Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư về quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông năng khiếu thể dục, thể thao. Những yêu cầu trong tuyển sinh, tổ chức và hoạt động giáo dục đều được quy định chi tiết tại thông tư này.

Sau 1 năm, không đạt yêu cầu chuyên môn sẽ phải chuyển trường

Theo thông tư, học sinh muốn tham gia thi tuyển vào trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao phải có độ tuổi từ 6 tuổi đến 15 tuổi, hoàn thành chương trình giáo dục theo độ tuổi, cấp học tương ứng theo quy định, có sức khỏe, thể hình, đạo đức tốt, học lực trung bình trở lên, có năng khiếu thể dục thể thao, được sự đồng ý của gia đình và đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn.

Các trường sẽ tuyển sinh bằng cách xét tuyển học bạ và chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục theo từng cấp học tương ứng. Ngoài ra, các trường cũng sẽ tổ chức kiểm tra và thi tuyển chuyên môn năng khiếu, trong đó kiểm tra thể hình, tố chất vận động, năng khiếu thể thao cơ bản và thi tuyển năng khiếu, tố chất, kỹ năng môn thể thao dự kiến theo học.

{keywords}

Những học sinh muốn đăng ký vào các trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao phải trong độ tuổi từ 6 – 15 (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Học sinh trong quá trình đào tạo, tối đa từ 6 tháng đến 1 năm học, nếu không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, không có khả năng phát triển thành tích ở môn thể thao đang được đào tạo sẽ chuyển sang học ở trường phổ thông khác trên địa bàn theo quy định hiện hành.

Trong trường hợp học sinh có nguyện vọng chuyển đến học ở trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao thuộc tỉnh, thành phố khác phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về chuyển nhượng vận động viên.

Nếu vi phạm, học sinh sẽ phải bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo cho những năm được đào tạo tại trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao, nơi học sinh đó theo học trước khi chuyển đi

Thông tư cũng nêu, tuổi kết thúc học tập tại các trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao không quá 20 tuổi.

Mỗi lớp không được quá 25 học sinh

Về tổ chức lớp học, mỗi lớp năng khiếu thể dục thể thao được quy định không quá 25 học sinh và mỗi học sinh chỉ được học 1 lớp năng khiếu thể dục thể thao.

Các trường phải đảm bảo có đủ đội ngũ giáo viên dạy môn năng khiếu đạt chuẩn về trình độ chuyên môn huấn luyện các môn thể thao theo quy định, có trình độ từ đại học thể dục thể thao trở lên và có chứng chỉ huấn luyện viên thể dục thể thao được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.

Thông tư cũng nêu, Ban Giám hiệu phải được phân công ít nhất có 1 lãnh đạo trường phụ trách lĩnh vực năng khiếu thể dục thể thao và ít nhất 1 lãnh đạo trường phụ trách lĩnh vực dạy học văn hóa.

Lớp học kiến thức văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông gồm những học sinh có cùng trình độ văn hóa, có thể không cùng độ tuổi.

Lớp học năng khiếu thể dục thể thao gồm những học sinh có cùng trình độ chuyên môn về môn thể thao, có thể không cùng trình độ kiến thức văn hóa và độ tuổi.

Viên chức quản lý, giáo viên trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao sẽ được hưởng các chế độ, chính sách như viên chức quản lý, giáo viên các trường phổ thông cùng cấp học, ngoài ra còn được hưởng các chế độ ưu đãi đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định.

Giáo viên trực tiếp dạy, huấn luyện môn năng khiếu thể dục thể thao trong trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi khác theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 21/4/2021.

Thúy Nga

Xem toàn văn nội dung Thông tư 07/2021/TT - BDGĐT (về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao) TẠI ĐÂY

Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc đề xuất thưởng cao cho học sinh đạt giải thể thao

Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc đề xuất thưởng cao cho học sinh đạt giải thể thao

Theo Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, mức thưởng của tỉnh cho học sinh thể thao ở Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc đang thấp hơn trung bình 13,6 lần so với mức thưởng dành cho học sinh đạt giải văn hóa cấp quốc gia.