{keywords}
Hãng Hàng không quốc tế Pakistan bị phát hiện có hàng chục phi công và thành viên phi hành đoàn sử dụng bằng giả

Thông tin được Cơ quan Hàng không dân dụng Pakistan thông báo trước Toà án tối cao Pakistan tuần qua trong ngày cuối cùng của phiên điều trần về vụ kiện bằng giả bắt đầu từ tháng 1/2018. Đây cũng được cho là một trong những vụ bê bối bằng giả lớn nhất thế giới được phanh phui.

Vụ kiện mất gần 1 năm để chứng thực bằng cấp của các nhân viên hàng không và cũng đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự bất hợp tác của chính các đối tượng bị tố cáo. Các trường đại học cũng chậm chạp trong việc xác minh độ tin cậy của những tấm bằng.

Quá trình xác minh hoàn thành vào ngày 29/12 năm ngoái. Đến ngày 9/1 mới đây, Toà án tối cao đã đóng hồ sơ vụ kiện sau khi Cơ quan Hàng không dân dụng và ban quản lý của Hãng Hàng không quốc tế Pakistan (PIA) xác nhận với toà án rằng họ sẽ đình chỉ những nhân viên có bằng cấp giả mạo.

Vào ngày 9/1, toà án đứng đầu bởi Chánh án Mian Saqib Nisar cũng tuyên bố những người bị đình chỉ công việc có quyền kháng cáo. Nếu họ không thể chứng minh được tính xác thực của những bằng cấp mình sử dụng trong quá trình kháng cáo, họ sẽ bị sa thải.

Trong khi vị Chánh án này cho rằng những người sử dụng bằng giả không xứng đáng được khoan nhượng thì trước đó Uỷ ban thường vụ Thượng viện Pakistan đã phản đối việc sa thải những người này.

Ngày 29/12, Thượng nghị sĩ Mushahid Ullah Khan – chủ tịch Uỷ ban Thượng viện đã phản đối mạnh mẽ việc sa thải các phi công và phi hành đoàn. “Không ai nên bị thất nghiệp vì dùng bằng giả… vì họ sẽ mất kế sinh nhai. Tại sao không trừng phạt chính những người đã tuyển dụng họ” – ông chia sẻ với tờ Express Tribune.

Vị Thượng nghị sĩ này đề xuất nên giảm lương thay vì sa thải những người dùng bằng giả.

Những người này đã làm việc cho các hãng hàng không nhiều năm nay. Tuy nhiên, vấn đề ai phải chịu trách nhiệm cho bê bối này thì đang bị chính trị hoá. Trong phiên họp hồi tháng 9 năm ngoái của Quốc hội nước này, ông Fawad Chaudhry – Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã cáo buộc chính quyền trước đây của Liên đoàn Hồi giáo Pakistan và Đảng Nhân dân Pakistan đã “huỷ hoại PIA” bằng việc tuyển người của mình vào hãng hàng không quốc gia.

Người ta cho rằng trong những đợt tuyển dụng đó, các phi công và phi hành đoàn dùng bằng giả đã trúng tuyển nhờ những mối quan hệ chính trị.

Trong khi đó, cơ trưởng Saeed Khan, một thành viên của Hiệp hội Phi công Pakistan cho rằng: “Nếu một người được tuyển dụng nhờ những bằng cấp thật và sau đó, anh ấy/ cô ấy cố kiếm được bằng cấp cao hơn để phục vụ quá trình thăng tiến thì họ nên bị kỷ luật thay vì sa thải khỏi công việc mà họ có được nhờ những bằng cấp hợp lệ”.

Nhưng ngược lại, cũng có những ý kiến cho rằng họ không nên được khoan nhượng vì hành vi phạm tội này, bởi vì việc nắm giữ sinh mạng của hàng trăm hàng khách trên một chuyến bay không phải là chuyện có thể dễ dãi. Thậm chí, không những bị sa thải, những người này còn nên bị thu hồi tiền lương đã nhận trước đó.

Những bê bối bằng giả ở Pakistan được đưa ra ánh sáng từ năm 2010 khi nhiều nghị sĩ nước này giả mạo bằng cấp để được tham gia bầu cử sau khi có quy định bắt buộc các ứng viên phải có bằng cử nhân.

Nguyễn Thảo (Theo University World News)

Điều tra chấn động: Tố giác 3.000 người Anh dùng bằng giả

Điều tra chấn động: Tố giác 3.000 người Anh dùng bằng giả

Một cuộc điều tra mới đây của chương trình File on Four trên đài BBC Radipo 4 tiết lộ, một nhà máy sản xuất văn bằng giả hoạt động ở Pakistan đã bán hàng ngàn tấm bằng giả cho các công dân Anh.