sinh viên Trường ĐH La Trobe, Úc)

"Chào mừng tới thế giới của du học sinh nghèo!"

"Chào mừng tới thế giới của du học sinh nghèo!"

Ngày mới sang Úc học, khi đi chợ hoặc mua sắm tôi thường có thói quen quy đổi từ tiền đô la sang tiền Việt Nam. Ví như: “Mớ rau 3$, trời ơi, tận gần 60 ngàn đồng cơ á?”.

Du học sinh VN đóng góp 881 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ

Du học sinh VN đóng góp 881 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ

Năm học 2017–2018, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 6 trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Mỹ với 24.325 người.

Cú sốc của nữ sinh Việt lần đầu đến Nhật du học

Cú sốc của nữ sinh Việt lần đầu đến Nhật du học

Để đủ tiền sinh hoạt tại Nhật, chị Mai đã phải mua gạo giá rẻ, cà chua bị dập và trứng gà giảm giá… để tiết kiệm chi phí. Nhờ vậy chị đã hoàn thành 4 năm học.

Vị phó giám đốc sở từ chối cho con du học nước ngoài

Vị phó giám đốc sở từ chối cho con du học nước ngoài

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, từng từ chối cho con đi du học thạc sĩ nước ngoài bằng tiền ngân sách nhà nước. 

Chi 3-4 tỉ USD du học: Sẽ còn tăng tiếp, tăng nữa

Chi 3-4 tỉ USD du học: Sẽ còn tăng tiếp, tăng nữa

Thị trường du học trong những năm gần đây trở nên đa dạng và sôi động hơn  với sự tham gia của các gia đình trung lưu sẵn sàng chi trả học phí đắt đỏ để con cái có một môi trường giáo dục khác biệt.